79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán với EVN
Hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN, mặc dù đã đôn đốc nhiều lần.
- 06-09-2023Vì sao giá điện phải "cõng" khoản lỗ của EVN?
- 05-09-2023Bộ Công Thương nói gì về giá điện có thể tính thêm khoản lỗ của EVN?
- 02-09-2023Giá điện có tăng "sốc" khi đưa vào khoản lỗ của EVN?
Ngày 5/9/2023, Bộ Công Thương đã gửi văn bản báo cáo về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ đối với việc đàm phán giá điện, các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo nội dung báo cáo, tính đến hết ngày 25/8/2023, đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 4.449,86MW (chiếm 94% số dự án) đã nộp hồ sơ đến EVN. Vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW (chiếm 6%) chưa gửi hồ sơ đàm phán với EVN, mặc dù đã đôn đốc nhiều lần.
Trong 79 dự án đã gửi hồ sơ đàm phán có 68 dự án với tổng công suất là 3633,26MW đã thỏa thuận giá điện với EVN; 67/68 dự án với tổng công suất là 3849,41MW đã tiến hành thỏa thuận giá điện tạm thời bằng 50% khung giá phát điện để làm cơ sở ký kết hợp đồng mua bán điện và vận hành thương mại; 61/67 dự án với tổng công suất 3.369,41 MW đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm trình lên Bộ Công Thương. Trong đó có 58/61 dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt.
Có 43/61 dự án với tổng công suất 2424,75MW đã và đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó có 20 dự án với tổng công suất 1.171,72MW đã được công nhận ngày vận hành thương mại.
Có 29/85 dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực. Trong đó, 20 dự án được cấp giấy phép toàn bộ dự án, 9 dự án được cấp giấy phép một phần dự án, 11 dự án đã nộp hồ sơ và đang được Bộ Công thương khẩn trương rà soát kiểm tra để cấp giấy phép, 45 dự án chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.
Bộ Công Thương khẳng định, việc ban hành Quyết định 21/2022/QĐ-BCT và Thông tư số 15/2022/TT-BCT là đúng thẩm quyền quy định tại Luật Điện lực, Luật giá và các Nghị định hướng dẫn. Khung giá phát điện cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã được EVN tính toán và Bộ Công Thương thẩm định, ban hành tại Quyết định số 21/2022/QĐ-BCT là đúng phương pháp tại Thông tư số 15, có tham khảo số liệu của các tổ chức tư vấn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để rà soát các nội dung về khung giá cho các dự án chuyển tiếp và kịp thời chỉnh sửa bổ sung nếu phát hiện có nội dung vướng mắc, bất cập.
VOV