8 cách sống tiết kiệm của mẹ: Ngày trước tôi coi thường, bây giờ thì "copy" y xì đúc
Làm theo lời của mẹ, tôi thấy cuộc sống dễ thở hơn nhiều!
- 12-05-2024Sợ nhất là bố mẹ đi viện nhưng mình không có đồng nào trong người: Hai cô gái "thức tỉnh", sống tiết kiệm để dư thêm vài triệu/tháng
- 15-12-2023"Tiết kiệm không đơn thuần chỉ là cắt giảm chi tiêu": 5 lời khuyên về lối sống tiết kiệm mà người chị U40 gửi tới giới trẻ
- 24-11-2023Giải oan cho "lối sống tiết kiệm": Không phải cứ nhịn ăn, nhịn mặc là đúng
Khi còn nhỏ, mẹ luôn dạy tôi phải biết cách tiết kiệm và tận dụng mọi thứ trong nhà, không nên phí phạm bất cứ thứ gì. Từ nhỏ đến lớn, tôi đã chứng kiến rất nhiều mẹo tiết kiệm xịn xò của mẹ, nhưng luôn cảm thấy những điều này là thừa thãi và không thực sự cần thiết.
Cho đến khi lấy chồng và tự lập với cuộc sống của mình, tôi mới hiểu những lời mẹ dạy trước kia không điều nào là thừa thãi. Thậm chí, 8 lời dạy "siêu tiết kiệm" của mẹ, giờ đây cũng được tôi "sao chép" không sót cái nào.
1. Chai dầu ăn phải dùng đến giọt cuối cùng
Ngày trước, mỗi khi chai dầu gần hết, tôi thường vứt đi ngay khi dầu không còn chảy ra nữa, chẳng bao giờ nghĩ sẽ tận dụng thêm.
Nhưng mẹ tôi thì khác, dù chai dầu đã cạn kiệt, bà không bao giờ vội vứt đi. Thay vào đó, bà sẽ đặt chai dầu ngược vào chảo, để nó nằm đó lâu lâu cho đến khi giọt dầu cuối cùng chảy ra hết. Đối với mẹ tôi, chỉ khi dầu đã dùng sạch sẽ, mọi thứ mới được coi là hoàn thành.
Trước đây tôi thường "cười nhạo" thói quen này của mẹ, nghĩ rằng nó tiết kiệm quá mức. Nhưng giờ, khi học theo mẹ, tôi nhận ra điều này rất có ích, vì đôi khi, chính những giọt dầu cuối cùng lại đủ để làm thêm một món ăn ngon!
2. Cắt đôi các sản phẩm vệ sinh
Trước đây, mỗi khi dùng hết các sản phẩm như kem đánh răng, sữa rửa mặt hay kem dưỡng da mà không thể ép ra thêm được, tôi thường vứt ngay đi, nghĩ rằng đã không còn gì để sử dụng.
Nhưng mẹ tôi lại không như vậy. Bà sẽ kiên nhẫn cắt mở từng góc bao bì, dùng dao cạo hết từng phần còn sót lại bên trong, không bỏ qua một giọt nào, chỉ khi nào sạch sẽ hoàn toàn mới thôi.
Sau khi "bắt chước" thói quen này của mẹ, tôi nhận ra nó rất tiện lợi. Chẳng hạn như phần kem dưỡng da còn sót lại trong tuýp hoàn toàn đủ để tôi sử dụng thêm vài ngày, vừa kịp để chờ hàng mới "order" về.
3. Dầu gội, xà phòng phải pha thêm nước
Khi dùng hết các chai dầu gội, xà phòng hay sữa tắm loại to mà không thể cắt ra, mẹ tôi cũng sẽ không bao giờ vứt chúng đi ngay. Thay vào đó, bà sẽ cho thêm 1/3 lượng nước vào các chai, lắc đều cho dung dịch còn sót lại chảy ra, và tiếp tục sử dụng hỗn hợp pha loãng này cho đến khi không còn gì nữa.
Dù bị pha loãng nhưng kỳ thực chúng vẫn có thể dùng tốt, đặc biệt là dầu gội và dầu xả. Vì tần suất sử dụng không cao như sữa tắm, nên mỗi lần pha loãng như vậy, tôi lại có thể dùng thêm ít nhất 1 - 2 tuần nữa.
4. Hứng phần nước lạnh khi tắm
Ngày trước, mỗi lần tắm, tôi thường để phần nước lạnh đầu tiên chảy thẳng xuống mà không thèm dùng chậu hứng. Cứ nghĩ việc đó không đáng để quan tâm, dù sao cũng chỉ là một chút nước thôi mà.
Nhưng mẹ tôi thì khác. Mỗi lần tắm, bà luôn dùng một chậu hứng lấy phần nước lạnh đầu tiên, rồi tận dụng nó để giặt đồ lót hoặc những thứ linh tinh. Khi học được thói quen này từ mẹ, tôi nhận ra không chỉ tiết kiệm nước, mà còn giúp tôi trở nên siêng năng hơn trong việc giặt giũ, điển hình là giặt tất ngay sau khi thay ra chứ không phải "ngâm" 2 - 3 hôm sau mới nhớ tới.
5. Không bao giờ mua túi rác
Ngày trước, tôi thường mua túi rác thành từng cuộn, mỗi cuộn có thể dùng trong vài tháng, chẳng bao giờ nghĩ đến việc tận dụng các túi nhựa khác.
Nhưng mẹ tôi thì không làm vậy. Những túi nhựa khi đi chợ hay siêu thị về, bà đều giữ lại cẩn thận, và dùng chúng để làm túi đựng rác.
Ban đầu, tôi không mấy để tâm đến điều này, nhưng sau khi học theo mẹ, tôi mới nhận ra mình đã bỏ qua một thói quen vô cùng có ích. Bởi nó thực sự tiết kiệm được 1 khoản chi phí, lại còn tạo cảm giác bảo vệ môi trường vì phần nào giảm thiểu rác thải nhựa.
6. Không bao giờ mua đồ mặc ở nhà
Bao nhiêu năm qua, mẹ tôi chưa bao giờ mua đồ mặc ở nhà. Cách làm của bà đó là tận dụng những bộ quần áo cũ không còn mặc đi ra ngoài, ưu ái trang phục mềm mại một chút và dùng chúng làm đồ mặc ở nhà.
Thú thật tôi từng thấy thói quen tiết kiệm này là thừa thãi. Nhưng giờ đây, tôi đã hoàn toàn là một "bản sao" của mẹ, vì tôi cũng có thói quen y chang, đó là dùng đồ cũ và biến chúng thành đồ mặc ở nhà.
Việc tái sử dụng kiểu này đã giúp tôi tiết kiệm kha khá tiền mua sắm, điều này có lẽ phái đẹp sẽ hiểu hơn ai hết, bởi những mẫu quần áo mặc ở nhà đôi khi cũng đắt ngang ngửa những bộ đồ đẹp xịn để diện đi chơi.
7. Không vứt quần áo cũ ngay
Với những bộ đồ cũ kỹ và không thể tái sử dụng làm đồ mặc ở nhà, bạn nghĩ mẹ tôi sẽ "thanh lý" chúng ư? Sai hoàn toàn, bà sẽ tận dụng chúng để làm... giẻ lau. Thông thường, mẹ tôi sẽ cắt nhỏ chúng ra và phân loại thành giẻ lau nhà, giẻ lau bàn bếp, giẻ lau dùng 1 lần,...
Giờ đây, tôi cũng đã bắt đầu tái chế quần áo cũ theo cách này, và thấy thật vui vì không còn cảm giác áy náy mỗi phải vứt bỏ 1 chiếc áo chiếc quần nào đó.
8. Không vứt nước vo gạo ngay lập tức
Chắc hẳn nhiều người sẽ giống tôi, đó là mỗi lần nấu cơm đều đổ nước vo gạo đi ngay mà chẳng bao giờ nghĩ đến việc tận dụng lại.
Còn mẹ tôi thì khác. Bà luôn dành riêng một chai hoặc một bình để đựng nước vo gạo, rồi dùng nó để tưới cây trong vườn hoặc trong nhà. Mẹ tôi giải thích rằng nước vo gạo là nguồn dinh dưỡng tự nhiên cho cây, tội gì phải đổ đi một cách lãng phí.
Bây giờ, khi đã lấy chồng và có cuộc sống riêng, tự tay chăm bẵm những chậu cây nhỏ xinh, tôi cũng dùng lại bí kíp của mẹ - như 1 "mẹo" hay để giúp cây cối phát triển khoẻ mạnh.
Nguồn: Zhiyou
Phụ nữ số