8 địa điểm du lịch nổi tiếng thế giới giờ đã biến mất vĩnh viễn bởi sự tàn phá của con người
Nhìn qua những hình ảnh trước và sau khi bị tàn phá của loạt địa điểm này, ai trong chúng ta cũng không khỏi tiếc nuối và “rùng mình”.
- 10-06-2019Bí ẩn ít biết trong lớp học làm quý tộc có 1-0-2 của giới thượng lưu Trung Quốc: Nhiều tiền chưa chắc đã giàu, "ăn nhau" ở cung cách ứng xử phương Tây!
- 03-06-2019"Lạc lối" giữa mê cung xanh mướt của rừng tre Sagano: Nơi chứa đựng những âm thanh tinh túy cả Nhật Bản đều muốn bảo tồn
- 30-05-2019Xu hướng du lịch xa xỉ tại Trung Quốc khiến giới nhà giàu phương Tây "mê như điếu đổ": Mở tiệc giữa sa mạc, đi thăm nhà máy hạt nhân, tất cả đều được đáp ứng!
Đi du lịch từ lâu luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người. Có thể thấy rằng ngày nay, sự phổ biến của các địa điểm du lịch phụ thuộc rất nhiều vào mạng xã hội. Nổi tiếng rồi sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, điển hình là sự "chung tay" tàn phá các di tích, danh lam thắng cảnh hàng ngày, hàng giờ của những người vô ý thức ngoài kia.
Xả rác, đập phá, vẽ bậy, chôm chỉa,… đều là những hành động không thể nào chấp nhận được của nhiều du khách khi đi du lịch. Hiện tại, nhiều địa điểm nổi tiếng trên thế cũng đang "kêu cứu" vì tình hình check-in quá tải và tàn phá mỗi ngày của du khách, điển hình như Vạn Lý Trường Thành, đấu trường La Mã, Biển Chết, thành phố Venice hay thậm chí cả Nam Cực,… cũng là những nơi đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Trước đây, từng có nhiều địa điểm nổi tiếng không kém đã chính thức bị xóa sổ trên bản đồ du lịch thế giới. Cùng nhìn qua loạt hình ảnh dưới đây để thấy được sự tàn phá của con người khủng khiếp đến thế nào nhé!
1. Vịnh Maya thuộc quần đảo Phi Phi (Thái Lan)
Được xem là 1 trong 5 vịnh biển đẹp nhất Thái Lan thuộc quần đảo Koh Phi Phi, vịnh Maya từng được chọn làm bối cảnh cho bộ phim ăn khách đình đám "The Beach" vào năm 2000. Trước đây, thiên đường biển xanh này được bao quanh bởi những núi đá vôi cao tới 100m cùng hệ thống rừng cây xanh mướt ở nhiều phía. Trung bình mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt du khách ghé thăm nơi đây. Tuy nhiên, vào tháng 6/2018, vịnh Maya đã chính thức bị đóng cửa vô thời hạn để phục hồi vì tình trạng xả rác, phá hoại của du khách.
Lượng du khách khổng lồ ghé thăm hàng năm đã góp phần khiến vịnh Maya biến mất hoàn toàn trên bản đồ du lịch Thái Lan.
2. Tảng đá hình mỏ vịt Duckbill ở Oregon (Mỹ)
Tạo hóa đã mất hàng nghìn năm để tạo ra tảng đá hình mỏ vịt đầy ấn tượng này. Tuy nhiên, có một thời gian Ủy ban Công viên quốc gia Oregon đã xây dựng các rào chắn và cấm du khách tham quan vì sợ làm hư hại khối đá cổ xưa này. Dù vậy, vào cuối tháng 8/2016, những hình ảnh một nhóm thiếu niên leo qua rào chắn, ba người trong số đó đã ra tay đẩy ngã tảng đá trong lúc nhóm còn lại đứng reo hò cổ vũ, khiến cư dân mạng trên toàn thế giới vô cùng phẫn nộ. Kết quả là kiệt tác thiên nhiên này đã bị phá hủy hoàn toàn.
Hình ảnh nhóm người ra tay đẩy ngã tảng đá hình mỏ vịt vào cuối tháng 8/2016 gây ra sự phẫn nộ lớn trên toàn thế giới.
3. Cầu tình yêu Pont Des Arts (Pháp)
Đến Pháp, hầu như những cặp vợ chồng, tình nhân đều viết tên của mình lên các móc khóa, sau đó khóa nó trên cây cầu tình yêu này rồi ném chìa xuống sông với ước mong được ở bên nhau mãi mãi. Có lúc, nơi này chứa tận 700.000 chiếc ổ khóa tình yêu với tổng trọng lượng lên đến hơn 45 tấn. Lo sợ sự sụp đổ của cây cầu nên vào năm 2012, chính phủ nước này buộc phải tháo bỏ hàng chục nghìn ổ khóa và lắp các tấm kính vào để không một ai có thể treo chúng lên nữa.
4. Wedding Cake Rock ở Úc
Wedding Cake Rock (hay còn được gọi bằng tên White Rock) là một tảng đá trắng tự nhiên tọa lạc tại Royal National Park (bang New South Wales, Úc). Khối đá này lơ lửng ở độ cao 25m so với mực nước biển. Trở nên vô cùng nổi tiếng vào năm 2015, lượng khách du lịch ghé thăm nơi này tăng đột biến từ 2.000 người lên 10.000 mỗi tháng. Số người đam mê chụp hình sống ảo tìm đến ngày càng lớn và nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc đã xảy ra. Chính vì thế, vào năm 2015 nó đã được rào quanh và cấm du khách tham quan vĩnh viễn.
5. Kim tự tháp Nohmul (Belize)
Nohmul là một kim tự tháp Maya cổ với 2.300 năm tuổi nổi tiếng ở Belize. Tuy nhiên, vào năm 2013, kim tự tháp này đã bị tàn phá hoàn toàn bởi một công ty xây dựng. Cư dân mạng thế giới từng phẫn nộ tột độ vì hành động vô ý thức của nhóm công nhân này khi họ đã ra tay phá hủy một công trình kiến trúc cổ xưa chỉ để lấy vật liệu xây dựng. Đá vôi từ kim tự tháp Nohmul được sử dụng để làm đường trong một thị trấn gần đó. Sau quá trình điều tra, tài xế máy xúc, quản đốc và 2 giám đốc quản lý của công ty này đã bị phạt tiền.
Kim tự tháp Nohmul bị nhóm công nhân phá hủy chỉ để... lấy đá lát đường!
6. Hang động Altamira (Tây Ban Nha)
Altamira là một hang động nằm gần thị trấn Santillana del Mar ở Cantabria (Tây Ban Nha). Nơi đây rất nổi tiếng với các bức tranh vẽ động vật bởi chính bàn tay con người thời tiền sử. Được khám phá lần đầu tiên vào năm 1880, các bức tranh của hang đã được công nhận là di sản thế giới bởi UNESCO. Tuy nhiên, nơi đây đã bị đóng cửa vào năm 2002. Lượng lớn khách du lịch ghé thăm hang động Altamira đã vô tình phá hủy nơi này, vì việc hít thở của họ sẽ tạo ra hơi nước và khí CO2 khiến một số bức tranh bị mốc. Năm 2001, một bảo tàng và hang động khác đã được xây dựng gần đó để du khách có thể ghé thăm và thưởng thức các bản sao.
7. Rạn san hô trên quần đảo Raja Ampat (Indonesia)
Raja Ampat được ghi nhận là nơi đa dạng sinh vật biển bậc nhất trên thế giới, theo ghi nhận của Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (Conservation International). Quần đảo này cũng là nơi sở hữu hệ sinh thái rạn san hô phong phú bậc nhất hành tinh. Thế nhưng vào năm 2017, 1.600m vuông rạn san hô của nơi đây đã bị phá hủy bởi các tàu du lịch và có thể nó sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa để phục hồi. Theo các thợ lặn, thiệt hại của nơi này lên đến 18,6 triệu USD.
8. Sông băng Chacaltaya (Bolivia)
Được hình thành từ hơn 18.000 năm trước, sông băng Chacaltaya nằm trên dãy núi cùng tên từng được xem là khu nghỉ mát trượt tuyết cao nhất thế giới và là một trong những điểm đến du lịch rất nổi tiếng tại Bolivia. Đến năm 2019, sông băng này đã biến mất hoàn toàn vì lượng du khách ghé thăm quá lớn và một phần do sự nóng lên toàn cầu.
Nguồn & ảnh: Bright Side
Helino