Thói quen dùng 1 thiết bị nhiều nhà duy trì từ đông sang hè: Vừa nguy hiểm vừa khiến tiền điện tăng vọt
Nhiều gia đình vẫn đang duy trì thói quen này với 1 thiết bị trong nhà mà không hề biết nó gây lãng phí điện năng và tiềm ẩn cả nguy hiểm.
- 07-05-2024Kiếm 10 tỷ đồng nhờ cho thuê 4600 chiếc điện thoại “thần kỳ”, gã đàn ông bị cảnh sát bắt khẩn cấp
- 02-05-2024Tuyệt đối đừng sử dụng 2 chế độ này trên điều hoà: Vừa tốn điện vừa nhanh hỏng!
- 02-04-2024Nếu không chú ý đến 5 chi tiết, tủ lạnh càng dùng càng tốn điện
Hiện nay, việc xuất hiện của loạt thiết bị điện được đánh giá không thể thiếu trong mọi gia đình. Tuy nhiên, điều này lại vô tình dẫn theo hóa đơn tiền điện tăng cao, đặc biệt là vào mùa hè, nắng nóng cao điểm. Bởi vậy, bên cạnh hiệu quả hoạt động, việc dùng sao cho tiết kiệm cũng được nhiều người dùng quan tâm. Đôi lúc, thói quen sử dụng của người dùng lại chính là nguyên nhân khiến thiết bị tiêu tốn, gây lãng phí nhiều điện năng, khiến người dùng phải "mất tiền oan".
Thói quen sau đây là một ví dụ, nó được áp dụng lên 1 thiết bị quen thuộc trong nhà tắm, nhà vệ sinh nhiều gia đình. Đó là bật bình nóng lạnh liên tục 24/24. Nhiều người có nhu cầu sử dụng nước nóng liên tục không chỉ trong mùa đông mà cả trong mùa hè, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ. Không chỉ gây tốn điện, việc làm này còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Bật bình nóng lạnh 24/24 tốn điện thế nào?
Nhiều người dùng đã tiến hành làm thử nghiệm, kết nối trực tiếp máy đo lường với bình siêu tốc để kiểm tra xem, nếu bật thiết bị liên tục cả ngày sẽ tốn điện thế nào. Người dùng tên Long sau đây là một ví dụ.
Anh cho biết, gia đình anh có trẻ nhỏ nên bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng cần nước nóng. Anh đã tiến hành đo thử thiết bị nhà mình khi bật 24/24 trong vòng 2 ngày. Kết quả cho thấy, ban đầu, công suất của bình nóng lạnh đạt 2431W. Sau 2 ngày, tổng lượng điện thiết bị tiêu thụ là 13,76 số điện.
Chia ra là 6,88 số điện/ngày. Nếu tính trên cả tháng, có thể ước tính số điện bình nóng lạnh tiêu thụ là 206,4 số điện. Quy đổi theo giá điện sinh hoạt hiện nay, từ 200 - 300 số điện là bậc 4, thì gia đình sẽ phải trả tới hơn 500.000 đồng chỉ riêng cho chiếc bình nóng lạnh - được bật cả ngày.
Người dùng dùng thiết bị đo chuyên dụng để cho ra con số về lượng điện mà bình nóng lạnh tiêu thụ khi được bật 24/24. (Video @moeshousevn)
Trên thực tế, việc bình nóng lạnh tiêu thụ bao nhiêu tiền điện còn dựa trên công suất được quy định cụ thể cho từng thiết bị. Con số này sẽ được nhà sản xuất ghi rõ ở phần thông tin sản phẩm, chủ yếu tùy thuộc vào dung tích của bình. Tuy nhiên qua thí nghiệm trên của người dùng, cũng có thể thấy thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày, khiến tiền điện của gia đình tăng lên đáng kể.
Theo nguyên lý hoạt động, bình nóng lạnh sẽ làm nóng nước tới một mức nhiệt độ nhất định sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Khi hoàn thành việc làm nóng, rơ le nhiệt của bình sẽ tự ngắt. Nếu không sử dụng, nước sẽ nguội dần theo thời gian và bình sẽ liên tục lặp đi lặp lại quá trình làm nóng. Đó là lý do vì sao bình nóng lạnh tốn nhiều điện năng đến thế.
Bộ Năng lượng Hoa Kỳ giải thích thêm, hệ thống đun nước nóng nói chung hay các loại bình nóng lạnh nói riêng chính là thiết bị sử dụng điện lớn thứ 2 trong các gia đình, chiếm trung bình khoảng 18% chi phí tiền điện.
Nguy cơ mất an toàn khi bật bình nóng lạnh 24/24
Không chỉ gây tốn điện, các chuyên gia cũng nhấn mạnh bình nóng lạnh được bật liên tục sẽ bị suy giảm tuổi thọ nhanh chóng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập điện do quá tải, mất an toàn cho người sử dụng.
Ví dụ như tình huống bộ phận cảm ứng của bình bị giảm độ chính xác, đóng cặn làm nước nóng lâu, thanh nhiệt làm nóng hay lớp cách điện bị ăn mòn. Những vấn đề trên sẽ khiến bình nóng lạnh dễ bị nứt, thủng, rò rỉ điện...
Bởi những lý do trên, tốt nhất người dùng nên từ bỏ thói quen bật bình nóng lạnh liên tục cả ngày, trong bất kỳ trường hợp nào. Thay vào đó, hãy cân đối dựa trên nhu cầu để lựa chọn thời gian bật thiết bị sao cho hợp lý.
Theo SF Gate, rang tin tức phổ biến thứ 2 ở California, Mỹ với gần 30 triệu độc giả mỗi tháng, dựa trên nhu cầu sử dụng, một gia đình có thể sẽ cần bật bình nóng lạnh khoảng 3 giờ/ngày. Cách dùng được khuyên đó là nên bật bình vào khoảng thời gian 15 - 30 phút trước khi sử dụng, tùy vào dung tích bình. Khi sử dụng, nên tắt bình đi để phòng tránh rủi ro rò điện.
Để tiết kiệm điện năng từ thiết bị hơn nữa, nếu không thể cắt giảm thời gian sử dụng, có thể cân nhắc điều chỉnh, giảm nhiệt độ của thiết bị xuống khoảng dưới 50 độ C hoặc mức trung bình. Đây cũng được đánh giá là mức nhiệt phù hợp với mùa hè, vẫn đem lại nước ấm cho gia đình sử dụng. Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ cũng từng báo cáo rằng, việc chỉnh nhiệt độ trên bình nóng lạnh có thể tiết kiệm thêm 10% tiền điện mỗi năm cho mỗi hộ gia đình.
Ngoài ra, bình nóng lạnh gia đình cũng cần được bảo dưỡng định kỳ nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn và tiết kiệm điện. Các chuyên gia khuyên rằng, người sử dụng nên làm công việc này khoảng 2 năm 1 lần.
Đời sống & pháp luật