8 điểm nhấn của nền kinh tế 10 tháng qua lời của người phát ngôn Chính phủ
“Chúng ta đã đi qua 5/6 chặng đường của năm 2017, công tác chỉ đạo điều hành có nhiều đổi mới, quyết liệt và đã phát huy hiệu quả”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, diễn ra chiều tối ngày 3/11.
- 03-11-2017Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp: Trễ nhất là đến quý I/2018, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam sẽ bán cổ phần lần đầu
- 03-11-2017Thứ trưởng Bộ KHĐT: Với đặc khu kinh tế, người ta đi được bước dài, còn chúng ta đã muộn lắm rồi!
- 03-11-2017Thủ tướng đề nghị xử lý ngay các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu
- 03-11-2017Thủ tướng trao quyết định bổ nhiệm tân Thành viên Chính phủ
Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội 10 tháng năm 2017, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết có 8 điểm nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế vĩ mô ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2017 tăng nhẹ so với tháng trước, chỉ 0,41%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân so với cùng kỳ năm trước tiếp tục xu hướng giảm, tính chung 10 tháng đầu năm chỉ tăng 3,71% so với bình quân cùng kỳ năm 2016, trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội (dưới 4%).
Thứ hai, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ (9 tháng năm 2017 tăng 7,6%); tháng 10, khai khoáng tăng trưởng trở lại (tăng 2,1% trong khi đó tháng 9 giảm 6%) và 10 tháng chỉ còn giảm 7,4% (9 tháng năm 2017 giảm 8,1%); ngành chế biến, chế tạo tăng 10,8%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2% (cao hơn mức tăng 7,3% cùng kỳ năm 2016). Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao như: Bắc Ninh (32%), Hải Phòng (20%), Thái Nguyên (17,9%), Hải Dương (9,7%).
Thứ ba, vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đạt kỷ lục mới, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trên 28,2 tỷ USD, tăng 37,4%; vốn thực hiện đạt 14,2 tỷ USD, tăng 11,8%.
Thứ tư, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,69% so với tháng 12 năm 2016. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, chỉ số VNIndex vượt mốc 840 điểm và được dự báo hướng tới mốc 900 điểm.
Thứ năm, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh đạt 173,7 tỷ USD, tăng 20,7%, gần gấp 3 lần mức tăng cùng kỳ 2016 (tăng 7,2%). Nhiều mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh như rau quả tăng 42,7%, điện tử, máy tính tăng 38,8%, điện thoại tăng 28,8%, máy móc, thiết bị, phụ tùng tăng 28%, thủy sản tăng 18,7%... Xuất siêu đạt 1,23 tỷ USD.
Thứ sáu, số doanh nghiệp đăng ký mới đạt 105 nghìn, tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký đạt trên 1 triệu tỷ đồng.
Thứ bảy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 10,7%
Thứ tám, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 10,4 triệu lượt khách, tăng 28,1% so với cùng kỳ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng phấn khởi cho biết thêm một số tin mừng khác như Việt Nam đã được World Bank nâng hạng về môi trường kinh doanh. Theo đó, vị trí của Việt Nam đã tăng 14 bậc, từ 82 lên 68 (năm 2016 Việt Nam đã tang 9 bậc). Cũng theo World Bank, Việt Nam và Indonesia là hai nước có nhiều cải cách nhất trên thế giới trong 15 năm qua, mỗi nước có 39 cải cách.
Bên cạnh đó, tổ chức xếp hạng Moody’s cũng nâng đánh giá triển vọng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Dù vậy, theo Bộ trưởng, vẫn còn đó nhiều khó khăn, thách thức như thiên tai; việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; sản xuất kinh doanh vẫn còn khó khăn; nhiều vấn đề xã hội bức xúc… yêu cầu các Bộ ngành chuyên tâm giải quyết.
Đánh giá chung lại, tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm, Bộ trưởng Dũng nhận xét là tích cực, tạo cơ sở vững chắc phấn đấu đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm. Kết quả này sẽ tạo đà thuận lợi hơn để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu trong các tháng còn lại và mục tiêu phát triển bền vững của năm 2018.