8 năm mỏi mắt chờ… sổ đỏ
Song, suốt 8 năm qua, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (LIDECO) vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp “sổ đỏ” cho người dân.
- 23-07-2016Quy định những trường hợp không được đăng ký thế chấp “sổ đỏ”
- 21-07-2016Gỡ khó việc làm sổ đỏ, Hà Nội tổng thanh tra các dự án chung cư
- 20-07-2016Vì sao chủ dự án Flamingo Đại Lải nợ “sổ đỏ”?
Năm 2008, 31 cán bộ, nhân viên công tác tại Viện Chiến lược và Chính sách (Bộ Y tế) được thành phố ưu tiên mua nhà ở chung cư tại dự án (DA) Khu đô thị mới (KĐTM) Dịch Vọng theo diện bán quỹ nhà ở 50%. Song, suốt 8 năm qua, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (LIDECO) vẫn chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý để cấp “sổ đỏ” cho người dân.
Ngày 11-3-2005, UBND TP Hà Nội có Công văn số 819/UB-NNĐC, chấp thuận cho 31 cán bộ thuộc Viện Chiến lược và Chính sách y tế - Bộ Y tế được mua căn hộ chung cư tại tòa nhà No09B2 - KĐTM Dịch Vọng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) theo diện quỹ nhà 50%. Cuối năm 2008, các hộ dân lần lượt được LIDECO ký hợp đồng mua bán (HĐMB) căn hộ.
Theo hợp đồng này, các khách hàng được mua nhà theo danh sách phê duyệt của UBND thành phố sẽ được hưởng mức giá bán và phương thức thanh toán với nhiều ưu đãi. Cụ thể, giá bán căn hộ (tạm tính) tại thời điểm bán nhà là 18 triệu đồng/m2 (đã bao gồm thuế VAT), trong đó, chủ đầu tư (CĐT) tạm thu theo giá thành xây dựng với mức 15 triệu đồng/m2. Tiến độ thanh toán giá bán căn hộ được chia thành 3 đợt.
Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao nhà, đã 7 năm trôi qua, nhiều lần các hộ dân lên Phòng Tài chính - Kế toán của LIDECO “xin” được thực hiện nốt nghĩa vụ tài chính để thanh lý hợp đồng nhưng không được chấp thuận.
Trong lúc vụ việc đang “giậm chân tại chỗ”, bất ngờ ngày 9-12-2015 phía LIDECO ban hành Thông báo số 10/TB về việc nộp tiền mua nhà đợt 3 nhà chung cư No09B2- KĐTM Dịch Vọng. Theo đó, căn cứ vào văn bản hướng dẫn của UBND thành phố và các sở, ban, ngành về việc bán quỹ nhà 50% cho các đối tượng theo danh sách thành phố giới thiệu và HĐMB giữa LIDECO và 31 khách hàng,
CĐT đưa ra mức giá bán chính thức căn hộ đã bao gồm thuế VAT là 19,8 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm 2% phí bảo trì). Đồng thời yêu cầu trong thời gian 10 ngày (từ ngày 10-12 đến 25-12-2015) khách hàng phải nộp tiền. Thông báo này đã vấp phải sự phản ứng từ các hộ dân.
Trong đơn khiếu nại với hàng chục chữ ký gửi chúng tôi, các hộ dân cho biết: “Theo quy định tại Khoản 4, Điều 6, Quyết định số 87/2004/QĐ-UB của UBND TP Hà Nội, sau khi 31 hộ nộp xong số tiền theo giá thành xây dựng căn hộ cho CĐT, phía CĐT có nghĩa vụ “tiến hành bàn giao nhà và hoàn tất hợp đồng ghi nhận nợ với Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở cho người mua nhà”.
Tuy nhiên, đến nay phía CĐT mới chỉ thực hiện xong việc bàn giao căn hộ. Cũng tại Khoản 5.1, Điều 5 của HĐMB, giá bán căn hộ tạm tính tại thời điểm bán nhà là 18 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT), không hiểu căn cứ vào đâu, sau 8 năm LIDECO lại tự nâng giá bán lên 19,8 triệu đồng/m2 và yêu cầu bên mua chuyển tiền cho CĐT thay vì cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo quy định tại Quyết định 87? Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn và trực tiếp đến gặp lãnh đạo LIDECO nhưng công ty chưa một lần tổ chức đối thoại hay có văn bản trả lời chính thức cho cư dân…”.
Tòa nhà No09B2 - KĐTM Dịch Vọng, nơi có hàng chục hộ dân “mỏi mắt” chờ sổ đỏ.
Trong buổi làm việc với phóng viên, ông Lê Minh Tuân - Phó Tổng Giám đốc LIDECO không đưa ra được lý do cụ thể nào, song thừa nhận phản ánh của cư dân về việc công ty chậm xây dựng mức giá để trình thành phố phê duyệt mức giá bán chính thức căn hộ là có cơ sở, nội dung của Thông báo số 10/TB của công ty là chưa chính xác, gây bức xúc cho một bộ phận dân cư.
Lý giải việc CĐT yêu cầu cư dân nộp tiền về tài khoản công ty thay vì nộp về Quỹ Đầu tư phát triển thành phố theo quy định, ông Tuân cho biết: Cuối năm 2015, LIDECO gửi công văn đến Sở Tài chính Hà Nội báo cáo tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính DA KĐTM Dịch Vọng, đồng thời kiến nghị không phải nộp chênh lệch giá thành giá bán đối với 50% diện tích sàn chung cư thuộc quỹ nhà điều tiết của thành phố.
Ông Tuân cũng cho biết ngày 20-1-2016 Sở Tài chính có Công văn số 342/STC-QLCS chỉ đạo, nêu rõ: “Riêng phần chênh lệch giá thành và giá bán của quỹ nhà 50%, theo quy định của Quyết định số 123/2001/QĐ-UB ngày 6-12-2001 và Quyết định số 87/2004/QĐ-UB ngày 19-5-2004 của UBND thành phố: CĐT bán theo danh sách giới thiệu của thành phố, người mua nhà trả ngay một lần cho CĐT DA phần giá thành xây dựng… phần tiền còn lại, đơn vị có người mua nhà và người được mua nhà trả dần vào Quỹ Đầu tư phát triển thành phố, thời hạn trả không quá 20 năm.
Tuy nhiên, đến nay, theo chỉ đạo của thành phố tại Văn bản số 9960/UBND-TNMT ngày 22-12-2014: “Đối với quỹ nhà 30%, 50% tại DA giao đất theo quyết định của thành phố: Giao Sở Tài chính chủ trì cùng Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Cục Thuế TP Hà Nội xác định nghĩa vụ tài chính (chênh lệch giữa giá bán và giá thành) thu ngân sách nhà nước, báo cáo thành phố theo quy định”. Bên cạnh đó, Sở Tài chính yêu cầu LIDECO báo cáo tình hình bán căn hộ thuộc quỹ 50% của DA, quyết toán chi phí đầu tư xây dựng công trình…
“Thực hiện chỉ đạo này, hiện LIDECO đang kiểm toán lại giá thành, trên cơ sở đó xây dựng giá bán trình Sở Tài chính, Sở Xây dựng. Sau khi thành phố phê duyệt giá bán chính thức, chúng tôi sẽ có thông báo gửi đến từng hộ dân, trường hợp cần thiết sẽ tổ chức gặp gỡ để thông tin cụ thể. Giá bán chính thức là bao nhiêu, hình thức thanh toán như thế nào… hoàn toàn do thành phố quyết định và công ty sẽ nghiêm túc thực hiện. Khi các hộ dân hoàn thành xong nghĩa vụ tài chính, chúng tôi sẽ thanh lý hợp đồng và hoàn thiện các thủ tục để cấp "sổ đỏ” cho các hộ dân trong thời gian sớm nhất” - ông Tuân khẳng định.
Thiết nghĩ, trong lúc thành phố đang chủ trương đẩy nhanh việc cấp sổ đỏ cho người dân, việc để hàng chục hộ dân suốt 8 năm “mỏi mắt” chờ sổ đỏ như trường hợp tại chung cư No09B2, lỗi trước hết thuộc về CĐT - Công ty LIDECO, đòi hỏi công ty cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng giá thành phù hợp trình UBND thành phố phê duyệt, có cơ chế “mở” trong việc tiếp nhận và trả lời kiến nghị của khách hàng để lắng nghe và giải quyết kịp thời những khúc mắc tại khu dân cư, tránh tình trạng đơn thư khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc dư luận.