MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8,14 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô trong 4 tháng, ngành khách sạn dần lấy lại sức sống

Nhiều ý kiến đánh giá, thị trường du lịch nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tiếp tục duy trì được đà phục hồi và bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh.

8,14 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô trong 4 tháng, ngành khách sạn dần lấy lại sức sống - Ảnh 1.

Những tín hiệu phục hồi tích cực

Sau một năm kể từ ngày chính thức mở cửa từ ngày 15/03/2022, thị trường đã liên tiếp ghi nhận những tín hiệu tích cực. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Quý 1/2023 tăng trưởng GDP có sự giảm tốc, chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ lại thể hiện rõ sự phục hồi, với mức tăng 6,79%.

Hòa chung với bức tranh phục hồi của khu vực dịch vụ, Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2023 do Tổng cục Thống Kê công bố, doanh thu lữ hành bốn tháng đầu năm 2023 trên toàn quốc ước đạt 9,1 nghìn tỷ đồng, gấp gần 2,1 lần cùng kỳ năm trước.

Khách quốc tế đến Việt Nam vào khoảng hơn 3.683,7 nghìn lượt người, đạt gần 50% mục tiêu cả năm, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 61,7% so với cùng kỳ năm 2019 – thời điểm trước đại dịch. Khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chủ yếu tới từ thị trường Hàn Quốc, theo sau đó là Mỹ, Thái Lan và Trung Quốc. Hàn Quốc vẫn là thị trường hàng đầu với 259.357 lượt khách trong tháng 4 và hơn 1 triệu lượt khách trong bốn tháng đầu năm. Đặc biệt, lượng khách Trung Quốc trong tháng 4 cũng chứng kiến mức tăng ấn tượng với 111.903 lượt khách, gần gấp đôi lượng khách đến trong tháng 3. Tính chung bốn tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 252.136 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Tại thị trường Hà Nội, theo Sở Du lịch Hà Nội, thành phố đã đón tổng cộng 8,14 triệu lượt khách trong bốn tháng đầu năm , tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt và khách quốc tế vượt xa cùng kỳ 2022, đạt 1,44 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 30.150 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước.

8,14 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô trong 4 tháng, ngành khách sạn dần lấy lại sức sống - Ảnh 2.

Trước những hoạt động trở lại của ngành du lịch, thị trường khách sạn tại Hà Nội cũng dần có những chuyển biến tích cực. Theo Báo cáo của Savills Việt Nam, trong Quý 1/2023, khách lưu trú tăng 220% theo năm, đạt 1,1 triệu lượt. Trong đó, 339.000 lượt khách lưu trú nội địa, tăng 21% theo năm và 712.000 lượt khách lưu trú quốc tế, tăng 1.400% theo năm.

Nguồn cung khách sạn tại Hà Nội trong Quý đạt 10.260 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao. Lượng khách du lịch gia tăng kéo theo sự cải thiện trong công suất thuê, trung bình đạt 58% , tăng 9% điểm theo quý và 35 điểm % theo năm. Nhu cầu gia tăng đồng thời kéo theo giá thuê trung bình và doanh thu phòng trung bình đều tăng.

Nhận định về khả năng phục hồi thị trường khách sạn tại Hà Nội, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “Thị trường khách sạn tại Hà Nội đang phục hồi vô cùng tích cực, được thúc đẩy bởi sự gia tăng của lượng khách du lịch quốc tế và nội địa. Sự phục hồi này đã có những tác động nhất định tới công suất thuê cũng như tình hình tài chính của các khách sạn tại Hà Nội. Tôi hy vọng thị trường nghỉ dưỡng sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa khi lượng khách du lịch quốc tế ngày một gia tăng”.

Thị trường đón chờ nguồn cung hạng sang mới

Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc đã chính thức mở lại các tour du lịch đến Việt Nam, đồng thời nối lại các chuyến bay thường lệ giữa hai nước. Sự trở lại của các du khách từ thị trường nguồn quan trọng này được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sự phục hồi của phân khúc khách sạn, cả từ hoạt động du lịch nghỉ dưỡng lẫn du lịch kết hợp công tác.

Về nguồn cung, thị trường Hà Nội trong năm 2023 dự kiến sẽ có thêm 2 dự án mới với tổng số phòng là 471 . Từ năm 2024 trở đi dự kiến sẽ có 66 dự án mới với 11.123 phòng. Trong tổng số 68 dự án mới này, số lượng khách sạn 5 sao chiếm tới 61%. Các dự án đáng chú ý bao gồm L7 Westlake, Dusit Từ Hoa Plalace, The Ritz Cartlon, Four Seasons, Waldorf Astoria Hanoi và Fairmont.

8,14 triệu lượt khách quốc tế đến Thủ đô trong 4 tháng, ngành khách sạn dần lấy lại sức sống - Ảnh 3.

Dự án khách sạn 6 sao Four Seasons ngay sát Hồ Gươm đang được thi công

Ông Matthew Powell nhận định, đây sẽ là sự bổ sung tích cực cho nguồn cung khách sạn, đặc biệt là khách sạn hạng sang tại Hà Nội. Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh vào sự xuất hiện của các sản phẩm căn hộ hàng hiệu cũng như khách sạn 3-4 sao tại nội thành và khu vực lân cận sẽ gia tăng thêm tính đa dạng cho các sản phẩm du lịch hiện có trên thị trường.

Đưa ý kiến về xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết: “ Việt Nam đã và đang hoạch định, định hướng phát triển ngành du lịch theo hướng bền vững thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch bền vững và thông minh. Từ đó đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” .

Hơn nữa, gần đây Chính phủ đã có những động thái rất chủ động với các đối tác quốc tế để hợp tác phát triển hơn nữa ngành du lịch cũng như phân khúc khách sạn tại Việt Nam. Bằng chứng là việc các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế từ sau khi mở cửa đến nay đã và đang được diễn ra rất mạnh mẽ.

Ông cho biết thêm, “n hờ lợi thế tự nhiên cũng như kinh tế, Việt Nam vẫn được biết đến như một điểm đến cho du lịch nghỉ dưỡng và đặc biệt là du lịch công tác. Không chỉ vậy, thị trường này là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài. Làn sóng đầu tư đổ vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn cầu lớn cho ngành khách sạn từ các hoạt động công tác của đội ngũ chuyên gia, lao động người nước ngoài”.

Nhìn chung, thị trường khách sạn tại Hà Nội trong thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực song hành cùng sự phục hồi của ngành du lịch và được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng vai trò thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động. Theo đánh giá, thị trường vẫn có nhiều dư địa phát triển, tuy nhiên cần thêm thời gian để phục hồi trở lại để đạt mức tương đương hoặc thậm chí tốt hơn so với thời kỳ trước đại dịch.

Theo Ngọc Diệp

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên