MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

8,195 triệu tỷ đồng vốn vay đã ký trước Covid-19

11-03-2020 - 10:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Cách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trước Covid-19 đã khác dần so với trước đây.

Theo chỉ thị Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, có khoảng 280.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ chính sách tài khóa và tín dụng.

Trong đó, theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nhiều ngân hàng thương mại đã đăng ký các gói cho vay ưu đãi lãi suất, quy mô hơn 250.000 tỷ đồng, để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn.

Không có ngân sách bù trực tiếp

Như vậy, bước đầu cho thấy, gói hỗ trợ hiện nay khác với gói kích cầu 1 tỷ USD hồi 2008, đặc biệt ở chính sách tín dụng.

Tháng 12/2008, trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã quyết định thực hiện cấp bù lãi suất 4%/năm hỗ trợ doanh nghiệp, từ nguồn dự trữ 1 tỷ USD nói trên.

Chính sách đó hỗ trợ chi phí trực tiếp cho các nhóm đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng, mức độ hỗ trợ lớn (cấp bù 4%/năm so với mức giảm 0,5-2%/năm các ngân hàng thực hiện hiện nay). Tuy nhiên, những năm sau đó đã phát sinh nhiều vấn đề trong triển khai, với nhiều cuộc kiểm toán và các kết luận phải xử lý, ngân hàng mất nhiều thời gian mới nhận lại được nguồn hỗ trợ…

Hiện nay, trước tác động của Covid-19, chính sách giảm lãi suất cho vay đến lúc này chủ yếu từ quyết định và nguồn lực riêng của mỗi ngân hàng thương mại.

Trước khi có chỉ thị của Thủ tướng, nhiều ngân hàng đã chủ động triển khai và tự hoạch định các gói hỗ trợ cho khách hàng của mình. Tới đây, gói hơn 250.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi, có lãi suất thấp hơn từ 0,5-2%/năm so với thông thường, sẽ từng bước tiếp sức doanh nghiệp vay vốn.

Tuy nhiên, có một thực tế, sau khoảng hai tháng dịch Covid-19 tác động, nhiều doanh nghiệp đã rơi vào khó khăn; nhu cầu vay vốn mới để mở rộng sản xuất kinh doanh trở nên hạn chế khi họ đang co cụm, chính sách giảm lãi suất từ gói tín dụng mới cũng hạn chế giá trị đối với họ (ngoại trừ nếu được vay vốn mới để đảo nợ).

Trong khi đó, chốt năm 2019, thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, 8,195 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay đã ký. 8,195 triệu tỷ đồng số dư này là vùng đã chịu tác động, đã hiện hữu trong khó khăn, người vay đang chịu lãi suất cũ khi sức trả nợ đã bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, đến thời điểm này, các định hướng hỗ trợ mới chủ yếu tập trung ở khách hàng doanh nghiệp. Các cá nhân vay vốn, đặc biệt là người vay mua nhà thường có kỳ hạn dài và lãi suất cao, thu nhập và năng lực trả nợ của họ cũng là đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng hiện chưa có các chính sách định hướng hỗ trợ cụ thể.

Ngân hàng vào cuộc thực tế hơn

Như trên, 8,195 triệu tỷ đồng vốn vay đã ký, khó khăn trực tiếp trong quy mô dư nợ này, trước khi doanh nghiệp và người dân tiếp cận nguồn vay mới, khoản vay mới có ưu đãi.

Điểm tích cực, nhìn lại các chính sách vừa qua, các ngân hàng cũng đã lần lượt vào cuộc một cách thực tế hơn.

Một tháng trước, khi tác động của Covid-19 manh nha, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) quyết định giảm lãi suất cho vay 0,5-1,5%/năm cho nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank nói rằng, không chỉ quyết định lần này mà các lần giảm trước đó đều được triển khai một cách thực tế, tức là trên dư nợ đã ký.

Cùng thời điểm trên, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng quyết định giảm tối thiểu 1%/năm với khoản vay VND, 0,5%/năm với khoản vay USD cho các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng, trên dư nợ hiện hữu.

Hay ở khối cổ phần tư nhân, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng thực hiện giảm 1-1,5%/năm, áp dụng cho cả dư nợ đã ký và khách hàng vay mới trong nhóm bị ảnh hưởng bởi Covid-19…

Có đi, có lại. Khi ngân hàng chủ động giảm tải gánh nặng cho dư nợ hiện hữu, khách vay bớt khó khăn, năng lực trả nợ bớt áp lực, đổi lại nguy cơ đối với nợ xấu tại ngân hàng cũng giảm thiểu đi. Hai bên cùng có lợi.

Còn về tổng thể, chính sách có khả năng bao trùm hơn đối với 8,195 triệu tỷ đồng dư nợ đã ký đang được Ngân hàng Nhà nước gấp rút hoàn thiện để ban hành. Trong đó, việc giãn và cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm cũng là một hỗ trợ chi phí gián tiếp (do nếu phát sinh nợ quá hạn, theo quy định hiện hành, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều phải chịu thêm chi phí trích lập dự phòng, lãi phạt quá hạn…; doanh nghiệp "có vết" nợ xấu sẽ khó tiếp cận vốn vay mới).

Còn với gói hơn 250.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi, chi phí vốn thấp hơn sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trở lại thúc đẩy sản xuất kinh doanh khi dịch Covid-19 qua đi.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên