82.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại được xử lý trong vòng 1 năm qua
Chỉ sau 1 năm thành lập Tổng cục Quản lý thị trường đã xử lý 82.300 vụ vi phạm về hàng giả, gian lận thương mại.
- 29-08-2019Phát hiện nhiều hàng giả ở những chợ nổi tiếng tại TP.HCM
- 28-08-2019Thu giữ hàng trăm đôi giầy giả mạo nhãn hiệu CONVERSE, NIKE
- 22-08-2019Mang 1.000 tờ USD giả mệnh giá đến ngân hàng đổi
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sau một năm Tổng cục Quản lý thị trường chính thức đi vào hoạt động (12/10/2018-12/10/2019) dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng toàn lực lượng đã nỗ lực vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cụ thể, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra trên 141.000 vụ; phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm; thu nộp ngân sách nhà nước 430 tỷ đồng. Ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ đồng. Chuyển 107 vụ việc sang cơ quan tố tụng hình sự, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ việc đang điều tra, xử lý.
Đặc biệt với sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng quản lý thị trường đã tham gia, triển khai nhiều chuyên đề, kế hoạch kiểm tra cao điểm vào các lĩnh vực mặt hàng như xăng dầu, phân bón, thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, buôn lậu trên tuyến đường bộ, đường sắt... Qua đó, các lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc, ổ nhóm lớn. Điển hình là vụ việc kiểm tra 18 kho hàng tại quận 6, thành phố Hồ Chí Minh trong đầu tháng 5/2019, bước đầu đã xác định được nhiều đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng cấm với quy mô tương đối lớn, vụ việc đang được điều tra, xác minh làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Để có được kết quả trên, trong năm qua, Tổng cục đã tiến hành ký nhiều Quy chế phối hợp với các đơn vị như Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Hà Nội (HATAP), Hiệp hội Thông tin tư vấn kinh tế thương mại Việt Nam (VICETA)... với mục đích nối dài cánh tay cùng lực lượng quản lý thị trường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, bảo vệ thương hiệu và người tiêu dùng Việt Nam.
Đặc biệt, Tổng cục đã triển khai nhiều kế hoạch cao điểm như chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp Tết Nguyên đán; kế hoạch tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh, hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; kế hoạch về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu; kế hoạch công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kế hoạch đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá giả mạo xuất xứ tại các địa bàn trọng điểm...
Đối với những vụ vi phạm nghiêm trọng, Tổng cục đã trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, xử lý kịp thời như hàng cấm tại Móng Cái; vụ kiểm tra thực phẩm nhập lậu tuyến Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội; vụ kiểm tra mặt hàng amply giả mạo xuất xứ Hàn Quốc tại Quảng Bình; vụ kiểm tra đồng hồ giả mạo Thụy Sĩ tại Khánh Hòa và Đà Nẵng; vụ kiểm tra điện thoại giả mạo nhãn hiệu SAMSUNG, vụ kiểm tra hàng đường cát, vải, quần áo nhập lậu tại An Giang, thành phố Hồ Chí Minh; vụ ấn phẩm nhập lậu tại Hà Nội; vụ sản xuất sản phẩm thời trang giả mạo thương hiệu The North Face tại Hưng Yên. Tham gia chuyên án 117-D của Bộ Công an triệt phá đường dây buôn lậu đường tại An Giang và các tỉnh lân cận...
Tài chính Plus