MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

88 tỷ đồng cho "siêu máy bơm" chống ngập: Ông Nguyễn Tăng Cường nói về lý do dám đánh cược

24-09-2017 - 13:17 PM | Xã hội

Bỏ ra 88 tỷ đồng cho công trình máy bơm chống ngập ở TP.HCM, doanh nhân Nguyễn Tăng Cường cho rằng, nếu không tự tin thì ông và các cộng sự đã không dám làm.

Nước ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (phường 19, Q.Bình Thạnh,TP.HCM) sau cơn mưa chiều 21/9 và tối 19/9 được " siêu máy bơm " hút sạch khi hoạt động thử nghiệm khiến nhiều người dân khấp khởi mừng. Bởi đây được gọi là "rốn ngập".

Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng đánh giá trên báo VnExpress: "Bước đầu việc xử lý ngập đã có những kết quả đáng mừng".

Ông Nguyễn Tăng Cường (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung) từ năm 2016 đã đưa ra giải pháp chống ngập cho TP.HCM với cam kết gây xôn xao: "Không hết ngập không lấy tiền".

Ông Nguyễn Tăng Cường. Ảnh: Minh Đức/Tiền phong

Thời điểm đó, ông bày tỏ với báo Tiền phong, để chống ngập úng "chỉ cần đưa máy bơm ly tâm đặt tại một số vị trí mà không cần vớt rác, đào đường lắp cống mới".

Tập đoàn của ông sẽ thiết kế hệ thống máy bơm ly tâm với công suất t 96.000 m3/h. Bơm hút đặt tại cửa xả nước tiếp giáp với sông và có bộ lọc tự động tách rác thải đưa vào xe chuyên dụng.

Hệ thống tự động kết hợp với cảm biến đo mực nước, cùng với đó, hệ thống van 1 chiều sẽ giúp đẩy nước xa 10km mà không bị dội trở lại.

"Đối với 1 máy bơm hoạt động trong 1 trận mưa chỉ cần chi phí nhiên liệu khoảng 5 triệu đồng. Giải pháp của Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung sẽ có mức chi phí đầu tư thấp nhất, tiết kiệm nhất, giải quyết triệt để úng lụt trong thời gian tối thiểu 20 năm", ông Cường nói trên báo Tiền phong.

Chia sẻ trên báo Lao động hồi tháng 7/2017, ông Cường thẳng thắn, nếu không đủ tự tin thì ông và các đồng nghiệp đã không dám "đánh cược" như vậy.

"Chúng tôi đã tuyên bố nếu làm không hiệu quả sẽ không lấy tiền. Ngoài việc bị mất tiền, chúng tôi còn bị mất cả uy tín. Vì vậy, nếu không tự tin thì chúng tôi đã không dám làm việc này rồi", nguồn trên dẫn lời doanh nhân Nguyễn Tăng Cường.

Ông Cường cho rằng, độ dốc hệ thống cống của TP.HCM rất ít, chỉ từ 1,5 đến 1,65m, trong khi trong khi cốt nước trung bình của sông khi dâng lên trung bình là 1,35m. Theo đó, hệ thống bơm của tập đoàn ông khi vận hành sẽ đẩy vận tốc nước trong hệ thống cống nhanh lên gấp 3 lần, 5 lần và thậm chí đến 10 lần so với hiện tại.

"Siêu máy bơm" thử nghiệm hôm 21/9. Ảnh: Viết Dũng

Theo báo Giao thông, ông Cường cũng nên ra một số ưu điểm của hệ thống bơm thông minh như hút nước với công suất lớn, bơm hiệu quả khi nước thải trong cống có độ nhớt cao và nhiều tạp chất...

Về chi phí đầu tư hệ thống chống ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung thông tin trên báo Giao thông, mức tính toán sơ bộ là 88 tỷ đồng.

Trong đó, thiết bị xây dựng khoảng 12 tỷ đồng, chi phí cho công nghệ và thiết bị khoảng 68,8 tỷ đồng...

Cũng theo ông Cường, công ty cổ phần Tập đoàn công nghiệp Quang Trung còn cam kết đặt cọc 2 tỷ đồng cho TP.HCM để "thực hiện và hoàn trả mặt bằng như cũ" nếu không chống ngập thành công.

Trong một diễn biến khác, báo Zing.vn dẫn lời ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) cho hay, thành phố kỳ vọng hệ thống máy bơm siêu thông minh của Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung sẽ giải quyết được tình trạng ngập do triều cường và mưa. Thành phố có chủ trương thuê lại dịch vụ chứ không mua lại hệ thống này.

Về đề xuất thuê máy với chi phí 12 tỷ đồng/1 năm, ông Tuyến cho biết thành phố phải thẩm định rà soát kỹ mới có thể đưa ra con số.

Trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng (Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM) cho hay, máy bơm chống ngập mới có kết quả bước đầu, muốn đánh giá chính xác thì phải cần có ít nhất ba trận mưa lớn 70-100mm hoặc vừa mưa lớn kết hợp với triều cường.

"Trong điều kiện đó, nếu hệ thống máy bơm hút sạch nước trong thời gian ngắn mới chứng minh được hiệu quả thực tế", ông Dũng nói trên tờ Tuổi trẻ.

Theo T.Công

Thời Đại

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên