MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 hiện tượng khoa học vẫn "bó tay" cho đến tận ngày nay

09-02-2019 - 17:00 PM | Tài chính quốc tế

Con người đã từng du hành lên mặt trăng và khám phá nhiều bí mật của thế giới. Nhưng vẫn có nhiều hiện tượng mà đến nay, khoa học vẫn chưa thể giải thích được.

Dù các nhà khoa học có lẽ cũng đã đưa ra một số giả thuyết về các hiện tượng dưới đây, không ai có thể nói chắc chắn tại sao chúng lại diễn ra.

Dưới đây là 9 bí ẩn của cuộc sống đang khiến các chuyên gia ở khắp nơi trên thế giới đau đầu suy nghĩ.

1. Các nhà khoa học không chắc tại sao người ta lại ngáp

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 1.

Ngáp là điều bạn làm mỗi ngày, nhưng các nhà khoa học vẫn không biết tại sao chúng ta lại ngáp.

Gần đây, cộng đồng khoa học đã đưa ra một giải thuyết rằng ngáp là một hành vi điều nhiệt nhằm "làm mát" não bộ, nhưng chức năng sinh học chính xác của nó vẫn chưa rõ ràng.

Chưa hết, các nhà khoa học cũng không hoàn toàn chắc tại sao ngáp lại có thể lây lan giữa những sinh vật sống theo xã hội, như con người chẳng hạn. Vào năm 2005, một nguyên cứu xuất bản trên Cognitive Brain Research phát hiện ra rằng các mạng lưới trong não chúng ta chịu trách nhiệm cho sự đồng cảm và các kỹ năng xã hội được kích hoạt khi bạn thấy ai đó ngáp. Các nhà nghiên cứu còn quan sát được rằng tinh tinh có thể bị "lây" ngáp từ con người.

"Sao chép các biểu cảm khuôn mặt của người khác giúp chúng ta cảm nhận và hiểu được trạng thái hiện tại của họ" - Matthew Campbell, Trung tâm Nghiên cứu Linh trưởng Quốc gia Yerkes tại Đại học Emory cho biết.

Đó là lý do tại sao, theo một nghiên cứu khác, những người bị tâm thần không dễ bị "lây" ngáp như người bình thường.

2. Loại nấm này chỉ phát triển ở Texas và Nhật Bản, và các nhà khoa học không thể giải thích được tại sao

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 2.

Chorioactis geaster là loại nấm duy nhất trong chủng Chorioactis, và chỉ có thể được tìm thấy ở Texas và Nhật Bản.

Hai địa điểm này nằm trên cùng một vĩ độ, nhưng các bác sỹ chuyên khoa ung thư lại chưa thể tìm ra nguyên nhân vì sao những loại nấm này chỉ phát triển ở hai địa điểm nêu trên mà thôi. Một nghiên cứu năm 2004 về DNA của nấm, xuất bản bởi Đại học Harvard, nhận định rằng quần thể nấm này đã bị phân tách thành hai dòng riêng biệt vào khoảng 19 triệu năm về trước.

Tại Texas, nấm này được biết đến với tên gọi "xì gà của quỷ", bởi nó trông giống một điếu xì gà trước khi nở ra thành hình ngôi sao.

3. Không ai biết tại sao Cực Bắc của Sao Thổ lại có một cơn bão xoắn ốc hình lục giác

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 3.

Tại Cực Bắc của Sao Thổ tồn tại một hệ thống thời tiết với kích cỡ bằng 2 Trái Đất với hình dạng lục giác. Cơn bão này đã được chụp ảnh và quan sát trong nhiều năm trời bởi tàu Cassini của NASA, nhưng đến nay vẫn là một bí ẩn.

Thứ có hình lục giác tự nhiên duy nhất khác mà các nhà khoa học phát hiện được là trong tinh thể pha lê, do đó chúng ta không biết làm cách nào mà cơn bão trên Sao Thổ lại trông như vậy được. Vấn đề còn phức tạp hơn khi cơn bão từng có lúc đổi màu, chuyển từ màu ngọc lam sang vàng chỉ trong vài năm.

4. Cá voi lưng gù chuyển từ một loại sinh vật sống đơn độc sang sống thành "những bầy siêu lớn", và các nhà sinh vật học biển không biết vì sao chúng lại thay đổi như vậy

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 4.

Cá voi lưng gù thường sống đơn độc, nhưng chúng bắt đầu tụ tập thành bầy đàn từ 20 đến 200 con ở ngoài khơi Nam Phi trong vòng vài năm trở lại đây - theo một nghiên cứu vào năm 2017 của Đại học Pretoria.

Các nhà khoa học biển không chắc tại sao bản tính của loài sinh vật cổ đại này lại thay đổi, nhưng đi kèm với thay đổi đó là sự gia tăng dân số của loài cá voi lưng gù, do đó có lẽ chúng ta đã có thể giải thích được một phần nguyên nhân của sự thay đổi rồi.

"Khá bất thường khi thấy chúng đi theo những nhóm lớn như vậy" - Gisli Vikingsson, trưởng nhóm nghiên cứu cá voi tại Viện nghiên cứu Biển và Nước ngọt ở Iceland cho biết.

5. Những cái cây cong queo trong "Rừng khiêu vũ" ở Nga

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 5.

Được đặt tên là "Rừng khiêu vũ" (Dancing Forest), khu vực ở Kaliningrad này có rất nhiều những cây thông uốn éo theo nhiều kiểu, từ xoắn ốc, hình chiếc nhẫn, và đủ dạng khác.

Chúng được trồng vào những năm 1960 và là những loại cây duy nhất uốn éo như vậy. Theo Atlas Obscura, có nhiều giả thuyết xoay quanh chúng, như điều kiện gió khắc nghiệt, đất đai không ổn định, hay sự can thiệp của các loại sâu bướm. Một vài người dân địa phương gọi nó là "Rừng say xỉn" (Drunken Forest).

6. Vật chất tối không phải như vật chất thông thường, và chúng ta chưa hiểu nhiều về nó

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 6.

Vật chất được tạo thành từ proton, neutron, và electron, nhưng thành phần của vật chất tối vẫn là bí ẩn.

Một giả thuyết ở đây là vật chất tối được tạo thành từ các hạt chúng ta vẫn chưa phát hiện hay xác định được. Một nghiên cứu vào năm 2016 nhận định rằng vật chất tối có thể được tạo ra từ các lỗ đen từ thuở hồng hoang của vũ trụ.

Vật chất tối không phản xạ hay phát ra ánh sáng, nhưng nó có thể uốn cong ánh sáng bởi mật độ vật chất cực kỳ dày đặc - đó là cách mà các nhà khoa học biết đến sự tồn tại của chúng.

Nếu kiến thức của chúng ta về vũ trụ và vật lý là chính xác, thì có nhiều vật chất tối hơn cả những vật chất đang tồn tại. Trên thực tế, vật chất tối là điều kiện cần thiết để có lực trọng trường đủ mạnh để tạo nên các hành tinh và các thiên hà.

7. Các nhà khoa học không hiểu tại sao loài mèo lại tạo tiếng "purr"

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 7.

Từ lâu, cơ chế "rên rỉ" của loài mèo đã được giải đáp. Theo BBC, tiếng rên này hình thành bởi các cơ xung quanh dây thanh quản co lại, tạo nên một rung động gây ra âm thanh rên rỉ có phần hơi đáng sợ vào ban đêm của loài mèo.

Nhưng lý do tại sao chúng rên rỉ lại là một vấn đề gây tranh cãi. Một giả thuyết là việc rên rỉ giúp cải thiện phát triển xương, bởi tần số rung làm cho xương cứng lại nhằm đáp lại áp lực tạo ra.

"Rên ở tần số 25-100Hz tương đương với việc tạo ra các tần số chữa lành trong trị liệu y tế đối với con người" - Gary Weitzman, một bác sỹ thú y và CEO của San Diego Humane Society cho biết.

8. Chúng ta nhận được hàng trăm tín hiệu khó hiểu từ vũ trụ mỗi giây

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 8.

Chớp sóng vô tuyến (Fast Radio Bursts - FRB) là những phát xạ ngắn, rực rỡ của ánh sáng vô tuyến, tạo ra đủ năng lượng cho 500 triệu mặt trời hoạt động.

Các nhà thiên văn học tin rằng cứ mỗi giây lại có một FRB diễn ra, nhưng mới chỉ có khoảng 30 FRB được xác định mà thôi.

FRB 121102, xuất phát từ bên ngoài dải ngân hà của chúng ta, là tín hiệu duy nhất xuất hiện hơn 1 lần từ cùng một địa điểm. Nó có liên quan đến một ngôi sao neutron trẻ, một trong những vật thể đặc nhất trong vũ trụ. Các nghiên cứu mới đây cho thấy FRB 121102 là một trong hai loại chớp sóng vô tuyến.

9. Khối đá lõm kỳ lạ tại Siberia

9 hiện tượng khoa học vẫn bó tay cho đến tận ngày nay - Ảnh 9.

Khối đá lõm khổng lồ mang tên "Patom" (theo tên một dòng sông gần đó) có bề rộng 160m, cao 42m, là một phần của một khối đá vôi khổng lồ bị vỡ ra.

Một số người địa phương gọi nó là "Tổ Đại bàng lửa" và tin rằng khu vực này là thánh địa chết chóc bởi chẳng có loài thực vật nào sinh trưởng tại đây, và các loài động vật thì chẳng dám bén mảng tới.

Khối đá lõm này lần đầu được phát hiện bởi nhà địa chất Nga Vadim Kolpakov vào năm 1949, nhưng nó đã hình thành từ 500 năm trước đó rồi. Một số giả thuyết cho rằng nó do một vụ nổ hạt nhân gây ra, hay do...tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh đáp xuống mà thành, nhưng trang Russia Beyond cho rằng giả thuyết hợp lý nhất là "vụ nổ hơi nước diễn ra trong khi dung nham thấm vào đá ngậm nước, hoặc vì sự nứt vỡ và giảm sức ép của các loại đá ngậm nước bị nung nóng"

Theo Minh.T.T

VnReview

Theo Minh.T.T

VnReview

Trở lên trên