9 ngân hàng ngoại đang làm ăn ra sao ở Việt Nam?
Năm 2020, Shinhan Bank của Hàn Quốc vượt qua HSBC để trở thành nhà băng ngoại quy mô và hiệu quả nhất, thể hiện rõ nét xu hướng tăng trưởng nhanh chóng của các ngân hàng châu Á ở Việt Nam.
- 14-05-2021Chuyên gia nêu 2 lý do khiến ngân hàng ngoại thu hẹp hoạt động tại Việt Nam
- 18-04-2021Các ngân hàng ngoại đang làm ăn ra sao tại Việt Nam?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/12/2020 có 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với tổng vốn điều lệ khoảng hơn 41.200 tỷ đồng, gồm 4 ngân hàng thành lập mới từ năm 2016-2017 là Public Bank Việt Nam (Malaysia), CIMB Việt Nam (Malaysia), Woori Việt Nam (Hàn Quốc), UOB Việt Nam (Singapore). 5 ngân hàng còn lại đều được cấp phép từ năm 2008 là HSBC Việt Nam (Anh), Standard Chartered Việt Nam (Anh), ANZ Việt Nam (Australia), Shinhan Việt Nam (Hàn Quốc) và Hong Leong Việt Nam (Malaysia).
Trong số 9 nhà băng này thì 3 đến từ phương Tây, 2 trong đó là các tập đoàn tài chính toàn cầu đặt trụ sở ở Anh; 6 cái tên còn lại đến từ châu Á, gồm 2 của Hàn Quốc, 3 của Malaysia và 1 của Singapore.
Như đã đề cập trong bài viết gần đây, xu hướng gia tăng diện diện của các ngân hàng Đông Á và Đông Nam Á ở Việt Nam là rất rõ nét, không chỉ đầu tư trực tiếp, mà còn gián tiếp thông qua mua cổ phần chiến lược của các ngân hàng nội.
Dữ liệu của Nhadautu.vn thể hiện, giai đoạn từ 2016-2020, khối ngân hàng nước ngoài châu Á tăng trưởng rất nhanh. Shinhan Bank với tốc độ tăng trưởng tài sản và lợi nhuận vượt trội, đã vượt qua HSBC để trở thành ngân hàng ngoại quy mô và hiệu quả nhất Việt Nam, với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2020 lần lượt là 131.418 tỷ đồng và 18.989 tỷ đồng, lãi sau thuế trong năm qua lên tới 2.443 tỷ đồng, đều cao nhất trong số 9 ngân hàng 100% vốn nước ngoài hiện nay.
Tính cho cả giai đoạn 2016-2020, nhà băng đến từ Hàn Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng vốn chủ sở hữu 87%, tổng tài sản 129%, còn lợi nhuận sau thuế tăng gấp 2,36 lần.
Các ngân hàng khác cũng có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, giai đoạn 2016-2019, tổng tài sản của Public Bank tăng 105%, UOB Việt Nam tăng 53%, Hong Leong Bank tăng 39%, CIMB Việt Nam tăng 33%, Woori Việt Nam tăng 92%. Về lợi nhuận, UOB đạt lợi nhuận sau thuế năm 2019 là 264 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2018. Public Bank ghi nhận lợi nhuận 309 tỷ đồng năm 2019, cao gần gấp đôi so với ANZ dù tổng tài sản lại chỉ tương đương nhau.
Về phần mình, tương đồng với diễn biến thoái đi những mảng đầu tư gián tiếp, các nhà băng phương Tây cũng liên tục rút khỏi thị trường bán lẻ, vốn đang chịu sự cạnh tranh gay gắt ở Việt Nam. Gần đây nhất, Citigroup tháng 4/2021 công bố rút mảng khách hàng cá nhân khỏi Việt Nam. Trước đó cũng đã có những ngân hàng phương Tây rút khỏi mảng bán lẻ hay bán lại cổ phần như: BNP Paribas, Standard Chartered, Commonwealth, HSBC.
Các ngân hàng 100% vốn phương Tây không rút khỏi Việt Nam, tuy nhiên đà phát triển lại thua kém đáng kể so với các đối thủ châu Á. Từ năm 2019 trở về trước, HSBC Việt Nam là nhà băng ngoại số 1 ở thị trường trong nước, cả về quy mô tài sản và hiệu quả hoạt động.
Tuy nhiên, năm 2020, HSBC Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm qua, khi tổng tài sản chỉ tăng nhẹ 3%, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm tới 33%. Tương tự, ANZ Việt Nam cũng báo lãi giảm 16%.
Theo các chuyên gia, một trong những lợi thế của các nước phát triển là nguồn vốn dồi dào và lãi suất thấp. Nên các định chế tài chính có xu hướng tìm kiếm khách hàng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả hoạt động của một số ngân hàng phương Tây không như kỳ vọng. Mảng ngân hàng bán lẻ của nhóm này tỏ ra không hiệu quả. Một phần do ngân hàng ngoại trả lương rất cao, đẩy chi phí tiền lương gia tăng nhanh khi phát triển hệ thống bán lẻ, dẫn tới hiệu quả thấp.
Khi các ngân hàng phương Tây gặp khó thì các đối thủ trong khu vực châu Á lại cho thấy khả năng thích ứng và phát triển tốt hơn. Điều này được lý giải bằng sự tương đồng về văn hóa, khẩu vị rủi ro. Cùng với đó, tập khách hàng cá nhân của các ngân hàng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan cũng phần nào đến từ mối quan hệ với những lao động xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước đó, hay công dân ở các quốc gia này làm việc tại Việt Nam.
Nhà đầu tư