MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 ngành nghề thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động nhiều nhất tại Việt Nam

Có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương. Nhiều người lao động cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Navigos Group nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam mới đây đã công bố Báo cáo Thực trạng Nhân sự ngành Sản xuất 2023.

Báo cáo được thực hiện từ khảo sát ý kiến của hơn 1.000 Người lao động và 500 Doanh nghiệp trên thị trường, tại các ngành trong lĩnh vực Sản xuất, bao gồm: Ngành Công nghệ cao; Ngành Dệt may/Da giày; Ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học; Ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp; Ngành Sản phẩm công nghiệp; Ngành Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm; Ngành Sản xuất vật liệu xây dựng; Ngành Tự động hóa/Ô tô; và các ngành khác.

Theo Navigos Group, có sự sụt giảm doanh thu theo ngành. Ít nhất 50% doanh nghiệp đối mặt với sụt giảm doanh thu mỗi ngành, trong đó có ngành bị ảnh hưởng cao nhất lên đến 91% doanh nghiệp.

Có hơn 50% doanh nghiệp mỗi ngành ghi nhận sụt giảm từ dưới 10 - trên 40% tổng doanh thu trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, vẫn có ít nhất 9%, và nhiều nhất 50% doanh nghiệp các ngành ghi nhận doanh thu giữ nguyên, chưa bị ảnh hưởng hoặc vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Sự sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp phần lớn cùng lúc chịu ảnh hưởng từ cả 2 yếu tố là nguồn cầu trong nước và nước ngoài.

Khi được hỏi về yếu tố ảnh hưởng đến doanh thu, có ít nhất 33% các doanh nghiệp trong hầu hết các lĩnh vực tham gia khảo sát ghi nhận ảnh hưởng cùng lúc đến từ nguồn cầu trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng ngành nghề khác nhau, mức độ ảnh hưởng của 2 yếu tố này cũng có sự khác biệt nhất định.

Những ngành nghề thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước tình trạng sụt giảm doanh thu, có 2 hướng cho doanh nghiệp lựa chọn là duy trì hoặc thu hẹp quy mô. Trung bình 41% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết ưu tiên sử dụng giải pháp duy trì quy mô hiện tại. Ngược lại, trung bình 30% doanh nghiệp khác lựa chọn thu hẹp quy mô.

Tuy vậy, vẫn có khoảng 7 - 25% doanh nghiệp mỗi ngành cho biết sẽ mở rộng thêm quy mô, và dưới 36% còn lại nhận đơn gia công thêm mặt hàng khác. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng hết mình để ứng biến và duy trì hoạt động trong bức tranh kinh tế ảm đạm.

Đối với doanh nghiệp chọn giải pháp thu hẹp quy mô, các doanh nghiệp ưu tiên áp dụng giảm giờ làm và cắt giảm lao động cho mục đích thu hẹp quy mô. Giảm giờ làm và cắt giảm lao động là hai sự lựa chọn chiếm ưu thế với tỷ lệ trung bình 38 - 38.5% doanh nghiệp thực hiện ở mỗi ngành. Theo sau đó, khoảng 4 - 33% doanh nghiệp giảm bớt dây chuyền, và cuối cùng là chỉ khoảng dưới 9% doanh nghiệp chọn giải pháp đóng cửa bớt nhà máy.

Ngành Công nghệ cao, đa phần doanh nghiệp (56%) chọn giải pháp thu hẹp bằng cách cắt giảm lao động. Ngành Dệt may/Da giày, 52% doanh nghiệp lại chọn cách giảm giờ làm. Ngành Dược phẩm/Công nghệ sinh học nổi bật có đến 50% doanh nghiệp chọn giải pháp giảm giờ làm.

Ngành Nông nghiệp/Lâm nghiệp có 38% cắt giảm lao động và 33% giảm giờ làm. Ngành Sản phẩm công nghiệp có 46% doanh nghiệp giảm giờ làm. Ngành Sản xuất hàng tiêu dùng/Thực phẩm với 42% doanh nghiệp giảm giờ làm và 38% doanh nghiệp cắt giảm lao động.

Ngành Sản xuất vật liệu xây dựng có có 38% doanh nghiệp chọn cách giảm giờ làm và 34% cắt giảm lao động. Ngành Tự động hóa/Ô tô có đến 52% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động. Các ngành khác thì cũng có đến 42% buộc phải cắt giảm lao động để duy trì kinh doanh.

Đối với doanh nghiệp chọn giải pháp cắt giảm nhân sự, đa số các doanh nghiệp được khảo sát đều cắt giảm nhân sự dưới 10%. Đối với giải pháp cắt giảm nhân sự, phần đông số lượng doanh nghiệp tham gia khảo sát (ít nhất 59%) thực hiện cắt giảm dưới 10% lực lượng lao động. Lựa chọn "cắt giảm 10 - 20%" đứng vị trí thứ 2 với tỷ lệ là dưới 30% mỗi ngành. Theo sau đó, lựa chọn "cắt giảm 20 - 40%" chiếm dưới 20% mỗi ngành, và cuối cùng, chỉ có 4 ngành là có doanh nghiệp (dưới 10%) phải cắt giảm nhân sự trên 40%.

Những ngành nghề thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cùng với sự sụt giảm doanh thu, thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp, tiền lương của người lao động cũng sụt giảm mạnh. Phần lớn người lao động trong ngành sản xuất đối mặt với việc cắt giảm 30 - 50% lương.

Theo thống kê, có 58% người lao động ngành sản xuất bị cắt giảm 30 - 50% tổng lương, 34% bị cắt giảm 10% tổng lương, 6% người lao động bị cắt giảm 10 - 30% tổng lương,. Chỉ có 2% bị cắt giảm nhiều hơn 50% tổng lương. Bên cạnh đó, họ cũng bị cắt giảm giờ làm, giảm tiền tăng ca và không nhận được trợ cấp như thường lệ.

Phần lớn người lao động lựa chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt và nâng cao kỹ năng, tay nghề để ứng phó với khó khăn. 60% người lao động chọn cắt giảm chi phí sinh hoạt để ứng phó khó khăn, 37% làm thêm bên ngoài và chỉ có 3% chọn cách tăng ca nhiều hơn để tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, người lao động cũng chọn cách nâng cao kỹ năng và tay nghề để duy trì lợi thế cạnh tranh. Phần lớn người lao động chọn nâng cao kỹ năng quản lý (39%), kỹ năng quản lý tài chính (29%) và kỹ năng ứng dụng Công nghệ vào sản xuất (24%).

Theo Pha Lê

Phụ nữ số

Trở lên trên