MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động

Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, dệt may, thủy sản… đang cắt giảm lao động khi các đơn hàng thiếu hụt. Trong nửa đầu năm, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Nếu tình trạng này kéo dài, số lượng lao động phải cắt giảm việc làm dự báo sẽ tiếp tục tăng và lan rộng sang các ngành nghề khác.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần gỗ Việt Âu Mỹ - cho biết, chưa khi nào sức mua của ngành gỗ ì ạch như năm nay. Từ quý IV/2022 đến nay, các đơn hàng xuất khẩu ở các thị trường chính là Anh, Mỹ ngày càng teo tóp. Trong khi đó, đối tác nhập khẩu của công ty tại Anh liên tục gặp khó và đã phá sản. Có lúc công ty phải dừng hoạt động cả nửa tháng vì không đủ nguyên liệu đầu vào hoặc thiếu đơn hàng để sản xuất .

Theo ông Tuấn, trong lúc nguồn thu không có, doanh nghiệp đối mặt với tình trạng lãi suất tăng cao dẫn tới chi phí phải trả của doanh nghiệp tăng mạnh. Nhiều khoản phí phát sinh đã khiến công ty gặp tắc nghẽn về dòng tiền.

“Nếu năm ngoái nhà máy sản xuất có khoảng 300 nhân viên, đến nay số công nhân chỉ còn khoảng 50%. Thu nhập của người lao động giảm 30% so với cùng kỳ’, ông Tuấn chia sẻ.

Ông Đinh Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Sơn Trà - chia sẻ, từ đầu năm đến nay, sản lượng thủy sản xuất khẩu của công ty giảm đến 70% so với trước. Nguyên nhân do thiếu nguyên liệu, hoạt động khai thác trên địa bàn đang gặp khó khăn cùng với nhu cầu thị trường sụt giảm mạnh. Trước tình hình đó, hiện doanh nghiệp đã phải cắt giảm khoảng 50% lao động và giảm giờ làm việc luân phiên đối với công nhân.

Doanh nghiệp ồ ạt cắt giảm lao động - Ảnh 1.

Dệt may là ngành có số lượng lao động mất việc nhiều nhất hiện nay.

Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng thừa nhận tình trạng số lượng đơn hàng của ngành thủy sản đang giảm 30-50% so với năm ngoái, lượng tồn kho tăng cao ở nhiều doanh nghiệp. Trước tình hình này, không ít doanh nghiệp cắt giảm hàng trăm đến hàng nghìn lao động.

"Dự kiến từ nay tới cuối năm, thị trường tiêu thụ thủy sản khó có thể phục hồi, hoặc nếu có sẽ phục hồi chậm nên tình trạng cắt giảm lao động vẫn tiếp diễn", đại diện VASEP cho hay.

Theo thống kê Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong nửa đầu năm, đã có hơn 500.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm. Trong đó, số lao động thôi việc, mất việc lên tới 279.409 người, 195.039 người bị giảm giờ làm, hơn 17.003 người nghỉ không lương...

Lao động mất việc nhiều nhất tập trung ngành dệt may, sau đó đến da giày (31.600 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (45.000 người). Nơi có lao động mất việc nhiều nhất là khu công nghiệp, khu kinh tế lớn như Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hà Nội.

Dệt may cũng là lĩnh vực công nhân bị giảm giờ làm nhiều nhất, kế đến là da giày (66.000 người), sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử (24.800 người), chế biến thủy, hải sản (gần 6.000 người), chế biến gỗ (5.400 người). Lao động bị ngừng việc, nghỉ việc không lương là 17.000 người.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân tình trạng cắt giảm lao động là do doanh nghiệp thiếu đơn hàng khi kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm, đặc biệt là nhu cầu về các mặt hàng thời trang quần áo, giày dép, thiết bị điện tử cá nhân… Nhiều doanh nghiệp trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho nhiều không xuất được, không có đơn hàng mới.

Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu tình trạng thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu kéo dài, số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tiếp tục tăng và lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.

Theo Dương Hưng

Tiền Phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên