MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9 ngày nữa sẽ diễn ra một sự kiện rất lớn trên thế giới, nhà đầu tư Việt Nam đừng bỏ qua

Nếu Anh rời khỏi EU, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm đến những tài sản có tính chất như một nơi trú ẩn trong khủng hoảng như vàng, trái phiếu Chính phủ ... thay vì chứng khoán. Và Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó nằm ngoài tác động này.

Ngày 23/6 tới đây, người dân Anh sẽ bỏ lá phiếu lịch sử để quyết định việc ở lại hay rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Có lẽ trong 2 tuần tới, đây là sự kiện lớn nhất trên thế giới và ảnh hưởng đáng kể đến các thị trường tài chính.

Các “sòng” cá cược về cuộc bỏ phiếu này đang diễn ra vô cùng gay cấn bởi lẽ kết quả rất khó dự đoán khi mà một số cuộc trưng cầu dân ý thử cho kết quả cân bằng và thay đổi mỗi ngày.

Theo CTCK BSC, Brexit - nếu xảy ra - sẽ làm dấy lên nguy cơ tan rã của EU còn đối với nền kinh tế UK, chưa nhiều điều tích cực được nhìn thấy sau khi rời khối.

Brexit là một từ ghép (từ Britain và exit), nói đến việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Nó cũng tương tự như từ Grexit để nói tới việc Hy Lạp có thể ra khỏi Khu vực đồng euro.

Một số chuyên gia còn đánh giá rằng, nếu nước Anh quyết định rời EU thì đó sẽ là thảm họa với đồng Euro (EUR) khi đánh mất giá trị so với các đồng ngoại tệ khác và thị trường tài chính thế giới sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực.

BSC nhận xét, các nhà đầu tư khá bi quan về cả kinh tế EU lẫn UK nếu việc rời đi xảy ra. Không chỉ chứng khoán, đồng EUR và GBP sẽ yếu đi tương đối so với các đồng tiền khác trong đó có USD. Khi mà chứng khoán và các loại tài sản rủi ro ở UK và EU sẽ chịu ảnh hưởng, tác động sẽ được lan sang các thị trường chứng khoán khác như Mỹ và châu Á.

Trong ngắn hạn, dòng tiền nhiều khả năng sẽ tìm đến những tài sản có tính chất như một nơi trú ẩn trong khủng hoảng như vàng, các loại hàng hóa hoặc tìm đến nơi có rủi ro thấp như trái phiếu chính phủ của các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm cao.

Còn thị trường chứng khoán Việt Nam?

Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó nằm ngoài tác động đó do hiện tại dòng vốn ngoại, dù chỉ chiếm một tỉ lệ tương đối trong tổng giá trị giao dịch trên thị trường, đang đóng vai trò dẫn dắt dòng vốn nội. Trong giai đoạn vừa qua, chuỗi mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài đã hỗ trợ thị trường rất tốt trong quá trình hướng tới đỉnh 8 năm tại 640.” – BSC nhận định.

Bà Trần Hà My – chuyên viên phân tích vĩ mô của CTCK Rồng Việt (VDSC) đánh giá, nếu như kết quả bỏ phiếu trong cuộc họp ngày 23/6 này là Anh rời khỏi EU thì về cơ bản, nước này vẫn ở trong khối EU ít nhất là 2 năm hoặc lâu hơn nữa. Nhưng dù sao, kết quả này, như phân tích ở trên cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam trong ngắn hạn, đặc biệt là tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường.

Về vĩ mô, bà Hà My cho rằng, Anh chỉ chiếm 3% trong cơ cấu xuất khẩu nhưng chiếm đến 14% trong tổng giá trị xuất khẩu vào EU của Việt Nam. Do đó, nếu Anh rời đi, các Hiệp định thương mại có thể sẽ phải bàn thảo lại và chúng ta sẽ phải đánh giá lại lợi ích của việc Việt Nam trong các Hiệp định FTA Việt Nam - EU khi không có Anh trong khối này.

Trong 2 ngày 14 và 15/6 sẽ diễn ra cuộc họp Uỷ ban Thị trường mở Liên bang Mỹ (FOMC) đưa ra những dự đoán kinh tế mới nhất cùng với tuyên bố về chính sách, và điều nhà đầu tư ngóng trông là FED có tăng lãi suất hay không.

Trong trường hợp Anh biểu quyết "ra đi”, các thị trường tài chính chắc chắn sẽ xáo trộn và hệ quả là các nhà đầu tư sẽ chuyển hướng sang các tài sản an toàn hơn đồng thời khiến đồng USD tăng giá.

Sự ổn định gần đây của đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến FED cảm thấy phương án tăng lãi suất trở nên "an toàn” hơn, song có nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Mỹ muốn để mối đe doạ Brexit qua đi trước khi có thắt chặt các điều kiện tài chính.

Theo bà Hà My, do Mỹ quan ngại về việc Anh rời khỏi EU nên FED có thể trì hoãn việc nâng lãi suất cho đến cuối năm.

Trên hết tất cả những yếu tố ngắn và dài hạn mà chuyên gia này vừa đánh giá thì rủi ro đối với EU là các quốc gia còn lại như Pháp, Tây Ban Nha cũng muốn tách khỏi lục địa già này. Việc EU tan vỡ tạo ra rủi ro lớn hơn cho toàn cầu hơn là mỗi nước Anh.

Thanh Mao

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên