9 "nỗi khổ" của nông nghiệp công nghệ cao
Chia sẻ tại Diễn Đàn "Phát triển hệ sinh thái Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao", bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Giám Đốc Công ty cổ phần Nông trại Hữu cơ Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ sẽ là bước đệm quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa nếu có định hướng kịp thời và phù hợp.
- 18-12-2020Hệ thống phân phối ngoại tác động tích cực đến kim ngạch xuất khẩu
- 18-12-2020Hiệp hội Điện gió Toàn cầu hạ dự báo công suất lắp đặt điện gió mới tại Việt Nam
- 18-12-2020Gỡ rào cản hợp tác logistics Việt Nam với khu vực Trung Đông - châu Phi
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp là ngành sản xuất chính đối với sự phát triển của Việt Nam. Sau hơn 30 năm phát triển, Việt Nam từ một nền nông nghiệp lạc hậu, thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực, đã trở thành một quốc gia xuất khẩu hàng hóa, với các mặt hàng như lúa gạo (đứng thứ 3 thế giới sau Ấn Độ, Thái Lan, năm 2018), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới), cà phê, thanh long, bưởi,…
Tuy nhiên, trên thực tế, nền nông nghiệp tại nước ta còn khá nhiều hạn chế trong quy hoạch, chất lượng nông sản và cả về trình độ kỹ thuật. Chia sẻ tại Diễn Đàn "Phát triển hệ sinh thái Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều ngày 17/12, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Giám Đốc Công ty cổ phần Nông trại Hữu cơ Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam, nông nghiệp hữu cơ sẽ là bước đệm quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam vươn xa nếu có định hướng kịp thời và phù hợp. Nhưng đây cũng sẽ là những thách thức lớn nếu không khắc phục được những khó khăn đang tồn tại.
1. Chưa có định hướng quy hoạch
Các nhà sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc quy mô hóa, tập trung đất cho sản xuất công nghệ cao cũng như việc quy hoạch vùng trồng chưa được triển khai hợp lý và thiếu sự ổn định. Quan trọng hơn, nông nghiệp công nghệ cao cần có vùng cách ly với nông nghiệp truyền thống, nhằm ngăn tác động trực tiếp của hóa chất với sản phẩm. Vì vậy, vai trò của việc định hướng quy hoạch vùng canh tác là hết sức quan trọng.
2. Trình độ nguồn nhân lực
Nhân lực sản xuất nông nghiệp của nước ta đa phần trình độ thấp, mang tính tự phát, chưa được đào tạo về kỹ thuật. Phần lớn người sản xuất chỉ biết sơ về khái niệm nông nghiệp công nghệ cao là hình thức sản xuất áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chứ chưa biết đến những lợi ích lâu dài cho sức khỏe, môi trường, kinh tế và đặc biệt là sự phát triển ổn định của nền nông nghiệp trong tương lai.
3. Thiếu hụt nguồn lực lao động
Sự chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn sang thành thị và từ nông nghiệp sang dịch vụ đã dẫn đến sự thiếu hụt nghiêm trọng lao động sản xuất nông nghiệp tập trung. Điều này dẫn đến công lao động gia tăng nên giá thành nông sản hữu cơ luôn cao hơn từ 2-3 lần sản phẩm nông nghiệp khác.
4. Thói quen của người tiêu dùng
So sánh về giá và mẫu mã sản phẩm thì nông sản hữu cơ luôn luôn kém ưu thế hơn so với các loại nông sản trên thị trường. Phần lớn khách hàng đang "thiếu thông tin nhưng thừa nghi ngờ". Khi mà sự nghi ngờ vẫn còn thì tư duy mua hàng dựa trên tiêu chí chất lượng, an toàn sẽ không thay đổi và người tiêu dùng vẫn tiếp tục chọn mua sản phẩm đẹp, bắt mắt thì việc mở rộng thị trường thực phẩm hữu cơ là điều không thể.
Từ đó, đầu ra cho sản phẩm hữu cơ- công nghệ cao luôn gặp phải những rào cản về thói quen và giá thành từ người tiêu dùng.
5. Chi phí đầu tư cao
Chi phí đầu tư ban đầu của nông nghiệp công nghệ cao thường cao hơn bình thường từ 2-4 lần. Trong khi đó, giai đoạn đầu, khi chuyển sang sản xuất công nghệ cao không mang lại lợi ích kinh tế ngay do phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm. Môi trường cần thời gian thiết lập lại cân bằng sinh thái, thời gian này có thể kéo dài tùy theo mức độ tổn thương.
6. Khó xây dựng thương hiệu
Hiện nay, thị trường nội địa sản phẩm hữu cơ chưa phát triển và vẫn chưa có số liệu cụ thể về chủng loại và số lượng được sản xuất và tiêu thụ hằng năm. Điều này dẫn đến sự mù mờ trong việc định hướng chiến lược của người sản xuất và chính sách nhà nước. Thêm vào đó, việc xây dựng thương hiệu nông sản hữu cơ đang đi về hướng bế tắc do hiện trạng vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm và sản phẩm đội lốt nông sản sạch tràn lan ngoài thị trường.
7. Chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh
Tính đến thời điểm hiện tại, những ảnh hưởng của đại dịch Covid – 19 lên toàn bộ nền kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ ở Việt Nam là vô cùng nặng nề. Đặc biệt đối với các sản phẩm từ nông nghiệp. Đại dịch gây ra các khó khăn về kinh tế - xã hội và y tế nghiêm trọng trên phạm vi toàn thế giới, dẫn tới lượng cầu một số mặt hàng nông nghiệp giảm, sự đứt gãy chuỗi cung ứng cũng gây khó khăn về nguồn cung một số vật tư nông nghiệp, đặc biệt là những ngành phải nhập khẩu đầu vào nhiều như nông lâm thủy sản, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc trừ sâu…quy mô sản xuất nông nghiệp của nhiều tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún
8. Quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún
Với hiện trạng quy mô sản xuất nông nghiệp của nhiều tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún nên trong quá trình tổ chức triển khai, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu hàng hóa đầu ra với quy mô lớn còn gặp nhiều khó khăn.
9. "Được mùa mất giá"
Quan tâm đầu tư, đẩy mạnh công nghệ chế biến là một trong những hướng đi được kỳ vọng sẽ giúp nông sản phục hồi sau đại dịch. Công nghiệp chế biến không chỉ giải quyết tình trạng "giải cứu" nông sản mà còn đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp chủ động thị trường tiêu thụ và nâng cao giá trị cho nông sản Việt Nam.
Đưa công nghệ chế biến vào sản xuất nông nghiệp không chỉ giúp nông sản Việt Nam thoát khỏi điệp khúc: "được mùa mất giá" và tình trạng nông sản xuất thô ra thế giới với giá trị rẻ mạt.