MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

9.000 tỷ, 10.000 tỷ mỗi phiên giao dịch, tiền đâu đổ vào thị trường chứng khoán?

Tiền cứ cuồn cuộn chảy vào chứng khoán và câu hỏi mà không ít người thắc mắc: Tiền ở đâu đổ vào?

Phiên giao dịch ngày 10/01/2018, khối lượng giao dịch riêng sàn HOSE đạt 341 triệu đơn vị tương đương 8.115 tỷ đồng – cao kỷ lục từ trước đến nay. Tính chung 3 sàn giao dịch, giá trị cổ phiếu được trao tay lên đến hơn 10.300 tỷ đồng.

Trong thời gian gần đây, những phiên giao dịch 7.000 – 9.000 tỷ đồng đã trở nên quá quen thuộc. Sau phiên giao dịch "khổng lồ" 10.300 tỷ đồng nói trên, nhiều người lo ngại áp lực điều chỉnh, thế nhưng thị trường đã nhanh chóng trả lời bằng một phiên tăng 10 điểm và giá trị giao dịch hơn 9.000 tỷ đồng trong ngày 11/01.

Tiền cứ cuồn cuộn chảy vào chứng khoán và câu hỏi mà không ít người thắc mắc: Tiền ở đâu đổ vào?

Mỗi ngày V.N.M ETF hút 4 triệu USD

Dòng tiền ngoại là yếu tố đầu tiên được nhắc đến khi nói về dòng tiền mới. Năm 2017, khối ngoại mua ròng hơn 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán và là động lực mạnh mẽ cho sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn, đẩy VN-Index vượt đỉnh 10 năm. Theo số liệu mới công bố của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam, trong tháng 12, số lượng nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch chứng khoán lập kỷ lục với 447 tài khoản (bao gồm gồm 28 nhà đầu tư tổ chức và 419 nhà đầu tư cá nhân), nâng tổng số nhà đầu tư ngoại được VSD cấp lên 23.506 NĐT.

Nếu nói đến "cá mập", những tổ chức quốc tế với tiềm lực tài chính hùng mạnh như JC&C, F&N... vốn đã là cái tên quen thuộc nhưng vẫn thừa sức gây bão cho thị trường tài chính Việt Nam với những thương vụ "hốt trọn" các lô cổ phần do nhà nước thoái vốn. Không dừng ở đó, các tổ chức này cũng không ngừng rót tiền mua cổ phiếu của doanh nghiệp tốt trên sàn chứng khoán. Hay sự xuất hiện dày đặc của quỹ ngoại lớn nhất Việt Nam là Dragon Capital tại các thương vụ IPO, đấu giá mua cổ phần thoái vốn cũng thể hiện dòng tiền ủy thác đổ vào đây không hề nhỏ.

Một con số ấn tượng khác đến từ quỹ ETF VNM của Van Eck mới đây. Theo đó, kể từ đầu tháng 1 đến nay, mỗi ngày quỹ này thu hút 4 triệu USD đổ vào mua chứng chỉ quỹ.

9.000 tỷ, 10.000 tỷ mỗi phiên giao dịch, tiền đâu đổ vào thị trường chứng khoán? - Ảnh 1.

Một dòng vốn không kém phần quan trọng chính là từ nhà đầu tư Hàn Quốc. Không chỉ là nhà đầu tư FDI đứng đầu Việt Nam hiện nay mà dòng vốn mà xứ Kim chi đổ vào chứng khoán Việt Nam cũng rất ấn tượng. Theo số liệu do tờ Business Korea trích dẫn, năm 2017, nhà đầu tư Hàn Quốc đã rót 461,3 tỷ won (tương đương 434 triệu USD) cho 11 quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam, chưa bao gồm quỹ ETF. Có thể nói sự tăng trưởng gần 50% của VN-Index trong năm vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của nhà đầu tư Hàn Quốc khi mà vào năm 2016, dù khối ngoại bán ròng thì nhà đầu tư Hàn Quốc vẫn rót hơn 290 triệu USD vào chứng khoán Việt Nam.

Quan điểm khác về chứng khoán đã kích thích tiền mới từ người dân trong nước

Khi được hỏi về dòng tiền đang đổ vào chứng khoán, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch HĐQT của CTCK VINDIRECT cho biết, tiền mới từ nhà đầu tư trong nước đã được "kích thích" và đổ vào rất nhiều trong thời gian qua. Hay nói cách khác, những người chỉ quen cất tiền trong tủ cũng đã bị chứng khoán hấp dẫn và "móc tiền ra". Sau mỗi phiên thanh khoản "khổng lồ", người ta lại lo lắng về việc "cạn tiền", thế nhưng thực tế đã cho thấy sau đó là những phiên thanh khoản cao hơn nữa.

Theo bà Hương, chứng khoán hút tiền không chỉ bởi độ hấp dẫn của kênh đầu tư này so với các kênh khác, đặc biệt là lãi suất ngân hàng mà còn do sự thay đổi về quan điểm của người dân với chứng khoán. Giờ đây, người ta đã có cái nhìn đúng đắn hơn, coi chứng khoán là một loại tài sản chứ không phải là một trò chơi cờ bạc. Điều này thực sự khiến những người làm trong ngành chứng khoán kỳ vọng về một ngày, tỷ lệ người dân có tài khoản chứng khoán ở Việt Nam sẽ tăng lên con số 54% như ở Mỹ, chứ không phải là 2% như hiện tại.

9.000 tỷ, 10.000 tỷ mỗi phiên giao dịch, tiền đâu đổ vào thị trường chứng khoán? - Ảnh 2.

 Bên cạnh đó, sự phát triển của thị trường tài chính đã mở ra nhiều cách cho người dân tiếp cận chứng khoán. Nếu không giỏi đầu tư, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất 7,5%/năm thì trong năm qua, việc mua chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán sẽ hiệu quả hơn nhiều. Mức tăng trưởng NAV bình quân 30% của các quỹ đầu tư nội đã chứng minh cho điều đó.

Một ý kiến cho rằng, nếu không có bitcoin, dòng tiền cư dân đổ vào chứng khoán có lẽ còn lớn hơn nữa.

Margin từ các công ty chứng khoán

Trong 2 năm qua, ngoài việc tăng vốn chủ sở hữu hay vay vốn từ ngân hàng, các công ty chứng khoán đã tăng cường huy động vốn qua kênh trái phiếu. Chỉ trong quý cuối năm 2017 và quý 1/2018, lượng trái phiếu các CTCK huy động được cũng lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là trái phiếu đang chuyển dịch theo xu hướng phát hành cho nhà đầu tư cá nhân và được cho biết là "đắt như tôm tươi". Điều đó càng chứng tỏ nhu cầu về các sản phẩm tài chính mới có khả năng sinh lời cao hơn lãi suất ngân hàng rất hút khách và rút được tiền ngủ yên từ cư dân.

Và dù có thừa nhận hay không thì dòng tiền tín dụng từ các ngân hàng, dù cách này hay cách khác cũng đã được nhiều người sử dụng để đầu tư chứng khoán.


Hải Thanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên