9x ở Cà Mau "hô biến" lá bồn bồn thành những chiếc túi thời trang
Chị Phạm Thị Hồng Nguyên (31 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) tận dụng lá bồn bồn để tạo ra những chiếc túi thời trang thân thiện với môi trường.
- 14-08-2022Nghiên cứu của ĐH Harvard: Trẻ có 3 đặc điểm này lớn lên KIẾM TIỀN rất siêu, không phải cứ học giỏi là sẽ giàu
- 14-08-2022Những đôi bạn đình đám nhất Hollywood: Tình bạn hơn 10 năm giữa Selena Gomez và Taylor Swift từng "lung lay" vì Justin Bieber
- 14-08-2022Tỷ phú giàu nhất thế giới: 'Tôi có một thói quen rất xấu'
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp ngành Ngân hàng, chị Phạm Thị Hồng Nguyên làm việc cho một công ty ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau) với mức lương và chế độ đãi ngộ ổn định.
Vốn tính không ngại thử thách, chị Nguyên quyết định về quê ở huyện Cái Nước (Cà Mau) khởi nghiệp từ vật liệu ít ai ngờ tới - lá cây bồn bồn.
Túi xách làm từ lá bồn bồn
Theo chị Nguyên, bồn bồn là loại cây đặc sản của huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. Tuy nhiên, chỉ phần lõi non của bồn bồn mới dùng để chế biến thành món ăn hoặc làm dưa muối. Phần lá và thân già phải bỏ đi hoặc làm thức ăn cho gia súc.
Nhận thấy đặc tính dẻo dai và màu sắc bắt mắt của cây bồn bồn khi phơi khô, chị Nguyên nảy ra ý tưởng dùng cây bồn bồn để đan thành những túi xách thời trang.
Chị Phạm Thị Hồng Nguyên cho biết bồn bồn dẻo dai và màu sắc bắt mắt sau khi phơi khô
“Cây bồn bồn có thể đan giỏ, sọt… như đan lục bình, tuy nhiên, tôi nhận thấy các sản phẩm này mang lại giá trị kinh tế không cao. Tôi nghĩ ngay đến việc đan túi xách thời trang từ cây bồn bồn, vừa thân thiện với môi trường, vừa có giá trị kinh tế nhiều hơn”, chị Nguyên chia sẻ.
Ý tưởng là một chuyện nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì hàng loạt các khó khăn phát sinh. Chị Nguyên đan đi đan lại rồi phải mang bỏ hàng trăm túi xách trong thời gian dài vì sản phẩm không như ý.
Để có tiền trang trải cuộc sống trong thời gian thực hiện ước mơ khởi nghiệp, chị Nguyên mở dịch vụ cho thuê bàn ghế đám tiệc. Tuy nhiên, giữa áp lực cuộc sống, đôi lúc chị Nguyên tính đến chuyện bỏ cuộc khi các sản phẩm làm ra liên tục thất bại.
“Ban đầu sản phẩm làm ra không đạt yêu cầu. Nhiều khi tôi thức cả đêm để mày mò. Có những lúc tôi tính bỏ cuộc, dẹp hết đồ đạc không làm nữa nhưng rồi không bỏ được, phải lấy ra làm lại. Tính đến lúc tôi làm ra được sản phẩm vừa ý thì cũng làm hư mấy trăm cái túi”, Chị Nguyên tâm sự.
Giá bán túi xách làm từ bồn bồn dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng/chiếc
Theo chị Nguyên, một chiếc túi xách làm từ cây bồn bồn cần trải qua nhiều công đoạn từ chọn nguyên liệu, đan may và trang trí.
“Bồn bồn được chọn đan túi xách là những cây có chiều cao từ 1m, không quá già hoặc quá non. Khi thu hoạch về đem phơi sao cho cọng bồn bồn giữ được màu vàng nhạt, sáng bóng và có độ dai”, chị Nguyên chia sẻ.
Công đoạn đan túi lần lượt qua các bước như tạo khung, đan. Sau khi thành hình, sản phẩm được phủ keo chống mốc, chống thấm rồi may da, gắn khóa kéo và trang trí họa tiết.
“Giá bán dao động từ 200.000 đến 500.000 đồng/chiếc”, chị Nguyên nói thêm.
Nhờ sản phẩm thời trang, bắt mắt cùng với cách quảng bá sản phẩm, túi xách bồn bồn của 9x xứ Cà Mau được nhiều người biết tới và bắt đầu có đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Khi sản phẩm có đầu ra, chị Nguyên bắt đầu truyền lại bí quyết cho những phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương, giúp họ có thêm thu nhập.
“Tôi giao bồn bồn để các cô các chị đan thô xong thu lại sản phẩm, giá gia công từ 50.000 đến 70.000 đồng/chiếc. Tận dụng thời gian rảnh sau khi xong công việc đồng áng hoặc nội trợ nhiều người có thêm thu nhập, thấy họ vui tôi cũng thấy vui”, chị Nguyên nói.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sa, Chi Hội trưởng Phụ nữ ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau cho hay bà là người chứng kiến những gian nan của chị Nguyên từ lúc ban đầu khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hồng Sa gia công thô túi xách làm từ bồn bồn
“Tôi động viên Nguyên cố gắng đừng bỏ cuộc. Lúc thấy Nguyên thành công tôi cũng rất mừng. Tôi cùng nhiều chị em nhờ Nguyên chỉ các đan rồi nhận bồn bồn để gia công thô trong lúc rảnh rỗi. Ngày làm một ít nhưng cải thiện thêm thu nhập cho gia đình”, bà Sa tâm sự.
Hiện chị Nguyên đang thực hiện các thủ tục để đăng ký sản phẩm đạt được chứng nhận OCOP và tiến tới thành lập Hợp tác xã để mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ tại quê hương.
VTC NEWS