9X tốt nghiệp MBA tại Mỹ, làm thêm 8 công việc để có 2 tỷ đồng startup: ‘Khởi nghiệp xã hội vẫn có thể làm giàu’
Ngô Thùy Anh - nhà sáng lập và điều hành HASU từng từ bỏ cơ hội làm việc tại phố Wall để về Việt Nam khởi nghiệp.
- 12-03-2022Bao nhiêu tiền để đạt tự do tài chính? "Bông hồng" Forbes Under 30 cho rằng 3-4,8 tỷ là đủ cho bản thân, tiết lộ một định nghĩa rất khác về sự tự do tài chính mà ít người nghĩ đến
- 12-03-2022“Mèo Mốc” Đặng Quang Dũng - Forbes Under 30: Kiếm tiền không phải mục đích cuối cùng của sáng tạo, nhưng là phương tiện giúp mình sống và tiếp tục sáng tạo
- 08-03-2022Ngô Thùy Anh (Forbes 30 Under 30): Có trong tay gần 2 tỷ ở tuổi 23, "đốt 2 căn nhà" để khởi nghiệp sau khi từ chối lời mời ở phố Wall
Ngô Thùy Anh là một trong những gương mặt trẻ lọt vào Top under 30 năm 2022 của Tạp chí Forbes Việt Nam, hạng mục hoạt động xã hội.
Cô gái sinh năm 1994 này tốt nghiệp MBA loại giỏi tại Mỹ, từng có cơ hội làm việc tại một công ty đầu tư tài chính ở phố Wall nhưng quyết định từ bỏ để về Việt Nam khởi nghiệp.
Tháng 3/2020, Thùy Anh thành lập HASU, ứng dụng chăm sóc tinh thần, thể chất dành cho những người từ 50 tuổi. Tính đến tháng 12/2021, có khoảng 12.000 người cao tuổi đã sử dụng HASU để tập thể dục, giải trí và kết nối.
Ngoài HASU, Thùy Anh cũng là người sáng lập Aligo Kids – nền tảng dạy kỹ năng và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em thông qua phim hoạt hình tương tác; Aligo Media - công ty truyền thông chuyên về thiết kế thương hiệu và sản xuất phim hoạt hình; Hộp ký ức - Dự án giúp các gia đình và cá nhân viết cuốn sách của riêng mình để dành tặng những người yêu thương.
Mới đây, Thùy Anh được chọn là một trong 16 Đại sứ trẻ toàn cầu của Samsung với Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP quảng bá cho các Mục tiêu Phát triển bền vững.
- Nhìn vào profile của Thùy Anh, có một điều tôi rất thắc mắc là tại sao các dự án khởi nghiệp của chị - một cô gái trẻ, xinh đẹp và có bằng MBA tại Mỹ đều là các dự án vì cộng đồng?
- Tôi nghĩ tất cả nhà sáng lập của các công ty khởi nghiệp đều mang trong mình sứ mệnh đi tìm lời giải cho các vấn đề trong cuộc sống. Vấn đề đó có thể đến từ bất kỳ đâu, từ con người, từ môi trường xung quanh, hay từ trải nghiệm của chính bản thân chúng ta...
Trong quá khứ, tôi đã nhiều lần đứng trước những cú sốc có thể bị mất hoặc chia tay người thân. Những trải nghiệm đó khiến tôi nhận ra từ rất sớm rằng tiền bạc có nhiều đến đâu cũng không thể mua được sức khoẻ, thời gian hay sự hạnh phúc. Bản thân tôi sống đơn giản, chỉ cần đủ cơm ăn, chỗ ở và cuộc sống ổn định cho gia đình – điều mà từ rất lâu tôi đã đạt được rồi – thì tất cả nhu cầu khác với tôi không quá quan trọng.
Tôi mong rằng ngày nào mình còn sống trên đời, mình sẽ sống thật ý nghĩa ngày đó. Vì vậy bản thân tôi không đặt chuyện tiền bạc quá nặng nề mà chính "sứ mệnh" phục vụ cộng đồng là kim chỉ nam giúp cho tôi cũng như tổ chức vượt qua được những thời điểm nản lòng hoặc khó khăn.
Còn tất nhiên, với tôi việc làm dự án xã hội không hề đồng nghĩa với việc mình sẽ phải sống nghèo. Làm dự án xã hội chính là vừa làm giàu, vừa góp phần xây dựng xã hội, và khi giàu có mình có thể mang sự giàu có đó chia lại cho xã hội.
Tôi muốn kể một câu chuyện nhỏ: cách đây 10 năm khi mẹ tôi thấy tôi vật lộn mang đồ lên miền núi xây dựng thư viện, mẹ đã nói một câu mà tôi không bao giờ quên được: "Con có thể dành thời gian bê từng thùng mì tôm lên giúp một gia đình, nhưng hãy nhớ là thời gian đó con có thể học, phát triển, làm giàu và giúp cho hàng triệu gia đình khác". Điều đó đã hình thành niềm tin, lối sống, cách tư duy của tôi những năm sau này.
- Sau khi tốt nghiệp MBA tại Mỹ, Thùy Anh có cơ hội làm việc tại một công ty đầu tư tài chính tại phố Wall. Lý do gì khiến chị từ bỏ và về Việt Nam khởi nghiệp?
- Lúc ban đầu, giống như các sinh viên khác, tôi cũng thử sức mình tìm kiếm cơ hội ở nhiều công ty, tổ chức khác nhau. Có một lần tôi tham gia vào một cuộc thi tuyển dụng và trở thành một trong 3 người xuất sắc nhất (xác suất là chọn một trong khoảng 1.500 người đăng ký tham gia) với đặc quyền được chọn bất kỳ tổ chức nào trong 100 tổ chức NGO lớn nhất của Mỹ để đến thực tập. Một lần khác, tôi "apply" vào một công ty đầu tư tài chính tại phố Wall và trúng tuyển. Lúc đầu tôi cũng rất vui sướng và thấy mấy việc đó thật "ngầu", nhưng rồi khi có thời gian suy nghĩ kỹ lưỡng hơn thì cả hai lần tôi đều lựa chọn từ bỏ các cơ hội đó để về Việt Nam.
Lý do đầu tiên là tôi luôn muốn chọn Việt Nam làm nơi sinh sống và cống hiến, thấy cơ hội nào tôi cũng nghĩ là sẽ mang về để làm ở Việt Nam. Lý do thứ hai là với tính cách của mình, khi chọn tập trung vào việc gì tôi sẽ bỏ hết rào cản xung quanh để làm việc đó một cách nghiêm túc nhất.
Nhiều người nói tôi có thể kiếm thật nhiều tiền ở Mỹ để mang về nước, nhưng tôi sợ rằng sau một vài năm tập trung vào 4 cái màn hình máy tính văn phòng ở phố Wall thì tôi sẽ không còn trí óc, sự tập trung, minh mẫn để dành cho công việc xã hội tại Việt Nam và bỏ qua nhiều điều quan trọng.
- Ý tưởng về một ứng dụng dành cho người cao tuổi đã đến với Thùy Anh như thế nào?
- Có lẽ nhiều người không biết, HASU trong tiếng Nhật có ý nghĩa là "Hoa sen", tượng trưng cho sự thanh khiết, từ bi, vô thường và hướng thiện. Khi đặt cái tên này tôi nghĩ nhiều đến những người cao tuổi và đặc biệt là ông ngoại, một trong hai người thân yêu nhất của tôi.
Ông ốm bệnh phải ở nhà gần 10 năm và trong thời gian đó tôi có thể được coi là người ở bên ông và chia sẻ cùng ông nhiều nhất. Ông luôn vui vẻ, trìu mến yêu thương, hy sinh cho tất cả mọi người trong gia đình và chẳng bao giờ kêu than bất kỳ chuyện gì cả kể khi đau đớn. Vì thế nên khi ông phát hiện có khối u to như nắm tay ở trong phổi, bệnh viện cũng như gia đình tôi đều sững sờ vì sự thể hiện của ông không có vẻ gì là đau đớn.
Ông luôn giấu những nỗi đau vào trong và luôn nói với cả nhà rằng "không sao đâu". Đến giờ ông mất đã được 10 năm rồi, khi đó tôi chỉ là một đứa trẻ, tôi cũng không còn cơ hội để cố gắng hết sức khiến cho ông được khoẻ mạnh hơn, phát hiện bệnh sớm hơn, vui vẻ hơn, bớt cô đơn hơn... nhưng dù muộn với mình tôi cũng muốn làm điều gì đó cho những người cao tuổi khác và gia đình của họ.
- Startup của chị đã làm được những gì kể từ khi thành lập?
- Thời gian hơn 2 năm Covid-19 là quãng thời gian vô cùng khủng khiếp đối với người cao tuổi mà nhiều khi chúng ta không để ý. Dịch bệnh ảnh hưởng tới tất cả mọi người, nhưng hãy tưởng tượng những người cao tuổi là những người sức khỏe thể chất bị ảnh hưởng nặng nhất, tinh thần chịu áp lực khủng khiếp nhất do không thể kết nối được với xã hội, bạn bè hoặc những người thân khác, liên tục trong thời gian dài.
HASU cũng đã làm rất nhiều công tác có thể, tổ chức các lớp học offline, online, qua mạng lưới đối tác... để hướng dẫn người cao tuổi cách bảo vệ sức khoẻ và sử dụng điện thoại thông minh để cập nhật tin tức, học tập, kết nối, tập luyện để khoẻ mạnh hơn... và họ cũng có thể làm điều đó trên ứng dụng HASU. Nhìn thấy người cao tuổi tụ họp với nhau để cùng tập luyện online và trò chuyện vui vẻ chính là động lực lớn nhất của tôi cũng như cả team trong suốt thời gian dịch bệnh vừa qua.
Hiện nay HASU cũng đã được rất nhiều tổ chức và hiệp hội uy tín như Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, Hội người cao tuổi Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam... bảo trợ và sử dụng ứng dụng HASU trong mạng lưới. HASU cũng được rất nhiều giải thưởng trong nước, quốc tế và cho đến nay đã được Liên hợp quốc toàn cầu và Samsung toàn cầu giới thiệu như một ví dụ tiêu biểu về tác động xã hội trên thế giới.
- Ngoài HASU, các dự án khởi nghiệp khác của Thùy Anh như Aligo Kids; Aligo Media; Hộp ký ức có đang hoạt động?
- Aligo Kids là dự án giáo dục trẻ em về phòng chống xâm hại mà tôi sáng lập năm 2017 đã tạm thời ngừng lại do tác động của Covid-19 không thể đến được nhiều trường cũng như do sự thiếu hụt về nhân sự. Tuy nhiên, với tôi đây là dự án rất ý nghĩa mà tôi đặt rất nhiều tâm tư tình cảm vào đó. Tôi hy vọng có thể tiếp tục hoạt động trở lại khi có thêm các đối tác, nhà đầu tư mong muốn cùng tham gia để có thể lan rộng ảnh hưởng, bảo vệ nhiều trẻ em hơn nữa.
Dự án Aligo Media là Agency chuyên về hoạt hình và truyền thông xã hội, và Hộp ký ức là dự án viết và thiết kế sách cho các cá nhân, vẫn hoạt động bình thường dưới sự dẫn dắt của những cộng sự của tôi. Còn thời gian của tôi hiện nay tập trung chủ yếu cho HASU và đang đầu tư vốn vào một số giải pháp nữa.
- Chị lấy vốn từ đâu để vận hành các dự án khởi nghiệp của mình?
- Trước khi mở công ty khởi nghiệp đầu tiên, tôi từng làm rất nhiều công việc khác như làm cho đài truyền hình, làm văn phòng, kinh doanh riêng... và có để dành được số vốn không nhỏ. Phần lớn chi phí ăn ở, sinh hoạt khi đi du học cũng là tôi tự chi trả. Sau khi học học thạc sĩ và trở về Việt Nam, tôi luôn đầu tư trên 50% hoặc 70% cho các dự án. Số vốn còn lại là các đồng sáng lập và nhà đầu tư thiên thần của tôi góp lại. Hai trong số các dự án của tôi đã có lợi nhuận.
- Được biết, thời gian còn học tại Mỹ, chị từng có đến 8 công việc làm thêm và tích lũy được 2 tỷ đồng để dành cho việc khởi nghiệp?
- Thời điểm đó, tôi muốn thử sức mình ở nhiều công việc khác nhau và cũng để có thể tiết kiệm cho sau này. Vì vậy, tôi đã làm thêm tại 3 văn phòng: trợ giảng cho giáo sư bộ môn tài chính, trợ lý chủ tịch ban học thuật trường Adelphi University và chuyên viên tổ chức sự kiện đa văn hoá. Ngoài ra khi không làm văn phòng tôi có đi làm nhà hàng, hỗ trợ vận hành cho hai chuỗi Airbnb, đi trông trẻ vào cuối tuần, mở một shop bán hàng xách tay cao cấp và làm giấy tờ thuế cho du học sinh.
- Làm rất nhiều công việc cùng một lúc có khiến chị gặp khó khăn hoặc áp lực?
- Làm nhiều công việc cùng một lúc khi quen rồi tôi thấy cũng bình thường. Từ nhỏ tôi đã được định hướng tạo cho mình thói quen có thể làm hai công việc một lúc, rồi tăng dần lên 3,4,5... Khi mình sắp xếp được những công việc đó vào từng ngăn và cấu trúc để các công việc hỗ trợ lẫn nhau thì mọi thứ sẽ diễn ra trôi chảy mà mình sẽ không phải chật vật nhiều.
Trong quá khứ có thời điểm tôi làm đến 8 công việc khác nhau một lúc, và những công việc đó đem lại cho tôi rất nhiều góc nhìn cũng như kinh nghiệm phong phú, khả năng quyết định và sắp xếp mọi thứ rất nhanh. Tuy nhiên, để mọi thứ bền vững hơn trong một công ty thì việc quan trọng nhất luôn luôn phải làm chính là chia sẻ và trao quyền.
Cách đây 4 năm khi mới khởi nghiệp tôi cũng làm hùng hục cả tuần từ sáng đến đêm, nhưng giờ tôi có các anh chị em cộng sự đáng tin cậy và nhiều người còn giỏi hơn tôi nhiều, để cùng chia sẻ và cáng đáng các mảng công việc. Giờ tôi và tất cả mọi người chỉ còn làm việc trong giờ hành chính. Tôi nghĩ mình sẽ không làm được gì cả nếu không có các cộng sự, đối tác và nhân viên thân thiết bên cạnh.
- Thùy Anh là đại diện duy nhất của Việt Nam trong số 16 Đại sứ toàn cầu vừa được Samsung và UNDP chọn để quảng bá về các Mục tiêu Phát triển bền vững. Chị có thể chia sẻ thêm về chương trình này?
- Khi thực hiện dự án HASU thì tôi nghĩ rằng, những vấn đề của người cao tuổi như sức khoẻ, tâm lý, mất kết nối xã hội cũng như bị chậm về công nghệ không chỉ là của người Việt Nam mà ở bất cứ đâu trên thế giới người cao tuổi cũng có những vấn đề như vậy. Một mình đơn vị của tôi cũng khó làm được điều gì to tát nên tôi rất chăm đi trình bày và kết nối tại các diễn đàn trong nước, quốc tế để tìm kiếm đối tác cũng như giải pháp.
Cũng rất may mắn khi tôi được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc khu vực châu Á để mắt tới và giới thiệu với đối tác Samsung Toàn cầu. Tôi cũng rất bất ngờ khi tháng 12 năm ngoái, tôi nhận được email từ UNDP và Samsung đề nghị tôi làm một trong các gương mặt lãnh đạo trẻ của chương trình Generation17.
Generation17 là một sáng kiến hợp tác giữa UNDP và Samsung để chọn ra các gương mặt đại diện cho 17 mục tiêu phát triển bền vững, đại diện tham gia các diễn đàn toàn cầu để kể câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và kêu gọi các chính phủ, công ty, tổ chức, cá nhân cùng góp sức chung tay để biến những mục tiêu đó trở thành hiện thực vào năm 2030. Tôi là đại diện duy nhất được chọn từ Việt Nam và đại diện cho mục tiêu SDG số 03: Đảm bảo sức khoẻ và hạnh phúc cho tất cả mọi người.
- Nhiều bạn trẻ đặt mục tiêu mua nhà, xe hơi hoặc trở thành triệu phú trước tuổi 30. Thùy Anh có đặt ra những mục tiêu về tài chính như vậy cho bản thân mình?
- Khi còn 21 - 22 tuổi, tôi đã từng đặt ra mục tiêu phải làm giàu vì tôi mong muốn bố mẹ, ông bà và gia đình có được cuộc sống tốt hơn. Hồi nhỏ gia đình tôi không được dư dả nên tôi vẫn nhớ là mẹ đã rất vất vả.
Nhưng khi trưởng thành thì tôi nhận thấy điều ba mẹ cần nhất ở mình không phải là tiền bạc mà là tôi trở thành con người tử tế, có ích cho xã hội thì họ sẽ thấy tự hào và yên tâm. Có tiền rồi mà sống không có ích thì đó cũng là cuộc sống vô nghĩa. Tất nhiên đủ cơ bản cho gia đình mình ăn uống, đi học, khám chữa bệnh là cần thiết. Tôi cũng muốn sau này con cái mình có môi trường như vậy để trưởng thành vì tôi thấy bản thân mình cũng là người hạnh phúc.
Về mục tiêu tài chính cụ thể thì công ty của tôi có nhưng cá nhân tôi thì không. Đây là giai đoạn đầu tư và mở rộng vì vậy tôi vẫn đang tập trung tài chính của mình vào sự phát triển của HASU.
- Từng chia sẻ rằng "Khi khởi nghiệp đừng mơ mộng quá", vậy mục tiêu trong tương lai của chị với HASU và các dự án khởi nghiệp khác là gì?
- Trong tương lai gần tôi mong muốn tập trung phát triển HASU thành một giải pháp toàn diện hơn. Đồng thời, tôi cũng hy vọng có thêm sự tham gia và đồng hành của các nhà đầu tư, đối tác trong và ngoài nước để mở rộng HASU ở Việt Nam cũng như sớm góp mặt các nước phát triển có dân số già.
Bài: Diệu Tuyết
Thiết kế: Bảo Linh
Người đồng hành