MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ả-rập Saudi giảm xuất khẩu dầu thô: "Gậy ông" có thể lại đập "lưng ông"

10-08-2017 - 07:00 AM | Thị trường

Ả-rập Saudi tuyên bố sẽ cắt giảm lượng dầu xuất khẩu nhưng liệu quyết định này của họ có tác dụng ngược?

Tập đoàn dầu khí quốc gia Ả-rập Saudi Aramco mới đây tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu thô sang toàn bộ thị trường trên thế giới trong tháng 9. Quy mô đợt cắt giảm dự kiến khoảng 520.000 thùng/ngày, theo một nguồn tin trong ngành cho hay.

Động thái này là một phần nằm trong nỗ lực của Ả-rập Saudi trong việc thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng. Theo đó, quốc gia xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới này đã cam kết cắt giảm khoảng 486.000 thùng/ngày.

10 quốc gia châu Á sẽ nằm trong diện thắt chặt xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi.

Công sức "đổ bể"?

Chuyên gia Stephen Brennock nhận định: "Quyết định mới về phân bổ lượng dầu cho châu Á của Ả-rập Saudi cho thấy sự tín nhiệm của quốc gia này trong việc nghiêm túc thực hiện thỏa thuận cắt giảm và làm bất cứ điều gì để bình thường hóa trữ lượng dầu trên toàn thế giới".

Tuy nhiên, ông Brennock cảnh báo rằng khách hàng châu Á sẽ buộc phải phụ thuộc vào các nước xuất khẩu dầu khu vực Đại Tây Dương để đáp ứng nhu cầu trong khu vực. Bên cạnh đó, Ả-rập Saudi còn phải đối mặt với nguy cơ để mất thị phần về tay Nga. Hơn thế nữa, việc Ả-rập Saudi cắt giảm phân bổ lượng dầu trên toàn thế giới chỉ có tác dụng ngắn hạn còn về tác dụng dài hạn thì chưa có điều gì đảm bảo. Đó còn chưa kể, một số quốc gia xuất khẩu dầu thô khác trong đó bao gồm Mỹ, Nga và Iran sẽ nhanh chóng tăng cường sản lượng và bù vào lượng dầu thô bị hụt.

Giá dầu Brent tăng khoảng 0,5% lên mức 52,63 USD/thùng vào sáng 08/8. Dầu WTI của Mỹ thì tăng 0,6% lên 49,68 USD/thùng.

Chuyên gia phân tích Ole Hansen nhận định: "Rõ ràng Ả-rập Saudi đang cố gắng chứng minh với mọi người rằng mình sẵn sàng là người tiên phong đi đầu trong nỗ lực đẩy giá dầu lên". Thế nhưng, quan điểm của ông cũng cho rằng quyết định cắt giảm xuất khẩu dầu thô của Ả-rập Saudi sẽ đối diện với rủi ro mất thị phần vô cùng lớn.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh các quốc gia trong và ngoài Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu thô OPEC đang họp tại Abu Dhabi để bàn về phương hướng tăng cường mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm khai thác 1,8 triệu thùng/ngày. Nhiều người tỏ ra thất vọng trước tính hiệu quả của thỏa thuận này khi trữ lượng dầu thô trên thị trường vẫn ở trên mức trung bình 5 năm.

Trước đó, hồi tháng 5, các nước đã tổ chức một cuộc họp nhằm thảo luận về đề xuất có nên kéo dài thỏa thuận cắt giảm và nâng mức hạn định cắt giảm lên trên mức 1,8 triệu thùng/ngày hay không. Tuy nhiên, kết quả cuộc họp lại không được như các nhà đầu tư kỳ vọng khi các nước chỉ nhất trí kéo dài thỏa thuận sang tháng 3/2018 mà không cắt giảm sâu hơn. Ngay sau đó, giá dầu giảm thay vì tăng giống như các chuyên gia phân tích kỳ vọng trước đó.

Câu hỏi đặt ra lúc này là liệu quyết định của Ả-rập Saudi có thực sự là hướng đi đúng đắn hay nó lại có tác dụng ngược?

Nếu Ả-rập Saudi cắt giảm sản lượng và tăng mức độ tuân thủ thỏa thuận cắt giảm, nước này còn đối diện với nguy cơ mọi nỗ lực bị phá vỡ bởi dầu thô của Mỹ. Hành động của quốc gia xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới có thể đẩy giá dầu lên cao nhưng điều này lại kích thích Mỹ tăng cường sản lượng khai thác. Bên cạnh đó, sản lượng khai thác của Libya và Nigeria phục hồi mạnh trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn. Trong tháng 7, sản lượng khai thác của Libya là 1,03 triệu thùng/ngày. Cùng lúc, sản lượng khai thác và lượng dầu xuất khẩu của OPEC bất ngờ tăng mạnh, chạm đỉnh năm 2017.

Điều này lại dẫn đến giá dầu quay đầu giảm xuống mức thấp như trước. Thậm chí ngay cả khi giá dầu giảm thì Mỹ vẫn sẽ tăng sản lượng bởi lẽ với công nghệ khai thác dầu đá phiến hiện đại, chi phí khai thác thấp thì vẫn có lãi. Như vậy, công sức của Ả-rập Saudi coi như "đổ bể" trong khi nước này lại mất thị phần. Sau tất cả, dường như người được hưởng lợi vẫn là các nước biết tận dụng thời cơ như Mỹ, Nga, Iran...

Theo Đức Quỳnh

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên