MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ả Rập Xê Út nối lại tham vọng soán ngôi toà tháp cao nhất thế giới của Dubai: Công trình cao 1 km mọc lên từ cát, chi phí 31.000 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế mới

28-09-2023 - 09:58 AM | Tài chính quốc tế

Ả Rập Xê Út nối lại tham vọng soán ngôi toà tháp cao nhất thế giới của Dubai: Công trình cao 1 km mọc lên từ cát, chi phí 31.000 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế mới

Một khi được hoàn thiện, toà tháp của Ả Rập Xê Út sẽ cao hơn tháp Burj Khalifa ở Dubai 170 m.

Các phương tiện truyền thông mới đây xác nhận Ả Rập Xê Út sẽ nối lại hoạt động xây dựng toà tháp cao nhất thế giới. Vương quốc có tham vọng soán ngôi toà tháp dẫn dầu hiện tại là Burj Khalifa ở Dubai. Dự án này khởi công vào năm 2013 và đột ngột dừng lại vào năm 2017.

Các quốc gia Trung Đông đang đổ không ít tiền vào các dự án khổng lồ để thu hút du lịch và thúc đẩy kinh doanh, từ đó giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Điển hình trong số đó là Dubai, nhà vô địch của những cái nhất: lớn nhất, lâu nhất, đắt nhất.

Ả Rập Xê Út cũng không muốn bị bỏ lại trong cuộc đua này nên đã thực hiện một dự án lớn. Tháp Jeddah của Saudi Arabia nằm giữa hai thánh địa Mecca và Medina. Công trình trước đây có tên là Kingdom Tower, được thiết kế với vai trò là trung tâm của Thành phố Kinh tế Jeddah.

Ả Rập Xê Út nối lại tham vọng soán ngôi toà tháp cao nhất thế giới của Dubai: Công trình cao 1 km mọc lên từ cát, chi phí 31.000 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế mới - Ảnh 1.

Dự án này được công bố vào năm 2008. Hoàng tử Ả Rập Xê Út Alwaleed bin Talal khi đó tuyên bố toà tháp của vương quốc sẽ cạnh tranh ngôi vị cao nhất thế giới với Burj Khalifa.

Công ty Adrian Smith & Gordon Gill có trụ sở tại Mỹ là đơn vị thiết kế dự án Kingdom Tower. Việc xây dựng toà tháp này được ký kết với Tập đoàn Saudi Binladin địa phương (SBG).

Công ty Bauer của Đức thực hiện công việc đào móng đóng cọc cho toà tháp và quá trình này kéo dài hơn một năm. Việc xây dựng một công trình chọc trời, đặc biệt ở bên bờ biển, là một điều không hề dễ dàng. Các cọc bê tông có đường kính 3m và dài hơn một sân bóng đá, đồng thời phải chịu được độ mặn của nước biển. Hình dáng của toà tháp cũng sẽ thay đổi từng phần để giảm ảnh hưởng của gió.

Trong suốt vài năm sau, tiến độ thi công mới chỉ hoàn thành được 1/3 chiều cao toà tháp. Đến năm 2017, hoạt động xây dựng đột ngột dừng lại sau khi xây được 63/252 tầng tháp.

Ả Rập Xê Út nối lại tham vọng soán ngôi toà tháp cao nhất thế giới của Dubai: Công trình cao 1 km mọc lên từ cát, chi phí 31.000 tỷ đồng, hứa hẹn trở thành trung tâm kinh tế mới - Ảnh 2.

Hình ảnh công trình Tháp Jeddah đang được thi công. Ảnh:

Sau ngót nghét chục năm, dự án sẽ mang một sức sống mới và được gọi là Tháp Jeddah. Truyền thông địa phương cho biết các đơn vị tham gia dự án vẫn giữ nguyên, chỉ trừ SGB.

14 công ty trong nước và quốc tế như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển hiện đã được mời đấu thầu phần còn lại của dự án. Thời hạn ký hợp đồng được ấn định vào cuối năm nay.

Với chiều cao 1 km, Tháp Jeddah sẽ cao hơn toà Burj Khalifa 170 m, tương đương với việc xếp chồng 3 toà tháp Eiffel lên nhau. Tháp sẽ có tầng quan sát cao nhất thế giới, cao 664 m so với mặt đất, và hướng tới mục tiêu trở thành kỳ quan thế giới mới. Tuy nhiên, để biến công trình này trở thành trung tâm của hoạt động kinh tế, toà nhà khổng lồ này sẽ còn bao gồm một khách sạn 5 sao tên Four Seasons Hotel, văn phòng kinh doanh, hàng trăm căn hộ chung cư, trung tâm mua sắm…

Thang máy của tòa tháp sẽ có chiều cao kỷ lục dự kiến là 660 m với vận tốc khoảng 20 km/h. Như vậy, thang máy có thể đưa khách từ sảnh lên đến tầng 157 chỉ trong 66,5 giây.

Khi dự án được công bố vào năm 2008, kinh phí xây dựng Tháp Jeddah là 1,3 tỷ USD (hơn 31.000 tỷ đồng). Nhưng khi quá trình thi công kéo dài hơn một thập kỷ, chi phí xây dựng toà tháp cao nhất thế giới sẽ còn tăng lên.

Theo Dezeen, Interesting Engineering

Thiên Di

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên