Abenomics mất tác dụng, Nhật Bản xoay cách mới để kéo tăng trưởng?
Chương trình chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đứng trước một bước ngoặt...
Chương trình chấn hưng kinh tế mang tên Abenomics của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang đứng trước một bước ngoặt, khi tăng trưởng đuối dần và sự sụt giảm xuất khẩu do nhu cầu toàn cầu yếu đi bắt đầu lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế.
Theo hãng tin Reuters, thách thức này có thể buộc Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) phải tìm biện pháp mới để kích thích nền kinh tế trong năm 2020, trong khi dư địa chính sách cả về tài khóa và tiền tệ gần như không còn.
Abenomics đã giúp tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Nhật Bản đạt mức 540 nghìn tỷ Yên, tương đương 4,9 nghìn tỷ USD, tăng 8,6% so với mức của năm 2012 - thời điểm Abenomics bắt đầu được triển khai. Dựa trên chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và các chương trình chi tiêu công mạnh tay, chương trình kích cầu nền kinh tế của ông Abe đã giúp đồng Yên xuống giá, theo đó cải thiện lợi nhuận cho các công ty xuất khẩu của Nhật Bản và đưa thị trường chứng khoán nước này đi lên.
Tuy nhiên, loạt số liệu gần đây cho thấy, nhu cầu trong nước của Nhật Bản đang yếu đi. Sau khi Chính phủ Nhật tăng thuế bán hàng (sales tax) vào tháng 10, doanh thu của các bách hóa tổng hợp ở nước này trong tháng 10 giảm mạnh hơn dự báo và doanh số thị trường ôtô tháng 11 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Công nghiệp ô tô, một ngành chủ lực của kinh tế Nhật, đang gặp khó, thể hiện qua sản lượng suy giảm do nhu cầu mua xe trượt dốc cả ở trong và ngoài nước. Trong tháng 10, sản lượng ô tô của Nhật Bản giảm mạnh nhất gần 2 năm.
Cùng với đó, tăng trưởng tiền lương của người lao động ở Nhật Bản được dự báo sẽ yếu đi, đặt ra một nguy cơ mới đối với hoạt động tiêu dùng.
Như một phản ứng dây chuyền, sự suy yếu của nền kinh tế khiến bức tranh tài chính quốc gia của Nhật Bản trở nên u ám. Sau 7 năm tăng trưởng, thu ngân sách từ thuế của Chính phủ Nhật trong tài khóa này có thể sẽ không đạt dự báo trong tài khóa hiện tại.
Bất chấp đợt tăng thuế bán hàng hồi tháng 10 và mức tăng gần 30% của thu ngân sách từ thuế so với năm 2012 lên hơn 60 nghìn tỷ Yên, giới chức Nhật Bản nói rằng ông Abe sẽ không đạt mục tiêu ngân sách mới nhất. Đây sẽ là một trở ngại không nhỏ đối với chiến lược của ông Abe muốn dựa vào tăng thu ngân sách từ thuế và lãi suất siêu thấp của BoJ để kiềm chế sự tăng trưởng của khối nợ công khổng lồ. Hiện nay, nợ của Chính phủ Nhật đã lớn gấp hơn 2 lần tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Khả năng chi tiêu công giảm xuống, nợ công tăng, cùng những cảnh báo về định hạng tín nhiệm quốc gia khiến triển vọng của Abenomics càng trở nên mờ mịt hơn.
"Những dấu hiệu cho thấy Chính phủ Nhật Bản không thể hạn chế những tổn thất dài hạn về kinh tế và tài khóa do dân số lão hóa có thể dẫn tới một động thái giảm điểm tín nhiệm", tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service cảnh báo hồi tháng 11.
Sức ép tài chính càng lớn hơn khi Chính phủ Nhật phải cắt giảm dự báo thu ngân sách từ thuế trong tài khóa hiện tại một khoản khoảng hơn 2 nghìn tỷ Yên so với mục tiêu ban đầu do ảnh hưởng của việc xuất khẩu giảm sút trong thương chiến Mỹ-Trung.
Để bù đắp cho sự thiếu hụt ngân sách, Chính phủ Nhật sẽ phải phát hành một lượng trái phiếu trị giá khoảng 2,2 nghìn tỷ Yên cho tài khóa hiện tại.
Tuy nhiên, giới chức Nhật Bản dường như không mấy lo lắng về tình hình tài khóa quốc gia. Điều này phản ánh một xu hướng toàn cầu dịch chuyển khỏi chính sách tiền tệ sang chính sách tài khóa trong việc kích thích tăng trưởng nền kinh tế, khi mà dư địa chính sách tiền tệ là rất hạn hẹp để ứng phó với bất kỳ cuộc khủng hoảng tài chính nào trong tương lai. Lãi suất ở nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, đang ở mức âm, trong khi lãi suất ở nhiều quốc gia khác cũng đang thấp kỷ lục.
VnEconomy