Ác mộng của nhân viên Xiaomi: Công ty sa thải hàng loạt khi chỉ hơn 10 ngày nữa là năm mới
Gã khổng lồ smartphone Trung Quốc cũng không nằm ngoài làn sóng sa thải hàng loạt trong làng công nghệ thời gian qua.
- 12-12-2022Chỉ 1 câu nói ‘chí mạng’, ông chủ Xiaomi thức tỉnh tay chơi khét tiếng, vươn mình lột xác thành tỷ phú: Thử ngẫm, chắc chắn hữu ích với bạn!
- 30-07-2022Dự án xe ô tô điện 10 tỷ USD của Xiaomi nguy cơ đổ bể
Theo tờ SCMP, gã khổng lồ smartphone Trung Quốc Xiaomi đã bắt đầu sa thải nhân viên ở nhiều bộ phận khác nhau. Thông tin này được chia sẻ dựa trên báo cáo của các phương tiện truyền thông Trung Quốc và bài đăng trên mạng xã hội của những nhân viên Xiaomi bị chấm dứt hợp đồng.
Như vậy, công ty có mục tiêu đầy tham vọng là lật đổ Apple khỏi vị trí số 1 toàn cầu vào năm 2024 cũng không nằm ngoài làn sóng sa thải hàng loạt trong làng công nghệ thời gian qua.
Ở Trung Quốc, sa thải thường được tiến hành dưới danh nghĩa “tối ưu hóa kinh doanh” để tránh sự giám sát của cơ quan lao động. Theo luật lao động của Trung Quốc, việc sa thải từ 20 người trở lên phải có văn bản chuyển lên chính quyền địa phương.
Một đại diện của Xiaomi cho biết trong một tuyên bố ngày 20/12 rằng công ty đã thực hiện “tối ưu hóa nhân sự toàn thời gian và hợp lý hóa tổ chức” với “dưới 10% tổng lực lượng lao động” bị ảnh hưởng.
Xiaomi có 35.314 nhân viên tính đến ngày 30 tháng 9, với hơn 32.000 người ở Trung Quốc, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý III của hãng. Như vậy, trong đợt sa thải hàng loạt này, có khoảng 5.000 nhân viên Xiaomi bị ảnh hưởng.
Một văn phòng của Xiaomi.
Báo cáo của hãng truyền thông Trung Quốc Jiemian cho biết Xiaomi sẽ cắt giảm nhân sự trong một số đơn vị kinh doanh smartphone và dịch vụ Internet. Những người bị sa thải đã được nhận một khoản lương thưởng.
Xiaomi bắt đầu cắt giảm nhân sự trong bối cảnh doanh số bán hàng yếu hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở Trung Quốc và chi tiêu của người tiêu dùng chậm lại. SCMP cho biết động thái mới nhất của công ty có thể ảnh hưởng đến hàng ngàn công nhân, nhiều người trong số đó mới gia nhập từ đợt tuyển dụng bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái.
Một số nền tảng truyền thông xã hội của Trung Quốc, bao gồm Weibo, Xiaohongshu và Maimai, đã tràn ngập các bài đăng về việc cắt giảm việc làm của Xiaomi, gây ra không ít lo ngại mới về tương lai của lĩnh vực công nghệ Trung Quốc.
Tin tức trên xuất hiện chỉ vài ngày sau khi Xiaomi ra mắt hai mẫu smartphone Xiaomi 13 và Xiaomi 13 Pro, được trang bị bộ vi xử lý chip di động Snapdragon 8 Gen 2 do Qualcomm của Mỹ sản xuất bất chấp sự suy yếu trong thị trường điện tử tiêu dùng của Trung Quốc.
Sự kiện lần này được coi là nỗ lực của Xiaomi trong việc tăng doanh số cũng như tính cạnh tranh với các đối thủ, trong đó có Apple và các hãng sản xuất smartphone nội địa.
Tại buổi lễ ra mắt, nhà đồng sáng lập Lei Jun cho biết Xiaomi tiếp tục coi iPhone là đối thủ cạnh tranh chính và gọi đây là tiêu chuẩn của ngành. Bên cạnh đó, Lei còn cam kết sẽ “can đảm và quyết tâm” theo kịp cuộc chiến với các mẫu iPhone mới của Apple.
Trong quý III/2022, các lô hàng smartphone toàn cầu đã giảm 9% so với cùng kỳ xuống còn 297,8 triệu chiếc, trong đó các lô hàng ở Trung Quốc giảm 11% xuống còn 70 triệu chiếc, theo công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
Xiaomi, nhà cung cấp điện thoại thông minh lớn thứ năm tại thị trường Trung Quốc với 13% thị phần trong quý III/2022, đã chứng kiến doanh thu giảm 9,7% so với cùng kỳ xuống còn 70,47 tỷ nhân dân tệ (10,1 tỷ USD). Trong khi đó, lợi nhuận ròng của công ty đã giảm 59,1% xuống còn 2,21 tỷ nhân dân tệ.
Nguồn: SCMP
Nhịp sống thị trường