ACB thu hồi được ít nhất 100 tỷ đồng nợ liên quan đến bầu Kiên trong quý I
Kế hoạch của ACB trong năm 2016 là giải quyết ít nhất 1.000 tỷ đồng từ các khoản nợ của nhóm G6 liên quan đến bầu Kiên, trong đó 200 tỷ đồng đã được ghi nhận dự phòng và ít nhất 100 tỷ đồng đã được thu hồi trong quý 1/2016.
Quý 1/2016, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng 7,6% so với thời điềm cuối năm 2015, đây là tốc độ tăng trưởng tín dụng quý 1 cao nhất kể từ năm 2009. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM) cũng diễn biến tích cực khi so sánh với cả quý 1/2015 và cả năm 2015, tăng lên 3,2% so với 3,1% trong cả hai kỳ so sánh. Xét về tổng thể, chi phí dự phòng quý 1/2016 đạt tổng cộng 436 tỷ đồng, so với 295 tỷ đồng trong quý 1/2015.
Thu nhập lãi ròng (NII) đóng góp phần lớn trong mức tăng lợi nhuận với lợi nhuận 13,8% hàng năm, trong khi thu nhập ngoài lãi (non NII) giảm 47,2% trong quý 1/2016. Khoản mục thu nhập ngoài lãi ảnh hưởng từ ghi nhận dự phòng cho trái phiếu của “nhóm 6 công ty” liên quan đến bầu Kiên. Theo tính toán của CTCK Bản Việt (VCSC), non-NII của ACB sẽ tăng 43,6% nếu không tính đến khoản dự phòng này.
Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2016 của ACB là 18% và ngân hàng đã đạt được 7,6% sau 3 tháng đầu tiên. Tuy nhiên, theo quan điểm của VCSC, thực tế việc ACB không xóa nợ xấu trong quý 1/2016 cũng có vai trò trong tăng trưởng tín dụng.
"Trong vài tháng tới, ACB có thể xóa nợ xấu hoặc Ngân hàng Nhà nước có thể tăng thêm hạn mức tín dụng cho ngân hàng vào cuối năm nay. Trong cả 2 trường hợp trên, sẽ đều có thêm dự địa để tiếp tục giải ngân khoản vay và do đó, thu nhập lãi ròng sẽ gia tăng thêm trong năm nay", chuyên gia VCSC nhận định.
Vấn đề lớn nhất của ACB hiện nay là xử lý nợ xấu liên quan đến “nhóm 6 công ty” của bầu Kiên, GP Bank và Ngân hàng Xây Dựng.
Đối với nhóm nợ G6 liên quan đến bầu Kiên, ACB đã đặt ra mục tiêu thu hồi khoản phải thu hoặc ghi nhận dự phòng trong vòng 3 năm tới, kéo dài từ 2016-2018 và đặt mục tiêu 1.000 tỷ đồng (45 triệu USD). Trong vòng 3 tháng đầu tiên, đã có ít nhất 100 tỷ đồng (4 triệu USD) được thu hồi và 200 tỷ đồng (9 triệu USD) chi phí dự phòng được ghi nhận trong báo cáo tài chính. Do đó, trong quý 1/2016, ngân hàng đã hoàn thành 30% kế hoạch của năm nay.
Khoản tiền gửi liên ngân hàng tại GP Bank vẫn không đổi vào thời điểm cuối quý 1/2016 là 772 tỷ đồng (35 triệu USD). Tuy nhiên, trong tháng 4, ACB đã hoán đổi hơn 500 tỷ đồng (22 triệu USD) với các tài sản khác của GP Bank. Theo trao đổi, lãnh đạo của ngân hàng cho biết các tài sản này là trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất trung bình 9,2%.
Khoản phải thu từ CBBank là 400 tỷ đồng (18 triệu USD), ngân hàng này hiện đang chịu sự giám sát của NHNN, NHNN đã đồng ý hoàn trả cho ACB trong vòng 5 năm theo phương án thanh toán định kỳ với lãi suất 2%/năm, do đó, khoảng 88 tỷ đồng (4 triệu USD) sẽ được thanh toán trong năm đầu tiên. ACB cũng có kế hoạch tái phân loại khoản nợ này thành nợ Nhóm 1 khi CBBank bắt đầu thanh toán, đồng nghĩa với khoản dự phòng 176 tỷ đồng (8 triệu USD) sẽ được hoàn nhập, và ACB cũng sẽ bắt đầu ghi nhận lãi dự thu. Trong trường hợp này, báo cáo KQKD sẽ được ghi tăng khoảng 184 tỷ đồng (8 triệu USD), là các khoản doanh thu liên quan đến CBBank. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, CBBank chưa thanh toán cho ACB.
Mới đây, ACB công bố sắp phát hành 8.000 trái phiếu đợt 1 (loại không có đảm bảo) với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu.
Trái phiếu có thời hạn 5 năm 1 ngày. Lãi suất được trả hàng năm và quý. Nếu trả hàng năm trong 2 năm đầu lãi cố định 8,5% còn năm thứ 3 trở đi áp dụng lãi suất thả nổi. Nếu lãi trả hàng quý trong 2 năm đầu lãi cố định 8,2%, năm thứ 3 trở đi thả nổi.
Khối lượng vốn ACB cần huy động là 800 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn cấp 2 và vốn tự có; giúp ngân hàng đa dạng hóa kênh huy động vốn, hạn chế rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất do chênh lệch kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và việc sử dụng vốn, đồng thời hướng tới phục vụ khách hàng.
Trí Thức Trẻ