ACB tiên phong hoàn thành Khung Quản lý rủi ro Lãi suất và thị trường theo chuẩn quốc tế
Ông Võ Văn Hoàng – Giám Đốc Quản Lý Rủi Ro ACB – đón chứng nhận hoàn thành từ đại diện PwC
Ngày 8.12.2023, PwC đã đánh giá và công nhận ACB tuân thủ đầy đủ các quy định tại Basel III đối với Quản lý rủi ro Lãi suất trên sổ ngân hàng (QLRRLSTSNH) và Basel II đối với Quản lý rủi ro thị trường (QLRRTT). Đây là cơ sở giúp ACB phát triển hiệu quả và vững chắc, đặc biệt trước bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động và bất ổn.
ACB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo một số chuẩn mực quốc tế và theo quy định của NHNN tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN. Để hoàn thành dự án rà soát Khung Quản trị RRLSTSNH và Khung Quản trị RRTT, ACB đầu tư chuyên nghiệp vào nguồn lực, dữ liệu và hệ thống. Từ đó, tiếp tục củng cố và tăng cường lòng tin của các cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan giám sát và khách hàng đối với ngân hàng.
Ông Võ Văn Hoàng – Giám Đốc Quản Lý Rủi Ro ACB cho biết: “Bằng việc liên tiếp hoàn thành các quy trình quản lý khắt khe theo chuẩn quốc tế và yêu cầu của NHNN, ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường”.
Khung QLRRLSTSNH liên quan đến biến động lãi suất ảnh hưởng đến sổ Ngân hàng làm thay đổi giá trị kinh tế và ảnh hưởng đến thu nhập lãi ròng. Đánh giá và đo lường rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng bao gồm các hoạt động liên quan đến việc lựa chọn mô hình và phương pháp đo lường tác động của rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng thông qua tác động đến giá trị kinh tế của vốn chủ sở hữu (EVE - Economic value of Equity) và thông qua tác động đến lợi nhuận thông qua thu nhập lãi thuần (NII - Net Interest Income). Tại Việt Nam, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng là một trong những rủi ro trọng yếu trong hoạt động kinh doanh ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Khung QLRRTT liên quan đến biến động của giá cả thị trường bao gồm rủi ro lãi suất và cổ phiếu trên sổ Kinh doanh, rủi ro Ngoại hối, Hàng hóa. Ba nội dung quan trọng của Khung QLRRTT đã được ACB hoàn thành là Khung quản trị Rủi ro thị trường nội bộ theo Basel II; (ii) Định giá, đo lường RRTT theo IMA (Internal Model Approach) của Basel II; (iii) Tính vốn yêu cầu Rủi ro thị trường theo SSA (Simplified Standardised Approach) của Basel III.
Đối với Khung QLRRLSTSNH, ACB đã phát triển và áp dụng mô hình học máy đạt kiểm định của PwC để xác định hành vi khách hàng cho hành vi trả trước hạn khoản vay, tiền gửi rút trước hạn cũng như thử các mức độ chịu đựng của ngân hàng trước các tình huống rủi ro gồm nhiều cấp độ. ACB hiện đang sử dụng Chương trình RiskConfidence TM cho hoạt động quản lý rủi ro thanh khoản và RRLSTSNH để đảm bảo tính chính xác của các mô hình đo lường rủi ro, cải thiện khung kiểm định và quản trị mô hình vững chắc.
Bên cạnh đó, ACB thực hiện cải thiện công tác quản trị dữ liệu rủi ro cho RRTT và RRLSTSNH để đảm bảo tính chính xác, kịp thời và toàn diện của dữ liệu. Đồng thời, ACB tiếp tục bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự trong công tác xây dựng, vận hành khung quản trị RRTT, RRLSTSNH và kiểm định mô hình. Được biết, vào cuối năm 2022, ACB đã triển khai thành công quy trình đánh giá nội bộ an toàn thanh khoản theo tiêu chuẩn NHTW Châu Âu (ILAAP) và quy định Basel III (về QLRRTK và an toàn vốn).
Đại diện PwC đánh giá, ACB là tổ chức tiên phong triển khai các chuẩn mực tiên tiến của Ủy Ban Basel trong lĩnh vực ngân hàng về RRLSTSNH và RRTT. Bước tiến quan trọng này tiếp tục khẳng định nền tảng và mức độ trưởng thành cao trong công tác quản trị rủi ro, đưa Ngân hàng tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường, từ đó gia tăng giá trị cốt lõi lâu dài của ACB.
Thông qua việc hoàn thành 2 khung quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường, ACB tiếp tục khẳng định năng lực quản trị (Governance) là một trong ba thế mạnh lớn nhất của ngân hàng phát triển theo định hướng ESG.
Nhịp sống thị trường