ACBS: Kịch bản lạc quan, VN-Index sẽ đạt gần 1.500 điểm vào cuối năm
Đội ngũ phân tích dự phóng thu nhập của các doanh nghiệp tăng 15-20% trong kịch bản lạc quan, đồng thời thị trường bất động sản sẽ phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Chỉ số VN-Index tăng mạnh trong tháng 1/2023 cùng nhịp với thị trường toàn cầu. Tại báo cáo triển vọng tháng 2, Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng nguyên nhân khiến thị trường bứt phá đến từ việc các NHTW đã phát đi tín hiệu tốc độ thắt chặt CSTT chậm lại cũng như chỉ số vĩ mô của các nền kinh tế lớn đang ở thế vững chắc.
Đồng thời, kết quả lợi nhuận thấp trong quý 4/2022 đã đưa định giá thị trường lên con số cao hơn với các dự báo trước đó. Song, P/E của VN-Index vào cuối tháng 1 ở mức 14,2x, vẫn thấp hơn mức trung bình 15,5x của các thị trường ASEAN và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu ROE thuộc nhóm cao nhất so với các thị trường trong danh sách theo dõi của CTCK này.
Trên quan điểm thận trọng, ACBS kỳ vọng tăng trưởng EPS năm 2023 của VN-Index là 11,7%, thấp hơn mức trung bình 12,8% các thị trường ASEAN. Đội ngũ phân tích cũng kỳ vọng P/E cho năm 2023 ở mức 11,2 lần vẫn hấp dẫn nhà đầu tư tích lũy cổ phiếu ở mức định giá tương đối thấp. Chứng khoán ACB đưa ra 3 kịch bản với thị trường đến cuối năm 2023.
Tại kịch bản cơ sở, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, lợi nhuận doanh nghiệp tăng khoảng 10-12% đi kèm tâm lý cải thiện hơn so với năm 2022. Ngoài ra, các nỗ lực chống tham nhũng sẽ giảm bớt, thị trường tín dụng sẽ bình thường hóa.
ACBS giả định rằng khó khăn vĩ mô toàn cầu phần lớn sẽ lắng xuống vào cuối năm khiến các NHTW hoàn thành chu kỳ thắt chặt tiền tệ, điều này làm giảm áp lực lên VND và cho phép NHNN xem xét chính sách tiền tệ nới lỏng hơn. Theo đó, VN-Index có thể giao dịch quanh mức 1.200 điểm vào cuối năm 2023, tương ứng P/E kỳ vọng khoảng 11,2 lần.
Trong kịch bản lạc quan, hoạt động đầu tư công diễn ra mạnh mẽ và thị trường bất động sản trong nước phục hồi nhanh hơn dự kiến. Thêm vào đó, dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào nước ta, cũng như các vấn đề tín dụng thị trường gặp phải sẽ được giải quyết.
Về vĩ mô, nền kinh tế toàn cầu sẽ kiểm soát được lạm phát trong nửa đầu 2023 và tâm lý nhà đầu tư sẽ cải thiện nhờ nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu.
Dựa trên các giả định này, ACBS dự phóng thu nhập của các doanh nghiệp tăng 15-20%, trong khi định giá trên thị trường có thể cao hơn hiện tại đưa chỉ số VN-Index tăng lên khoảng 1.500 điểm vào cuối năm 2023.
Tại kịch bản kém khả quan, lạm phát có thể tiếp tục ở mức cao cũng như các NHTW tiếp tục CSTT diều hâu kéo tăng trưởng toàn cầu đi xuống. Trong nước, GDP tiếp tục tăng trưởng song tốc độ có thể bị cản trở do niềm tin của người tiêu dùng thấp hơn ảnh hưởng tiêu dùng trong nước. Hơn nữa, lo ngại suy thoái tại các thị trường xuất khẩu chính ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất và thị trường tín dụng bị đình trệ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của lĩnh vực bất động sản.
Với kịch bản này, đội ngũ phân tích cho rằng thu nhập chỉ đạt mức tăng trưởng rất khiêm tốn trong khi các kênh đầu tư khá được ưa chuộng hơn. Điều này khiến chỉ số gần như đi ngang khi hết thúc 2023.
Nhịp sống thị trường