ACV có thể dùng hết tiền mặt tích luỹ cho dự án sân bay Long Thành
VNDirect ước tích lợi nhuận của ACV giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2025 khi sử dụng hết tiền mặt để phục vụ dự án sân bay Long Thành.
- 30-11-2020Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nộp phí theo quý kể từ 1/1/2022
- 30-11-2020Đề xuất nâng cấp 13,8 km quốc lộ 9 với kinh phí hơn 19 triệu USD
- 30-11-2020Dự báo xuất khẩu dệt may sẽ "về đích" 34 tỷ USD
Tháng 11/2020, Thủ tướng Chính phủ giao dự án Sân bay Quốc tế Long Thành giai đoạn 1 cho ACV làm chủ đầu tư. Đây là đại dự án có tổng mức đầu tư 3 giai đoạn là 15 tỷ USD với công suất là 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Giai đoạn 1 của dự án có thể phục vụ 25 triệu lượt khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Chi phí đầu tư của ACV cho giai đoạn 1 ước tính khoảng 4,3 tỷ USD (99.000 tỷ đồng) và dự kiến khởi công vào tháng 12 này, hoàn thành vào năm 2025.
Báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, bước vào giai đoạn cao điểm đầu tư ACV dự kiến tài trợ Long Thành giai đoạn 1 với 1,5 tỷ USD vốn tự có và 2,7 tỷ USD bằng vốn vay, do đó ACV có thể sẽ phải sử dụng toàn bộ số tiền tích lũy được trong 5 năm qua. Thu nhập lãi tiền gửi của ACV dự báo sẽ giảm đáng kể với tốc độ tăng trưởng hằng năm kép - CAGR 2020-2025 là - 44,3%, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận khi thu nhập lãi đóng góp lần lượt 16%/17%/79% vào lợi nhuận trước thuế các năm 2018/19/20.
"Chúng tôi ước tính ACV sẽ huy động khoảng 60.000 tỷ đồng thông qua vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu, đưa tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu (D/E) từ 0,4 lần năm 2020 lên 1,3 lần năm 2025" - nhóm phân tích VNDirect nhận định.
Diễn giải cụ thể, nhóm phân tích cho rằng, sân bay Quốc tế Long Thành là một siêu dự án, tuy tốn kém nhưng cần thiết. Cảng hàng không quốc tế Long Thành là một dự án quan trọng trong kế hoạch dài hạn của ACV. So với các sân bay khác trong khu vực, VNDirect cho rằng tổng chi phí/công suất của Sân bay quốc tế Long Thành ở mức trung bình. Tuy nhiên, suất đầu tư giai đoạn 1 khá cao, nguyên nhân có thể do các chi phí ban đầu rất lớn cho việc giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu.
Sân bay Long Thành được định vị để trở thành một trung tâm trung chuyển mới tại Đông Nam Á, cạnh tranh với các sân bay lớn trong khu vực khác như Sân bay Changi của Singapore, Sân bay Suvarnabhumi của Bangkok và Sân bay Quốc tế Hồng Kông. Theo Bộ Giao thông Vận tải, Sân bay Long Thành dự kiến sẽ đóng góp 1% vào GDP của Việt Nam khi giai đoạn 1 đi vào hoạt động và mức đóng góp sẽ tăng lên 3-4% sau khi giai đoạn 3 hoàn thành.
Nhóm phân tích kỳ vọng giai đoạn 1 của sân bay Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2025, bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của ACV kể từ năm 2026 và sẽ chạy hết công suất vào năm 2030. Theo ước tính Long Thành giai đoạn 1 sẽ đóng góp lần lượt 5,4% và 19,8% vào tổng sản lượng hành khách trong nước và quốc tế trong năm 2030 của ACV. Sân bay Long Thành kết hợp với Tân Sơn Nhất sẽ chiếm tới 30% tổng lượt hành khách của ACV trong năm 2030.
Tổng vốn đầu tư cần thiết để xây dựng giai đoạn 1 của Sân bay Long Thành là 4,3 tỷ USD (99.000 tỷ đồng), gấp 1,7 lần tổng tài sản của ACV vào cuối quý 3/2020. ACV dự kiến tài trợ cho giai đoạn 1 bằng 35.000 tỷ đồng tiền mặt tự có và phần còn lại bằng nợ, tức là ACV gần như sẽ tiêu hết toàn bộ khoản tiền mặt tích lũy được trong vòng 5 năm qua.
Theo VNDirect, ACV dự kiến huy động phần vốn còn lại bằng các khoản vay thương mại hoặc phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Chủ tịch ACV cho biết doanh nghiệp đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) với 12 tổ chức quan tâm đến việc tài trợ vốn cho sân bay Long Thành. Tổng số vốn có thể tiếp cận từ các tổ chức này lên tới 6,3 tỷ USD, cao hơn so với nhu cầu của ACV hiện tại. Do đó, thu nhập lãi của ACV dự báo sẽ giảm mạnh với CAGR 2020-2025 là - 44,3%, điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ACV (thu nhập lãi tiền gửi đóng góp lần lượt 16%/17%/79% vào lợi nhuận trước thuế các năm 2018/2019/2020).
Diền đàn doanh nghiệp