ACV thừa tiền đầu tư, hai sân bay lớn nhất vẫn xuống cấp
Sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng cơ chế vẫn chưa cho phép ACV đầu tư mặc dù đơn vị này có thừa tiền để đầu tư...
- 16-09-2019Muốn chi 8.000 tỉ đồng mua cổ phần ACV: Không dễ
- 07-09-2019Biến ACV trở lại thành doanh nghiệp nhà nước: Thao tác ngược, gây tốn kém chi phí?
- 06-09-2019Bộ GTVT đề xuất mua lại cổ phần ACV: Nhà nước lỗ nặng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/10, báo chí đã hỏi quan điểm của Chính phủ về việc sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài hiện nay xuống cấp rất nghiêm trọng nhưng cơ chế vẫn chưa cho phép Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư mặc dù đơn vị này có thừa tiền để đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết trong cổ phần hoá năm 2016, ACV là công ty cổ phần và cảng hàng không được chia làm hai khu vực, khu vực bay và khu vực các dịch vụ. Khu bay thuộc về Nhà nước.
Trách nhiệm của Nhà nước sẽ bố trí nguồn vốn để đầu tư bảo dưỡng, nâng cấp cải tạo các đường băng, còn duy tu bảo trì thì ACV vẫn đang được giao để đảm bảo an toàn bay.
Nhưng đến khi nâng cấp, cải tạo và đến thời gian đại tu thì cần phần vốn của Nhà nước. Trong tháng 8, Thường trực Chính phủ đã họp và cho rằng phần vốn của Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư vẫn đang có những vướng mắc nhất định. Trước mắt, trên cơ sở xem xét thực tế, đã giao cho ACV ứng một khoản tiền, ông Đông cho biết.
Đối với nhà ga T3 thì mới đây nhất, Bộ cũng đã có kiến nghị. ACV thuộc Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc quyết định đầu tư của doanh nghiệp vào các hạ tầng sẽ do Uỷ ban giải quyết, Thứ trưởng Đông thông tin thêm.
Bao giờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận hành?
Trả lời câu hỏi này tại cuộc họp báo Thứ trưởng Bộ Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện trường thi công và lắp đặt đã xong, từ xây lắp đến thiết bị đơn lẻ từng hệ thống, đoàn tàu vẫn đang chạy, hệ thống bán vé tự động cũng đã xem xét…
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là quá trình cung cấp hồ sơ để đánh giá an toàn hệ thống, Bộ đã tích cực làm việc với Tổng thầu và phối hợp với Hà Nội để giải quyết.
Thứ trưởng Đông cũng thông tin, Bộ đã mời tư vấn độc lập của Pháp có nhiều kinh nghiệm tham gia đánh giá hệ thống an toàn. Tuy nhiên, việc cung cấp hồ sơ của Tổng thầu Trung Quốc chưa đầy đủ, đặc biệt là hồ sơ liên quan đến các chứng chỉ, minh chứng về thí nghiệm trong quá trình sản xuất, thiết bị đoàn tàu để làm cơ sở đánh giá đoàn tàu và đưa vào khai thác.
Theo quy định, phải đánh giá xong hệ thống thì mới đưa đoàn tàu vào chạy thử, tích hợp hệ thống bán vé tự động, kiểm soát tự động, hệ thống thông tin tín hiệu, hệ thống điều độ đoàn tàu chạy liên tục 3-4 phút/chuyến. Thời gian chạy thử trong vòng 20 ngày, sau đó mới đưa vào khai thác chính thức và nghiệm thu, ông Đông nói.
Vẫn theo Thứ trưởng Đông, vừa qua Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra hiện trường và có chỉ đạo phải đảm bảo an toàn theo yêu cầu, sau đó sẽ đưa vào khai thác trên cơ sở đánh giá độc lập về nghiệm thu.
Vneconomy