Adidas: Hành trình từ nhà kho tiệm giặt là đến một trong những thương hiệu giày thể thao lớn nhất thế giới
Adidas đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất ngành trang phục thể thao trong những năm qua, nhờ hành trình bền bỉ không ngừng của nhà sáng lập Adolf Dassler.
- 19-01-2023Trung Quốc lần đầu giảm dân số trong 60 năm: Chưa giàu đã già, bị đẩy vào khủng hoảng
- 19-01-2023Ngày này năm xưa: 19/1, một thiên tài ra đời, đặt nền tảng cho cuộc Cách mạng Công nghiệp khiến nhân loại "lột xác"
- 19-01-2023Số phận của thành phố sản xuất 'vàng đen' ở Trung Quốc: Từng là 'trung tâm' của cả thế giới, nhưng dần lụi tàn vì bị 'internet hoá'
Adidas là công ty đồ thể thao nổi tiếng thế giới với những bộ quần áo và giày chất lượng. Chúng dường như là một trong những đôi giày thể thao đắt nhất trên thị trường.
Theo Macro Trends, giá trị của công ty tính đến tháng 1 năm 2023 là 30 tỷ USD. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên, vì họ là thương hiệu thể thao lớn thứ hai sau Nike. Adidas là thương hiệu mà ngay cả những người nổi tiếng cũng thích sưu tập.
Với thành công vang dội, thật khó để tưởng tượng về một Adidas từng là xưởng đóng giày nhỏ trong kho của tiệm giặt là. Dưới đây chính là câu chuyện đầy cảm hứng về cách Adidas trở thành công ty trị giá hàng tỷ USD ngày nay.
Khởi đầu khiêm tốn từ một tiệm giặt là
Adolf Dassler là người thành lập Adidas. Ông sinh ngày 3/11/1900 tại Herzogenaurach, Đức. Gia đình ông thuộc tầng lớp thấp với cha là thợ đóng giày Christoph Dassler và mẹ là Algirdas, người quản tiệm giặt là của gia đình.
Adolf là con út trong số 4 anh chị em. Sau khi học xong trung học, Adolf học nghề làm bánh. Mặc dù đã hoàn thành khoá học, nghề làm bánh không đủ sức hấp dẫn ông. Vì thế, Adolf chuyển sang học đóng giày.
Ngoài công việc, Adolf đặc biệt yêu thích thể thao. Ông chơi và thi đấu nhiều môn thể thao bao gồm điền kinh, bóng đá, quyền anh, trượt tuyết. Thông qua việc tiếp xúc với nhiều môn thể thao đa dạng như vậy, ông đưa ra một nhận xét quan trọng mà sau này là nền tảng cho sự thành công của ông. Adolf nhận thấy rằng tất cả các vận động viên về cơ bản đều đi những đôi giày giống nhau.
Đến năm 1919, sau khi xuất ngũ, Adolf trở lại quê nhà để hiện thực hoá ý tưởng kinh doanh giày thể thao của mình. Thời gian này, Đức đang trong tình trạng suy thoái kinh tế sau thế chiến thứ nhất. Nhưng Adolf không để ước mơ của ông lụi tàn.
Ông biến nhà kho giặt là cũ ở phía sau nhà thành một xưởng đóng giày. Ông kiếm tiền bằng cách sửa giày dép cho người dân trong khu vực nhờ kỹ năng đóng giày mà ông học được.
Điều này đã cho ông nguồn lực và thời gian cần thiết để tạo ra những đôi giày thể thao chuyên dụng đầu tiên. Một trong những phát minh đầu tiên của ông là đôi giày thể thao có đinh dành cho các vận động viên điền kinh. Đôi giày này là thứ hoàn toàn mới vào thời điểm đó. Những chiếc gai kim loại do Fritz Zehlein, người bạn thời thơ ấu của Adolf, cung cấp.
Vào năm 1924, anh trai của Adolf là Rudolf Dassler tham gia vào doanh nghiệp. Đến năm 1925, doanh nghiệp non trẻ của Adolf có 3 nhân viên làm việc trong xưởng. Khi nền kinh tế Đức được cải thiện, hoạt động kinh doanh phát triển, hai anh em chuyển đến một toà nhà lớn hơn. Tại đây, họ đầu tư vào máy móc, cơ sở hạ tầng và mở rộng sản xuất.
Adolf Dassler
Nổi lên như một nhà máy giày vào thập niên 1920
Hai anh em Adolf và Rudolf đặt tên cho nhà máy giày là Dassler Brothers. Cả hai là mảnh ghép bổ sung cho nhau. Adolf là một thợ đóng giày xuất sắc, còn Rudolf là một người bán hàng và tiếp thị tài ba. Công việc kinh doanh cứ thế nở rộ khi cả hai anh em phát huy được hết tài năng của mình.
Những đôi giày thể thao của họ được biết đến rộng rãi. Đến năm 1926, hai anh em tiếp tục mở rộng cơ sở, nơi họ sản xuất hàng trăm đôi giày mỗi ngày. Công ty nhanh chóng phát triển về quy mô và Adolf quyết định mở rộng kinh doanh ra ngoài khu vực Bavaria. Ông đến các sự kiện thể thao lớn và mời các vận động viên thử giày của ông.
Với nỗ lực và quyết tâm của mình, rất nhiều vận động viên hàng đầu của Đức đã sử dụng giày của Adolf và Rudolf khi tham gia Olympic 1928 tại Amsterdam. Adolf cũng quyết định tài trợ cho các vận động viên hàng đầu trong kỳ Olympic 1936 tại Berlin. Ông thuyết phục được vận động viên chạy nước rút Jesse Owens.
Danh tiếng và doanh thu của doanh nghiệp Adolf tăng vọt sau khi Owens giành được 4 huy chương vàng trong các giải thi đấu điền kinh và phá vỡ nhiều kỷ lục. Công ty của Adolf và Rudolf được biết đến qua những đôi giày mà Jesses Owens dùng khi thi đấu.
Sau khi dành được sự quan tâm lớn từ thị trường quốc tế, Adolf và Rudolf quyết định chia tay vì một số bất đồng. Năm 1949, Rudolf tiếp quản một nửa doanh nghiệp. Ông thành lập công ty riêng mà sau này chính là thương hiệu thể thao Puma. Cũng trong năm đó, Adolf thành lập Adidas.
Logo ban đầu của Adidas
Bước đột phá lớn cho thương hiệu Adidas
Adidas đã tuyển dụng hơn 500 người vào những năm 1960 và là nhà sản xuất giày thể thao lớn nhất thế giới. Mặc dù công ty đã thành công, Adolf Dassler vẫn tiếp tục đổi mới, tạo ra những đôi giày Adidas nhẹ hơn, thoải mái hơn và đáp ứng nhu cầu của các vận động viên.
Adidas tiếp tục toả sáng và sản xuất giày cho các vận động viên. Song, bước đột phá lớn xuất hiện khi nhóm nhạc có tên Run-DMC đã phát hành bài hát có tựa đề My Adidas. Ca khúc này đã trở thành bản hit khi họ đề cập tình yêu đối với thương hiệu này.
Người hâm mộ đổ xô đến mua sản phẩm của Adidas. Nhóm nhạc này không làm điều đó theo hợp đồng và tự nguyện hát ca khúc vì tình yêu đối với thương hiệu. Đây còn là một nhóm nhạc nổi tiếng thời bấy giờ.
Adidas sau đó đã ký hợp đồng với nhóm Run-DMC và trở thành sự hợp tác mang tính biểu tượng trong lịch sử.
Công ty đã ghi nhận sự tăng trưởng về doanh số và tiếp tục ký kết với nhiều nghệ sĩ nổi tiếng hơn để quảng bá thương hiệu. Adidas cũng ký hợp đồng thương hiệu với nhiều vận động viên hàng đầu như cầu thủ bóng đá David Beckham và huyền thoại quyền anh Muhammad Ali.
David Beckham (bên phải) làm đại sứ thương hiệu cho Adidas
Ông Adolf và bà Käthe kết hôn cho đến khi ông qua đời vào năm 1978, ở tuổi 77. Bà Käthe tiếp tục điều hành công ty cùng với con trai mình là Horst cho đến khi bà qua đời vào năm 1984.
Các thiết kế của Adolf đã tạo ra tác động lớn đến các vận động viên trên toàn thế giới. Ông cũng giúp khởi động ngành công nghiệp giày thể thao toàn cầu trị giá hàng chục tỷ đô mỗi năm.
Ngày nay, Adidas này là một trong những thương hiệu giày thể thao hàng đầu cùng với Nike và Puma. Bên cạnh chiến lược tiếp thị hiệu quả, Adidas cũng đảm bảo rằng họ luôn cập nhật những xu hướng giày mới nhất, cùng những sản phẩm chất lượng điểm 10 cho các vận động viên.
Tổng hợp
Nhịp Sống Thị Trường