AEON, Điện Máy Xanh trợ lực cho doanh thu Xe đạp Thống Nhất lên đỉnh mới, riêng Vinamilk tiêu thụ 32.000 xe tương đương 1/4 doanh số
Trong vòng 4 năm từ 2019-2022, năng suất của xe đạp Thống Nhất đã tăng gần gấp 3 lần, doanh thu tăng 3,4 lần và đã có cú lội ngược dòng lợi nhuận trong năm 2022.
- 27-06-2024Đại gia đằng sau chiếc xe biển số siêu đẹp 20A-686.88 giá hơn nửa tỷ đồng
- 19-11-2023Diêm Thống Nhất lột xác sau khi không còn sản xuất diêm: Fanpage gây bão với nội dung “lầy lội” nhắm vào giới game thủ và bóng đá, doanh thu cao kỷ lục với 300 tỷ đồng
- 05-09-2023Nhờ đâu xe đạp Thống Nhất bất ngờ trở mình lãi lớn năm 2022, doanh số tăng gấp 3 lần sau 2 năm thua lỗ?
CTCP Thống nhất Hà Nội vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, ghi nhận doanh thu năm 2023 đạt gần 177 tỷ đồng – tăng 24% so với năm 2022. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo, năm 2023 thị trường đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, đặc biệt là lượng hàng tồn kho giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam. Chưa kể, chiến tranh Nga – Ukraine ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, lãi suất tăng, tỷ giá biến động… cũng tác động đáng kể đến tình hình kinh doanh Công ty.
Nhờ duy trì được hệ thống đại lý miền Bắc và mở rộng sang miền Nam thông qua AEON, Điện Máy Xanh…, Công ty năm qua vẫn bán được 130.000 chiếc xe. Riêng khách hàng lớn là Vinamilk chiếm 32.000 xe, tương đương 25% tổng doanh số, đóng góp 51 tỷ đồng doanh thu cho Công ty.
Sang năm 2024, Thống Nhất Hà Nội đề kế hoạch doanh thu 162 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ, giảm so với năm 2023.
Được biết, Thống Nhất Hà Nội là doanh nghiệp sản xuất xe đạp Thống Nhất - thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90 của thế kỷ trước, cùng với những cái tên quen thuộc như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng, mì Miliket, thuốc lá Thăng Long, Vinataba….
Công ty Thống Nhất Hà Nội, thành lập vào ngày 30/6/1960. Xe đạp Thống Nhất ra đời từ trong chiến tranh chống Mỹ nên nó đi vào cả chiến trường với biệt danh "con ngựa sắt", vượt mưa bom bão đạn đem gạo, muối, thuốc men… ra tiền tuyến.
Năm 1965, nhà nước ra quyết định phân phối xe đạp giá cung cấp. Cán bộ, công nhân viên chức nhà nước được mua một chiếc 1 lần duy nhất. Ai được phân phối sẽ có kèm theo một sổ mua phụ tùng. Tuy nhiên, số lượng sản xuất xe đạp Thống Nhất rất hạn chế, nên người được phân phối xe chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, xe đạp Thống Nhất càng trở nên quý hiếm, xa xỉ.
Từng chiếm lĩnh thị trường mạnh mẽ như vậy, song khi Việt Nam mở cửa, Thống Nhất cũng như những thương hiệu vang tiếng một thời đều vấp phải sự cạnh tranh của hàng ngoại, dần mất vị thế trên thị trường.
Những năm trở lại đây, Công ty cho thấy sự nỗ lực cải tổ, tìm cách đối mặt với cạnh tranh để lấy lại thị phần xe đạp. Công ty đầu tư lựa chọn công nghệ mới, kết hợp thiết bị hiện đại để tăng năng suất và chất lượng.
Kết quả, trong vòng 4 năm từ 2019-2022, năng suất của xe đạp Thống Nhất đã tăng gần gấp 3 lần, doanh thu tăng 3,4 lần và đã có cú lội ngược dòng lợi nhuận trong năm 2022.
Năm 2023, Công ty được biết tiếp tục đầu tư 8,5 tỷ đồng để mua sắm máy móc trang thiết bị mới để tăng công suất sản xuất.
An ninh Tiền tệ