MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

AFC Vietnam Fund: "Ảnh hưởng khối ngoại trên TTCK Việt Nam không còn lớn, chỉ còn chiếm khoảng 10% quy mô thị trường"

AFC Vietnam Fund: "Ảnh hưởng khối ngoại trên TTCK Việt Nam không còn lớn, chỉ còn chiếm khoảng 10% quy mô thị trường"

Với hoạt động bán ra của khối ngoại trong những tháng gần đây và giao dịch trong nước gia tăng, quy mô của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đã giảm từ mức xấp xỉ 20% xuống chỉ còn khoảng 10%.

AFC Vietnam Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 4 với hiệu suất danh mục tăng 1,6%. Tính từ đầu năm tới nay, hiệu suất hoạt động quỹ tăng 15,5%.

Tại thời điểm cuối tháng 4/2021, quy mô danh mục AFC Vietnam Fund đạt 55,5 triệu USD, bao gồm 42 cổ phiếu và 1,2% là tiền. Top 5 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ là ABI (tỷ trọng 7,3%), LPB (6,2%), VPB (5,5%), VND (4,6%) và PTB (3,9%).

AFC Vietnam Fund: Ảnh hưởng khối ngoại trên TTCK Việt Nam không còn lớn, chỉ còn chiếm khoảng 10% quy mô thị trường - Ảnh 1.

Quy mô khối ngoại trên TTCK Việt Nam giảm mạnh

Tháng 4/2021 đã chứng kiến sự thay đổi hoàn toàn của các thị trường so với những tháng trước đó. Lực bán ra từ các nhà đầu tư ngoại giảm dần. Đặc biệt là các nhà đầu tư trong nước đã chốt lời với những cố phiếu ít tên tuổi hơn, thay vào đó là tập trung vào một số mã chứng khoán có vốn hóa lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả, hoặc có những tin tức, lời đồn thổi xung quanh.

Chỉ số VN-Index trong tháng 4 đã lên đỉnh cao nhất mọi thời đại 1239,39 điểm, tăng trưởng tính theo USD đạt 4,1% trong tháng 4.

AFC Vietnam Fund: Ảnh hưởng khối ngoại trên TTCK Việt Nam không còn lớn, chỉ còn chiếm khoảng 10% quy mô thị trường - Ảnh 2.

AFC Vietnam Fund đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến tự tăng trưởng vượt trội của sàn HOSE đến từ mã cổ phiếu của tập đoàn Vingroup. Tin đồn về kế hoạch IPO tại Mỹ của công ty con Vinfast thuộc tập đoàn đã gây xôn xao, mang đến một chút "kỳ vọng Tesla" cho các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài ra, quỹ ngoại mới - Fubon FTSE Vietnam ETF - được phát hành tại Đài Loan và tập trung vào 30 blue-chip niêm yết trên sàn HOSE. Hoàn tất IPO vào cuối tháng 3/2021, ETF đã huy động được tổng vốn khoảng 200 triệu USD và tiến hành giải ngân vào cổ phiếu Việt Nam.

Nhìn chung, với hoạt động bán ra của khối ngoại trong những tháng gần đây và giao dịch trong nước gia tăng, quy mô của khối ngoại trên TTCK Việt Nam đã giảm từ mức xấp xỉ 20% xuống chỉ còn khoảng 10%.

Tăng trưởng GDP năm 2021 đạt 7%, lạc quan với ngành năng lượng tái tạo

Với sự phục hồi của nền kinh tế, AFC Vietnam Fund cảm thấy rất tự tin với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 đạt 7%.

Trước đó vào tháng 3, Việt Nam đã quyết định giảm tổng lượng phát thải khí nhà kính xuống 9% vào năm 2030 và tiếp tục giảm tới 27% nếu nhận được sự hỗ trợ quốc tế. Bên cạnh đó, chi phí thấp hơn cho các nguồn năng lượng thay thế đã có tác động tích cực đến việc lắp đặt năng lượng mặt trời ở Việt Nam và sau đó là việc lắp đặt điện gió. 

Trungnam Group đã bắt đầu vận hành nhà máy điện gió lớn nhất cả nước trong tháng 4. Nhà máy có quy mô hơn 900 ha, 45 tua-bin với tổng công suất 152 MW, kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW tạo thành tổ hợp trang trại điện gió được coi là lớn nhất Đông Nam Á. Khu phức hợp này sẽ cung cấp tổng cộng 950 triệu kWh mỗi năm vào lưới điện của đất nước.

Khu vực tư nhân cũng được khuyến khích mạnh mẽ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo.  Hãng xe Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng dự kiến ​​sẽ tung ra sản phẩm ô tô điện vào cuối năm nay. Công ty đặt mục tiêu cung cấp những chiếc xe điện đầu tiên của mình cho Mỹ, Canada và châu Âu vào năm tới và đang tìm cách mở một nhà máy ở Mỹ.

Ngay trong tháng 3/2021, VinFast đã ra mắt chiếc ô tô điện đầu tiên của mình - VFe34 - có giá bán rất cạnh tranh 690 triệu đồng và chỉ sau 12 giờ, VinFast đã nhận được hơn 4.000 suất đặt cọc/đơn hàng, vượt xa mong đợi. Điều đó cho thấy người tiêu dùng Việt Nam rất tự hào về VinFast và thương hiệu Việt Nam này đang trên đà khẳng định thành công thương hiệu quốc tế trên thị trường ô tô.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên