MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Agribank đang chiếm hơn 50% thị phần tín dụng tam nông và cho vay hơn 220.000 tỷ đối với tín dụng tiêu dùng

14-06-2019 - 16:18 PM | Tài chính - ngân hàng

Riêng 4 tháng đầu năm nay, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế 4.100 tỷ đồng.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, là ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, hoạt động tín dụng những tháng đầu năm 2019 được Agribank tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Đến nay, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn luôn duy trì trên 70% tổng dư nợ và chiếm trên 50% thị phần tín dụng "Tam nông" tại Việt Nam. Agribank đang triển khai nhiều chương trình tín dụng chính sách: Cho vay theo chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cho vay hộ gia đình, cá nhân thông qua Tổ vay vốn/tổ liên kết; Cho vay theo chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Cho vay ưu đãi lãi suất đối với các huyện nghèo theo NQ 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Cho vay xây dựng Nông thôn mới; Cho vay gia súc, gia cầm; Cho vay tái canh cà phê; Cho vay phát triển thủy sản; Tín dụng ưu đãi phục vụ "Nông nghiệp sạch"…

Tuy là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng hàng năm Agribank vẫn dành hàng trăm ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng khách hàng, đặc biệt là các khách hàng thuộc các chương trình chính sách. Ngay từ đầu năm 2019, Agribank tiếp tục giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ; triển khai gói tín dụng quy mô 5.000 tỷ đồng để cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cấp bách của cá nhân, hộ gia đình với thủ tục vay vốn rút gọn và thời gian cho vay ngay trong ngày; hỗ trợ kịp thời nguồn vốn để thu mua lúa gạo, tháo gỡ khó khăn cho người dân trồng hồ tiêu; chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi khôi phục sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh …

Thực hiện quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước về triển khai chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp góp phần hạn chế tín dụng đen, Agribank cho biết đã ban hành chương trình tín dụng tiêu dùng đối với khách hàng cá nhân. Trong cơ cấu tín dụng, Argibank đã đầu tư khoảng 700.000 tỷ đồng cho gần 4 triệu khách hàng cá nhân. Không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất  kinh doanh trên địa bàn nông thôn, Agribank còn cho vay đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đời sống của người dân, đến nay, dư nợ cho vay tiêu dùng, đời sống đạt gần 220.000 tỷ đồng với trên 1 triệu khách hàng, chiếm tỷ trọng 22% dư nợ cho vay của Agribank.

Để đưa vốn đến người dân kịp thời, Agribank đã triển khai nhiều kênh dẫn vốn hiệu quả, trong đó triển khai cho vay qua trên 58.000 Tổ vay vốn, Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng. Agribank đã triển khai thành công giai đoạn I Đề án “Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng” với 68 xe tại 65 chi nhánh trên địa bàn 59 tỉnh, thành phố, phục vụ gần 400.000 lượt khách hàng. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã triển khai tương đối đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như: giải ngân, thu nợ, chuyển tiền... Thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng trên toàn bộ các chi nhánh có địa bàn phù hợp.

Tính đến 30/4/2019, các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản của ngân hàn đạt theo lộ trình kế hoạch năm 2019. Nguồn vốn huy động đạt 1.217.413 tỷ đồng. Tổng quy mô tín dụng và đầu tư đạt 1 triệu 230 tỷ đồng. Agribank tiếp tục là Ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”. Kinh doanh dịch vụ tiếp tục được đẩy mạnh, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nợ xấu tiếp tục được kiểm soát có hiệu quả ở mức dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.100 tỷ đồng. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.


Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên