Nhận diện rào cản trong thế chấp tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm
Thế chấp tài sản trí tuệ là một việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song việc thế chấp tài sản trí tuệ còn gặp rất nhiều khó khăn, do đây là giao dịch mang tính rủi ro cao hơn so với việc thế chấp các loại tài sản khác.
Thế chấp tài sản trí tuệ là một việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, song việc thế chấp tài sản trí tuệ còn gặp rất nhiều khó khăn, do đây là giao dịch mang tính rủi ro cao hơn so với việc thế chấp các loại tài sản khác.
Tài sản trí tuệ là một loại tài sản được pháp luật bảo hộ thông qua quyền sở hữu trí tuệ. Khi chủ thể xác định quyền với tài sản, tùy loại tài sản mà họ được bảo hộ quyền nhân thân, quyền tài sản với tài sản trí tuệ của mình. Trong những năm gần đây, tài sản trí tuệ ngày càng được chú trọng quan tâm trong đời sống kinh tế, xã hội.
Trao đổi tại hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa Liên bang Đức về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tài sản trí tuệ" do Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) phối hợp với Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF Việt Nam) tổ chức, bà Hoàng Thị Ngọc Phượng, Giám đốc Trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP. Hà Nội cho biết, trên thực tế, thị trường giao dịch đối với tài sản trí tuệ giờ đây không chỉ phát triển mạnh mẽ tại các nước đang phát triển trên thế giới mà cũng phát triển khá nhanh tại Việt Nam, từ đó dẫn đến nhu cầu dùng tài sản trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và tham gia vào các chuỗi cung ứng hàng hoá, cung ứng vốn ngày càng đa dạng do phù hợp với xu thế phát triển và giá trị lợi nhuận cao mà loại tài sản này mang lại.
Tuy nhiên, cũng theo bà Phượng, mặc dù đã có cơ chế pháp lý cho việc dùng quyền tài sản phát sinh từ quyền sở hữu trí tuệ để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm đối với loại tài sản này nhưng trên thực tế việc nhận bảo đảm đối với loại tài sản này còn rất hạn chế do tính vô hình và sự phức tạp trong thẩm định, định giá hoặc giảm sút mạnh về giá trị do sự phát triển mạnh mẽ về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số dẫn đến số lượng đăng ký biện pháp bảo đảm đối với loại tài sản này tại các trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản chưa nhiều.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Phương - Trưởng Phòng Pháp chế, Vietcombank cũng cho rằng, thế chấp tài sản trí tuệ là một việc có ý nghĩa thiết thực, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa hay những doanh nghiệp khởi nghiệp để có thể vay vốn tại tổ chức tín dụng, song việc thế chấp tài sản trí tuệ còn gặp rất nhiều khó khăn, do đây là giao dịch mang tính rủi ro cao hơn so với việc thế chấp các loại tài sản khác. Tại Việt Nam, việc thế chấp tài sản trí tuệ đã diễn ra song các tổ chức tín dụng đang gặp nhiều rào cản trong triển khai.
Phân tích rõ hơn về nguyên nhân, ông Phương chỉ ra 3 lý do chính:
Thứ nhất, chưa hoàn thiện khung pháp luật về thế chấp tài sản trí tuệ.
“Các quy định về thế chấp tài sản trí tuệ tại Việt Nam hiện nay chưa được quy định rõ ràng và phù hợp với đặc trưng của loại tài sản đặc biệt này nên các bên không tránh khỏi những lúng túng khi tham gia giao dịch thế chấp tài sản trí tuệ. Hơn thế nữa, khi có những tranh chấp hay hậu quả pháp lý xảy ra trong quá trình thế chấp tài sản trí tuệ thì việc thiếu vắng các quy định pháp luật cũng đem lại những rủi ro cho các bên tham gia thế chấp”, đại diện Vietcombank cho hay.
Thứ hai, định giá tài sản trí tuệ khi thế chấp thường gặp khó khăn và giá trị của tài sản trí tuệ thường không ổn định. Mặc dù việc định giá tài sản trí tuệ là do hai bên tham gia giao dịch thế chấp tài sản trí tuệ tự do thỏa thuận dựa trên ý chí của các bên, song do đặc tính “vô hình” của các tài sản trí tuệ nên việc định giá các tài sản này không phải là dễ. Nếu định giá quá cao thì sẽ gây thiệt hại cho bên nhận thế chấp, nhưng nếu định giá quá thấp thì cũng sẽ gây ra sự bất lợi cho bên thế chấp…
Thứ ba, xử lý tài sản trí tuệ được thế chấp khó khăn và kéo dài. Theo đó, khi sử dụng tài sản trí tuệ để xử lý thực hiện nghĩa vụ sẽ gặp phải một số rủi ro xuất phát từ bản chất “vô hình” của loại tài sản này cũng như do giá trị của tài sản trí tuệ có thể không ổn định.
“Mặc dù có nhiều ý nghĩa, song trong thực tiễn hiện nay việc sử dụng tài sản trí tuệ như một tài sản đảm bảo nghĩa vụ vay vốn tại Việt Nam vẫn còn được cân nhắc và sử dụng một cách thận trọng bởi việc thế chấp tài sản trí tuệ sẽ đem lại một số bất lợi cho các tổ chức tín dụng nói riêng, bên nhận thế chấp nói chung. Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề thế chấp tài sản trí tuệ sẽ được điều chỉnh trong các quy định pháp lý để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thể tận dụng được các ưu thế của tài sản trí tuệ để vay vốn được từ các tổ chức tín dụng”, ông Phương đặt vấn đề.
Nhìn ra khu vực và thế giới, cơ chế cho vay sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm đã và đang phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay các nước EU như Đức.
Chia sẻ góc nhìn pháp lý và kinh nghiệm về việc sử dụng tài sản trí tuệ làm tài sản bảo đảm tại Đức, ông Konrad Greilich – Nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty Visionary Berlin GmbH, CHLB Đức cho biết, các loại tài sản trí tuệ được sử dụng làm tài sản bảo đảm tại quốc gia này là là quyền tác giả, sáng chế và nhãn hiệu.
Theo đó, việc sử dụng các quyền tài sản có đăng ký như sáng chế và nhãn hiệu, việc bảo đảm bằng tài sản chủ yếu được thực hiện thông qua việc đăng ký đối với các quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng. Do quyền tác giả không thể được đăng ký, quyền sở hữu đối với quyền tác giả sẽ được chuyển nhượng khi quyền tác giả được sử dụng với tư cách là tài sản bảo đảm. Các biện pháp bảo đảm bổ sung khác trong hợp đồng sẽ được áp dụng tuỳ theo các tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực.
“Đối với lĩnh vực ngân hàng, các ngân hàng tại Đức luôn cần phải tái định giá các tài sản bảo đảm là tài sản trí tuệ theo định kỳ theo quy định luật pháp, tỷ lệ cho vay 20-40% giá trị tài sản, có các điều khoản bảo hiểm tỷ giá khi chuyển quyền sở hữu là tài sản bảo đảm, đồng thời điều chỉnh nếu giá trị tài sản bảo đảm bị suy giảm”, ông Konrad Greilich nói.
Thị trường tài chính tiền tệ