Agribank hoạt động an toàn, hiệu quả, góp phần hoàn thành 'mục tiêu kép' của Chính phủ
Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng đến nền kinh tế, Agribank đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, đồng thời quyết tâm chung tay cùng ngành ngân hàng thực hiện thành công "mục tiêu kép".
Đây là khẳng định của lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021 vừa qua. Cùng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, Agribank với sự đoàn kết, chia sẻ, trách nhiệm, nỗ lực của HĐTV, Ban điều hành cùng các đơn vị và gần 40 ngàn người lao động trong toàn hệ thống đã chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp phù hợp với diễn biến thị trường nhằm hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2021 được giao; đồng thời triển khai tốt công tác phòng, chống dịch, sẵn sàng phương án ứng phó theo từng cấp độ, đảm bảo sức khỏe của người lao động và duy trì hoạt động kinh doanh an toàn, thông suốt, đáp ứng đủ vốn cho nền kinh tế và các dịch vụ tài chính theo nhu cầu khách hàng.
Mặc dù hoạt động trong bối cảnh khó khăn chung của toàn nền kinh tế chịu tác động của dịch Covid-19, Agribank bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, làm tròn nhiệm vụ chính trị, vai trò của NHTM hàng đầu Việt Nam, chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm 70%/tổng dư nợ nền kinh tế, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Đồng chí Tiết Văn Thành báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2021.
Agribank đã kịp thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, cho vay mới... theo Thông tư 01,03 của NHNN; trong đó thực hiện cơ cấu lại, miễn giảm lãi, phí cho 12.500 khách hàng với dư nợ 30.109 tỷ đồng, cho vay mới hơn 203.000 tỷ đồng cho trên 50.000 khách hàng. Agribank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi, bao gồm: Tăng gấp đôi hạn mức chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với quy mô 100.000 tỷ đồng, mức lãi suất, phí hỗ trợ tối đa 2,5%/năm; Cho vay ưu đãi đối với Doanh nghiệp nhỏ và vừa quy mô 30.000 tỷ đồng, hỗ trợ mức phí tối đa 2%; Cho vay ưu đãi đối với khách hàng xuất nhập khẩu quy mô 15.000 tỷ đồng và 300 triệu USD; Cho vay khách hàng lớn quy mô 15.000 tỷ đồng; Cho vay khách hàng tiêu dùng quy mô 20.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp như tập trung phát triển các SPDV trên nền tảng công nghệ hiện đại, phù hợp với xu hướng thanh toán điện tử; nâng cao chất lượng và mở rộng tiện ích, loại hình thanh toán; tăng cường hợp tác thu hộ, chi hộ với nhiều đối tác, cung cấp tài khoản số đẹp cho khách hàng,... Đặc biệt, tiên phong triển khai chính sách miễn, giảm phí chuyển tiền trong nước với khách hàng mở tài khoản tại Agribank trên tất cả các kênh giao dịch, phát triển khách hàng mở tài khoản thanh toán, sử dụng dịch vụ của Agribank.
Bên cạnh đó, phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp với cộng đồng, Agribank luôn thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, chung tay với cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh thông qua ủng hộ bằng tiền và hiện vật cho các địa phương, bệnh viện tuyến đầu, lực lượng phòng chống dịch với tổng số tiền hỗ trợ trên 130 tỷ đồng, trong đó đóng góp gần 90 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19 nhằm tăng nguồn lực để Chính phủ mua và sản xuất vắc-xin phục vụ chiến lược tiêm phòng cho toàn dân. Agribank cũng chủ động đề xuất, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để chuẩn bị, triển khai phương án tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch bệnh cho cán bộ nhân viên, người lao động trong toàn hệ thống, đảm bảo hoạt động kinh doanh an toàn, ổn định.
Các đơn vị tham gia phần thảo luận.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Phạm Đức Ấn chỉ rõ những giải pháp cần chú trọng thực hiện trong thời gian tới đảm bảo hoạt động của Agribank trong 6 tháng cuối năm đạt được các chỉ tiêu đề ra, tăng sức cạnh tranh và giữ vững thị phần trên thị trường tài chính tín dụng nông nghiệp, nông thôn, lan tỏa giá trị thương hiệu, tạo nền tảng vững chắc bước sang giai đoạn phát triển mới.
Đồng chí Phạm Đức Ấn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Agribank lần thứ X nhiệm kỳ 2020-2025, chuẩn bị cho việc cổ phần hóa. Với những kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, trên cơ sở bám sát định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt cùng với sự nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm, đồng lòng của toàn hệ thống, Agribank tiếp tục phấn đấu để hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021, chung tay cùng Đảng, Chính phủ, ngành Ngân hàng và nhân dân cả nước chiến thắng đẩy lùi dịch bệnh, ổn định sản xuất kinh doanh, thực hiện thành công "mục tiêu kép".