Ai bơm tiền cho đội "tàu ma" vận chuyển dầu Nga đi khắp thế giới?
Phương Tây càng trừng phạt thì các biện pháp lách cấm vận của Nga càng trở nên khôn ngoan hơn, đặc biệt là đối với dòng tiền thu được từ dầu mỏ.
- 02-03-2023Khủng hoảng không chừa một ai: Công ty từng được coi là tượng đài của giới công nghệ sa thải 8.000 nhân viên, cổ phiếu giảm giá một nửa
- 01-03-20232 triệu thùng dầu Nga ‘mắc kẹt’ trên biển vì ‘ế’
- 20-02-2023WSJ: Cắt giảm 500.000 thùng dầu/ngày để trả đũa cấm vận phương Tây, Nga bị lộ điểm yếu rõ rệt
Ngày 24/2 vừa qua đánh dấu kỷ niệm 1 năm hơn chục ngân hàng của Nga bị Mỹ đóng băng tài sản vì chiến dịch quân sự đặc biệt mà Tổng thống Vladimir Putin triển khai ở Ukraine. Không chỉ Mỹ, các đồng minh Anh và Liên minh châu Âu (EU) cũng thêm nhiều ngân hàng Nga vào danh sách cấm vận.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu do tạp chí The Economist và công ty điều tra SourceMaterial đồng thực hiện, phương Tây càng trừng phạt thì các biện pháp lách cấm vận của Nga càng trở nên khôn ngoan hơn, đặc biệt là đối với dòng tiền thu được từ dầu mỏ.
1 tháng trước, châu Âu chính thức áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu tinh chế từ Nga. Trong khi đó dầu thô Nga đã bị cấm vận từ trước đó. Để nguồn cung dầu toàn cầu không bị gián đoạn mà vẫn có thể đánh vào nguồn thu của ông Putin, EU cho phép các công ty vận chuyển, bảo hiểm và ngân hàng tiếp tục làm việc với những thùng dầu mà Nga xuất sang các nước khác, miễn là giá bán dưới mức giá trần mà nhóm G7 đưa ra.
Thế nhưng chiến lược này không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Hầu hết các nước khác trên thế giới không cấm vận, dẫn đến sự trỗi dậy của một đội quân những lái buôn “trong bóng tối” mà các lệnh trừng phạt của phương Tây không thể động đến.
Vẫn còn nhiều bí ẩn xung quanh “đội quân” này, nhưng điều tra của The Economis tập trung vào một vấn đề quan trọng: các giao dịch được tài trợ như thế nào.
Lấy Bellatrix làm ví dụ. Đây là 1 công ty bí ẩn hiện đang kiểm soát 7 tàu cỡ lớn có thể vận chuyển tới 3 triệu thùng dầu. Theo tài liệu nộp lên cơ quan thuế Hong Kong (Trung Quốc), nơi công ty này đăng ký kinh doanh, quyền sở hữu nó được chuyển cho 1 công dân Azerbaijan có tên Bilal Aliyev 6 tuần sau khi cuộc xung đột nổ ra.
Dữ liệu cho thấy Bellatrix tham gia vào ít nhất 22 giao dịch trao đổi dầu Nga kể từ ngày 1/1/2023. Trong đó có tới 19 giao dịch là mua dầu từ gã khổng lồ quốc doanh Rosneft của Nga. Bellatrix lấy tiền từ đâu ra?
Hồ sơ cho thấy Ngân hàng nông nghiệp Nga cấp cho Bellatrix khoản vay 350 triệu USD, kỳ hạn 5 tháng vào ngày 30/12 năm ngoái. Ngoài ra còn 1 khoản vay tại RDB – ngân hàng trực thuộc tập đoàn Rosneft.
Gần đây thị trường vẫn cho rằng các bên thu mua sẽ trả thẳng tiền cho Nga sau khi đã nhận hàng. Tuy nhiên, có vẻ như câu chuyện phức tạp hơn nhiều với mối liên hệ chặt chẽ giữa nhiều công ty bí ẩn với các ngân hàng Nga. Bellatrix cũng có mối quan hệ thân thiết với Coral Energy, một công ty giao dịch ở Dubai thuộc sở hữu của 1 doanh nhân Azerbaijan khác.
Liệu phương Tây có thể làm gì để chấm dứt tình trạng này? Việc Mỹ đưa ngân hàng MTS của Nga danh sách đen chỉ vài ngày sau khi nó được Abu Dhabi cấp phép là dấu hiệu cho thấy Mỹ và châu Âu sẽ mạnh tay hơn.
Tuy nhiên nhu cầu về dầu Nga vẫn quá lớn. Tháng trước, lượng nhập khẩu của các công ty lọc dầu độc lập ở Trung Quốc đã tăng 180%. Lượng dầu được nhập qua cảng Fujairah của UAE vừa lập kỷ lục mới vì số lượng dầu Nga tăng đột biến.
Một bộ phận dầu Nga còn tìm được đường quay trở lại châu Âu sau khi được tinh chế. Tổ chức Global Witness buộc tội một số tập đoàn năng lượng phương Tây như Shell và Vitol vận chuyển dầu Nga tinh chế vào EU thông qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Tất nhiên những giao dịch này hoàn toàn hợp pháp. Càng cấm vận, những biện pháp lách luật lại càng trở nên tinh vi hơn.
Tham khảo The Economist
Nhịp sống thị trường