Ai cũng sợ lộ thông tin cá nhân, nhưng bạn có biết lộ dữ liệu ADN sẽ gây ra hậu quả như thế nào không?
Sự phát triển của công nghệ ngày nay làm nảy sinh không ít rắc rối phức tạp. Việc để lộ thông tin đặc biệt như gen di truyền là một trong những điều như vậy.
- 17-02-2020Các cơ quan chính phủ Canada để lộ thông tin cá nhân của 144.000 công dân
- 22-10-2019Phó chủ tịch Goldman Sachs bị bắt vì giao dịch nội gián, bán thông tin mật cho nhà đầu tư để trục lợi cá nhân
- 04-07-2019Thông tin cấm bán hàng online trên Facebook cá nhân là giả mạo
Xét nghiệm ADN có lẽ đã không còn là điều quá xa lạ với chúng ta, tuy nhiên việc để lộ kết quả ấy có nguy hại không thì lại ít người nghĩ tới.
Người sở hữu thông tin này có thể dùng nó vào những gì? Và liệu điều đó có phải lúc nào cũng xấu không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Từ lộ ADN dẫn đến bị lộ danh tính
Trên thực tế, các cơ sở xét nghiệm chỉ sử dụng một phần vô cùng nhỏ, ước tính khoảng 0.02% từ bộ ADN đồ sộ của khách hàng để thí nghiệm mà thôi. Nghĩa là dù ai đó có lấy được thì cũng không thể tiến hành nhân bản vô tính người đó như trong phim đâu.
Tuy vậy, đây thường là những dữ liệu quan trọng, tiết lộ nhiều đặc điểm nhận dạng của người xét nghiệm. Từ đây, họ hoàn toàn có thể biết bạn trông như thế nào, thậm chí nhận dạng được người nhà của bạn nữa.
Cứ cố gắng bảo mật tên tuổi, địa chỉ của mình bao nhiêu tùy thích – các công cụ giải mã gen không cần đến những thông tin đó để biết bạn là ai.
Thế giới đã có những nơi cảnh sát sử dụng ADN tìm được ở hiện trường vụ án và quyền truy cập vào dữ liệu của các công ty cung cấp dịch vụ xét nghiệm để tìm ra gợi ý về thủ phạm hoặc nhân chứng. Tiềm năng là có thật, hệ quả ra sao chỉ còn cần phải xem người lấy được thông tin của bạn sử dụng nó thế nào mà thôi.
ADN – mỏ vàng của làng nghiên cứu
Dữ liệu ADN cũng như bất kì một thông tin nào khác, đều có thể đem bán lấy tiền. Từ kết quả xét nghiệm, người ta có thể biết được bạn dễ mắc bệnh gì, đang mắc bệnh gì, gia đình bạn có bệnh di truyền nào không,…
Năm 2018, 23andMe – một công ty công nghệ sinh học tại California, Mỹ đã công khai bán dữ liệu di truyền của rất nhiều khách hàng với giá 300 triệu đô cho gã khổng lồ ngành dược phẩm GlaxoSmithKline. Tất nhiên người phát ngôn của những công ty này tuyên bố rằng việc đó đã được chủ dữ liệu cho phép, và thông tin chỉ được sử dụng vào mục đích nghiên cứu mà thôi.
Lí do họ đưa ra là các nghiên cứu không quan tâm đến dữ liệu gene trên góc độ cá nhân mà thực tế trọng số lượng hơn vì mẫu nghiên cứu lớn dễ cho kết quả chính xác, cũng như sẽ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Tuy nhiên, sau đó lượng tài nguyên khổng lồ này sẽ được bên thứ 3 xóa đi hay lưu trữ để dùng vào mục đích nào khác thì... không ai nói.
Các công ty bảo hiểm hưởng lợi
Nếu có ngành nào được lợi nhiều nhất từ loại dữ liệu đặc biệt này, đó hẳn phải là ngành bảo hiểm. Họ có thể phát hiện xu hướng bệnh tật của chủ hợp đồng, và từ chối chi trả cho các bệnh đó.
May sao, hiện nay phần lớn các hệ thống luật pháp trên thế giới đều có quy định bảo mật nhằm bảo vệ quyền lợi cho người sử dụng dịch vụ xét nghiệm. Chẳng hạn, Mỹ có Đạo luật chống phân biệt đối xử dựa trên thông tin di truyền 2008, trong đó quy định cấm các hãng bảo hiểm mua bán mẫu hay dữ liệu gene; cấm loại trừ, tăng giá bảo hiểm đối với người hoàn toàn khỏe mạnh dựa trên; cấm các chủ lao động ra quyết định về vấn đề chức vụ hay sa thải,… dựa trên phân tích ADN.
Tuy nhiên, cánh tay của pháp luật không thể với tới mọi ngóc ngách của xã hội, và những tiêu cực vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Chính vì vậy, vấn đề có nên xét nghiệm ADN hay không hiện nay vẫn còn là băn khoăn của rất nhiều người.
Bí mật đời tư có thể bị công khai
Nhiều người muốn sở hữu mẫu ADN của người khác vào mục đích kiểm tra quan hệ máu mủ, tình trạng sức khỏe,… Bạn nghĩ sao nếu một thông tin nhạy cảm như bí mật về huyết thống giữa hai người nào đó bị lọt vào tay người ngoài? Nếu chủ tịch một tập đoàn lớn bị tiết lộ tình trạng sức khỏe và khiến công ty rơi vào khủng hoảng, liệu đó có phải một điều tốt?
Các công ty xét nghiệm dĩ nhiên có biện pháp bảo vệ dữ liệu của mình, ta cũng có thể yêu cầu họ xóa bỏ hoàn toàn thông tin và tiêu hủy mẫu vật. Thế nhưng những trường hợp tống tiền, làm nhục, khủng bố tinh thần… người khác chỉ vì một mẫu ADN bị đánh cắp là hoàn toàn có.
Sự phát triển của công nghệ ngày nay làm nảy sinh không ít rắc rối phức tạp. Việc để lộ thông tin đặc biệt như gene di truyền nằm trong số đó. Mặc dù không phải lúc nào cũng tiêu cực, nhưng có lẽ chuyên gia nào cũng sẽ khuyến cáo bạn rằng cần xem xét thật kĩ các điều khoản trước khi kí vào thỏa thuận với các công ty xét nghiệm.
Đừng chỉ coi bản hợp đồng là một tờ giấy, một thủ tục rườm rà cần ta phải trải qua. Bởi vì rất có thể sau này khi chuyện không may xảy ra, đó lại chính là vị cứu tinh, là người bảo vệ quyền lợi cho ta đấy!
Nguồn: Axious, Internet Health Report, Bussiness Insider, Forbes
Trí thức trẻ