Ai đang ‘bá chủ’ thị trường đám mây?
(Ảnh: Reuters)
Ba công ty Amazon, Microsoft và Google chiếm 2/3 ngân sách cho dịch vụ đám mây trên toàn cầu. Họ đang sử dụng sức mạnh của mình để duy trì vị thế trên thị trường này.
- 06-07-2022Bị lừa chiếm đoạt gần 2,5 tỷ đồng khi hỏi vay tiền qua mạng xã hội
- 06-07-2022100% thủ tục hải quan cơ bản được tự động hóa
- 06-07-2022Những điều cần làm khi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú chính thức bị khai tử vào cuối năm 2022
Dịch Covid-19 mang đến cú hích cho bộ ba công ty đang thống trị thị trường điện toán đám mây. Khi kinh tế thế giới bước sang giai đoạn khó lường, Amazon, Microsoft và Google dường như lại càng có cơ hội thi triển sức mạnh.
Theo hãng nghiên cứu Synergy, ba hãng chiếm 65% trong tổng số 53 tỷ USD ngân sách cho dịch vụ điện toán đám mây trong quý I năm nay, tăng từ 52% của bốn năm trước. Khả năng kiểm soát của họ sẽ còn tiếp diễn do với quy mô của mình, họ có thể tiếp tục đầu tư và thu hút khách hàng tìm kiếm sự ổn định trong thời kỳ hỗn loạn.
Các bộ phận đám mây của Amazon, Microsoft và Google đều tăng trưởng mạnh, doanh số tăng hơn 30% trong các quý gần đây, trong khi các dịch vụ nhỏ hơn lại ghi nhận thị phần sụt giảm vào tay các nền tảng lớn nhất. Dịch bệnh kéo theo chi tiêu dành cho các dịch vụ đám mây tăng mạnh khi mọi người chuyển sang học tập, làm việc trực tuyến.
Những người chơi hàng đầu củng cố địa vị một phần vì ngành này yêu cầu đầu tư khổng lồ vào máy chủ và các cơ sở chứa chúng. Các trang trại máy chủ càng lớn, chi phí xây dựng và vận hành trung bình càng thấp, khiến cho ba cái tên nói trên có lợi thế hơn hẳn đối thủ nhỏ. Họ cũng được hưởng lợi nhờ khả năng tự phát triển chip, phần mềm và công nghệ khác cho đám mây.
Matt Garman, Phó Chủ tịch cấp cao Phụ trách Bán hàng và Tiếp thị tại Amazon Web Services (AWS), cho biết, họ đã đầu tư mạnh vào thị trường trong 15 năm. Nó không phải thứ người khác dễ dàng bắt kịp. Trong lúc này, những doanh nghiệp nhỏ trong ngành lại đối mặt với thách thức huy động vốn khó hơn do thị trường chứng khoán giảm đồng nghĩa các nhà đầu tư không sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Ngoài ra, khách hàng cũng có xu hướng gắn bó với đối tác lớn do tính ổn định cao hơn và nhiều tính năng hơn.
Hãng phần mềm du lịch Sabre quyết định thao tác nhiều hơn trên đám mây để tiết kiệm tiền và gia tăng tính linh hoạt. Họ sử dụng dịch vụ đám mây của Google để phân tích lượng lớn dữ liệu, thay vì quản lý hàng trăm phần mềm khác của bên thứ ba. Giám đốc Công nghệ thông tin của Sabre ước tính 28% chi tiêu của hãng cho dịch vụ đám mây chảy vào túi Google và dự kiến tăng lên 65% vào cuối năm.
Doanh thu gộp từ đám mây của Amazon, Google và Microsoft tăng trưởng hơn 33% vào năm 2021 và dự kiến tăng gần 29% năm nay. Theo Thomas Kurian – CEO Google Cloud, khi các lĩnh vực công nghệ khác đi chậm lại, nhu cầu của dịch vụ đám mây vẫn mạnh mẽ. Thị phần toàn cầu của Google đã tăng từ 1,5% năm 2015 lên 7,1% năm 2021, theo Gartner.
Trước sự thống trị của các “ông lớn”, một số người chơi mới như startup Sushi Cloud muốn tạo đột phá bằng cách tập trung vào thị trường ngách, chẳng hạn giúp phần mềm trí tuệ nhân tạo hoạt động trong đám mây với chi phí rẻ hơn. Những hãng khác như Cloudflare lại thu hút khách hàng bằng cách đưa ra mức phí rẻ hơn để chuyển dữ liệu lên đám mây.
Dù vậy, thực tế là Big 3 vẫn ở lại thị trường và ngày càng lớn mạnh. “Tôi chỉ hi vọng có nhiều dự địa để những công ty mới nổi lên và không bị đe dọa”, COO Sushi Cloud Shauna O’Flaherty bày tỏ.
Theo WSJ
ICT News