Ai đang bắt tay VinFast để làm xe Việt?
Cái bắt tay giữa hai doanh nghiệp Việt là An Phát và VinFast trong cung ứng linh kiện nhựa sản xuất ô tô, xe máy sẽ góp phần để Việt Nam có những chiếc ô tô “made in Vietnam” đúng nghĩa, với tỷ lệ nội địa hóa cao.
Vì mục tiêu "Việt hóa"
An Phát là tập đoàn nhựa hàng đầu Đông Nam Á, chuyên về xuất khẩu bao bì màng mỏng. Từ năm 2018 trở lại đây, An Phát mở rộng ngành nghề kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy vẫn lấy nhựa làm lĩnh vực kinh doanh chính.
Đặc biệt trong một năm qua, An Phát đã đầu tư và tham gia rất mạnh vào ngành công nghiệp phụ trợ ô tô xe máy, thông qua việc mua lại nhà máy Nhựa Hà Nội với các khách hàng lớn như Toyota, Honda, Piaggio… Như vậy có thể khẳng định, An Phát rất dày dạn kinh nghiệm trong việc sản xuất và cung ứng cho ngành tô tô.
Trong khi đó, VinFast là công ty con của Tập đoàn Vingroup, là nhà sản xuất ô tô Việt Nam tiếng tăm lừng lẫy trong thời gian qua với một loạt sự kiện nổi bật như tham gia Triển lãm Paris Motor Show, mời danh thủ David Beckham quảng bá, hoàn thành xây dựng nhà máy trong thời gian kỉ lục…
Vì vậy, không quá ngạc nhiên khi hai tên tuổi này bắt tay nhau để thành lập nên liên doanh mang tên VinFast - An Phát (VAPA) với mục tiêu nội địa hóa sản xuất linh kiện nhựa ô tô, xe máy… Trụ sở công ty VAPA được đặt ngay tại đại bản doanh của VinFast, thuộc KCN Đình Vũ, Hải Phòng với diện tích 15.000m2. VAPA được đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc hiện đại, nhập khẩu từ các nhà cung cấp lớn trên thế giới.
Sản xuất tại nhà máy VAPA.
Bắt đầu từ tháng 6/2019, VAPA sẽ chính thức đi vào hoạt động. Trước mắt, VAPA sẽ cung cấp linh kiện nhựa cho VinFast phục vụ ngành sản xuất ô tô, xe máy của Vingroup và sẽ mở rộng thêm mạng lưới khách hàng trong tương lai. VAPA ngay trong thời điểm vận hành đã đủ năng lực cung cấp bộ linh kiện nhựa cho khoảng 250.000 xe ô tô và 500.000 xe máy/năm.
100% sản phẩm trước mắt của VAPA sẽ được cung cấp cho nhà máy của VinFast. Nhờ vào điều này, tỷ lệ nội địa hoá của mỗi chiếc ô tô, xe máy của VinFast sẽ được tăng lên, giúp hiện thực hóa giấc mơ xe Việt. VinFast cho biết, sẽ dành ra 30% diện tích khu tổ hợp cho công nghiệp phụ trợ, đồng thời tích cực liên doanh, kêu gọi các đối tác đầu tư vào lĩnh vực này…
Bên cạnh linh kiện nhựa cho ô tô, xe máy, VAPA sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản xuất linh kiện, phụ kiện nhựa gia dụng khác đáp ứng nhu cầu của các khách hàng khác nhau.
An Phát sẽ "Việt hóa" những gì tiếp theo?
Sở hữu 50% liên doanh, An Phát được kì vọng sẽ đem lại triển vọng rất tích cực cho VAPA khi tham gia vào ngành công nghiệp ô tô. Cái bắt tay giữa An Phát và VinFast được xem là một sự kết hợp hoàn hảo. An Phát sẽ tận dụng thế mạnh của mình trong ngành sản xuất nhựa, đặc biệt là công nghiệp nhựa phụ trợ để đảm bảo về chất lượng sản phẩm, nguồn cung ứng, còn VinFast sẽ đảm bảo đầu ra cho VAPA.
Bên cạnh ô tô - xe máy, An Phát đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp điện - điện tử. An Trung Industries, công ty thành viên của Tập đoàn này hiện đang là nhà cung cấp cấp 2 của Samsung và có kế hoạch trở thành nhà cung ứng cấp 1 vào năm 2022. Ngoài ra, các tập đoàn điện tử hàng đầu như Panasonic, LG… cũng đang là khách hàng của Nhựa Hà Nội
"VAPA, An Trung và Nhựa Hà Nội sẽ là đầu tàu của An Phát trong việc phát triển sản phẩm Việt công nghệ cao", ông Đinh Xuân Cường - Tổng giám đốc An Phát chia sẻ.
Như vậy, có thể khẳng định rằng chỉ sau hơn một năm gia nhập ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng An Phát đã tạo được vị thế rất chắc chắn. Tương lai, An Phát sẽ tiếp tục M&A (mua bán & sáp nhập doanh nghiệp) ngành nhựa nếu nhìn thấy cơ hội và gia tăng đầu tư.
Năm 2018, An Phát đã mua lại CTCP Nhựa Hà Nội - một doanh nghiệp nhà nước lâu năm trong lĩnh vực sản xuất phụ tùng ô tô xe máy và linh kiện điện - điện tử, chuyên cung ứng cho các nhãn hàng lớn như: Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, VMEP, LG, Panasonic… Đặc biệt, Nhựa Hà Nội đã trở thành nhà cung cấp cho Honda ngay từ năm 1996 khi hãng này mới chính thức có mặt tại Việt Nam.
Một thành viên khác của An Phát là An Trung Industries cũng đã chính thức trở thành nhà cung ứng cấp 2 cho Samsung - hãng điện thoại số 1 thế giới.