MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.1)

31-05-2019 - 07:25 AM | Doanh nghiệp

Với việc sẽ có 88 nhà máy điện mặt trời và điện gió hòa vào lưới điện quốc gia vào tháng 6 tới, ngành năng lượng tái tại ở Việt Nam đã bước đầu nên hình nên dạng. Vậy ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo?

Theo chính sách của Chính phủ, nếu nhà máy năng lượng tái tạo nào kịp phát điện trước 30/6/2019, các dự án sẽ được hưởng mức giá 9,35 cent/kWh trong vòng 20 năm. Với các dự án vận hành sau thời điểm này, giá điện sẽ giảm xuống dự kiến ở mức 6,67-7,09 cent/kWh tùy từng vùng; khiến cuộc chạy đua hòa lưới điện của các tỉnh thành và doanh nghiệp đang nhộn nhịp hơn bao giờ hết.

Theo kế hoạch của Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0), sẽ có có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong thời gian ngắn từ tháng 4 đến hết tháng 6/2019.

Nếu tính đến giữa tháng 4/2019, toàn hệ thống điện chỉ có 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất chưa tới 150 MW thì đến ngày 26/5, A0 đã đóng điện tiếp 34 nhà máy, với tổng công suất đặt lên tới gần 2.200 MW. Đến ngày 30/6, A0 sẽ tiếp tục đóng điện 54 dự án còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.

'Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành Điện lực Việt Nam', ông Nguyễn Đức Ninh, Phó Giám đốc A0 cho biết.

Bình Thuận và Ninh Thuận đang áp đảo các tỉnh thành khác

Vì nhiều lý do khác nhau, các dự án năng lượng tái tạo đang tập trung chủ yếu ở khu vực duyên hải từ Bình Định kéo dài đến Vũng Tàu, đến các tỉnh miền Tây và qua Tây Ninh. Do có điều kiện khí hậu lý tưởng nhất cho các dự án năng lượng mặt trời và điện gió cũng như các chính sách khuyến khích từ Nhà nước và chính quyền địa phương, Bình Thuận và Ninh Thuận đang áp đảo các tỉnh thành khác trong chuyện kêu gọi đầu tư ở lĩnh vực này.

Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vào tháng 3/2019, thì tổng công suất các dự án năng lượng mặt trời và năng lượng gió mà họ đã ký hợp đồng mua bán hoặc đang đàm phán của Ninh Thuận là nhiều nhất – 1.812 MW, tiếp theo là Bình Thuận có 1.222 MW, Tây Ninh đứng thứ 3 với 799 MW, tiếp theo là Phú Yên với 414 MW, thứ 5 là Long An có 366 MW.

Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án cũng như vốn đầu tư, Bình Thuận đang là địa phương dẫn đầu ngành năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Tính cho đến tháng 3/2019, Bình Thuận có 94 dự án điện mặt trời với tổng công suất đăng ký đầu tư là 5.347,72 MW, tổng vốn đầu tư hơn 137.000 tỷ đồng.

Trong đó, 57 dự án được UBND tỉnh trình Bộ Công thương thẩm định bổ sung quy hoạch, còn 5 dự án khác được nhà đầu tư đang lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Ngoài ra, 21 dự án đang được khởi công lắp đặt, có 30 dự án có công suất đến 150 MW, 16 dự án sẽ hoàn thành và đóng điện trước 30/06.

Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.1) - Ảnh 1.

Dự án điện mặt trời đóng điện đầu tiên của Bình Thuận. Ảnh: Năng Lượng

Dự án đầu tiên của tỉnh Bình Thuận đóng điện thành công là ở Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân của chủ đầu tư Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 (thuộc EVN) vào ngày 23/1/2019.

Trong khi Bình Thuận chủ yếu là điện mặt trời thì Ninh Thuận có thêm điện gió. Tính đến thời điểm này, Ninh Thuận có tới 69 dự án điện gió và điện mặt trời đã được khảo sát, trong đó có 43 dự án đã có giấy phép đầu tư.

Về điện gió, Ninh Thuận có 16 dự án chấp thuận chủ trương khảo sát và 12 trong đó đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng công suất khoảng 800 MW, tổng vốn đăng ký gần 28.000 tỷ đồng. Cụ thể hơn: 3 dự án đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1, đưa vào vận hành thương mại với công suất 117 MW.

Về điện mặt trời, tỉnh đã chấp thuận chủ trương khảo sát cho 54 dự án với tổng công suất trên 3.500 MW; trong đó có 31 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cùng tổng quy mô công suất gần 2.000 MW và với tổng vốn đăng ký trên 50.000 tỷ đồng. Mặt khác, đã có 7 dự án điện mặt trời hoàn tất giai đoạn chạy thử nghiệm, chính thức phát điện thương mại với tổng công suất 454 MW.

Tây Ninh ít nhưng chất

Về số lượng dự án, Tây Ninh có thể không địch lại được Bình Thuận và Ninh Thuận, nhưng về chất lượng họ hơn hẳn. Tây Ninh không có nhiều dự án, nhưng những dự án họ có công suất rất lớn, không chỉ nhất Việt Nam mà còn nhất Đông Nam Á vào thời điểm mà nó đóng điện.

Nổi bật nhất trong những dự án của Tây Ninh phải kể đến tổ hợp điện mặt trời vừa đóng điện cách đây chưa lâu - Dầu Tiếng 1,2,3 của Công ty cổ phần Năng lượng Dầu Tiếng (liên doanh giữa Điện lực B Grimm và Công ty TNHH Xuân Cầu), với tổng công suất thiết kế lên tới 500 MW, vốn đầu tư 12.500 tỷ đồng. Sau khi khánh thành, dự án này đã soán ngôi dự án khủng nhất Việt Nam và Đông Nam Á của tổ hợp điện mặt trời của BIM tại Ninh Thuận.

Dự tính khi đi vào vận hành, dự án sẽ mang lại doanh thu khoảng 400.000 USD/ngày, hoạt động trong thời gian 20 năm. Ngoài ra, trên khu vực hồ Dầu Tiếng còn có một số dự án điện mặt trời khác như dự án điện mặt trời Trí Việt 1 và Bách Khoa Á Châu 1.

Mặt khác, còn phải kể đến 2 dự án công suất 117 MW của Thành Thành Công đã đóng điện; nhà máy điện mặt trời HCG Tây Ninh và dự án Khu thương mại công nghiệp - năng lượng Hoàng Thái Gia có tổng công suất 100 MW, vốn đầu tư 2.406 tỷ đồng.

Hai bất cập khi các dự án tập trung ở miền Nam và chỉ một vài tỉnh

Với những diễn biến gần đây, thì việc các dự án điện mặt trời tập trung quá dày đặc ở một tỉnh hoặc một khu vực đang tỏ ra không hợp lý.

Ai đang dẫn đầu trong mảng năng lượng tái tạo ở Việt Nam? (P.1) - Ảnh 2.

Ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia.

Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó giám đốc A0, nói tại cuộc họp cung ứng điện mùa khô và chuẩn bị đóng điện các dự án điện mặt trời thì: khoảng 12 giờ trưa 7/5, tại khu vực Ninh Thuận và Bình Thuận, khi A0 đang vận hành 650 MW điện mặt trời (ĐMT) thì đột ngột giảm xuống còn 200 MW, do có đám giông… Trong một ngày, số lần công suất thay đổi trên 50% là từ 3-5 lần.

Một lo ngại thứ hai, theo ông Bùi Văn Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội điện gió Bình Thuận, đồng thời là chủ đầu tư một dự án điện mặt trời, thì tổng công suất của điện gió và điện mặt trời được phê duyệt tại Bình Thuận hiện nay lên đến 6.000 MW; khiến lưới điện của EVN hiện nay không thể giải tỏa hết công suất (tức quá tải). Nếu không có đường truyền tải mới, thì sẽ không thể nào giải tỏa được công suất nếu như tất cả các nhà máy năng lượng tái tạo ở Ninh Thuận và Bình Thuận đều đóng điện.

Theo Quỳnh Như

Trí thức trẻ

Trở lên trên