Ai đang gom cổ phiếu BHS?
Thương vụ sáp nhập hai doanh nghiệp mía đường có quy mô lớn (CTCP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh – SBT và CTCP Đường Biên Hòa – BHS) bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan cho giới đầu tư, khi thị giá cả 2 cổ phiếu đều có mức tăng trưởng ấn tượng sau thời gian ngắn.
Dù xuất hiện những ý kiến trái chiều về hoạt động doanh nghiệp sau sáp nhập, nhưng không thể phủ nhận tiềm năng tăng trưởng của thương hiệu mía đường TTC.
Hiện nay, ngành đường Việt Nam tăng trưởng bình quân 3%/năm và với ngành đường TTC là 7% - 8%/năm, mục tiêu tăng trưởng 10% cho các năm tiếp theo. Theo kế hoạch doanh thu hợp nhất niên độ 2017-2018 của SBT ước đạt 8.400 tỷ đồng, trong đó BHS ước đạt 4.700 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất gần 680 tỷ đồng.
Sau sáp nhập, quy mô của SBT sẽ tăng mạnh với hơn 5.570 tỉ đồng vốn điều lệ, tổng tài sản 15.900 tỉ đồng, trở thành công ty mía đường có quy mô lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là cơ sở để SBT đáp ứng các điều kiện tiên quyết về tiêu chí “vốn hóa”, tiệm cận kế hoạch niêm yết tại thị trường quốc tế Singapore, vốn đang được triển khai.
Cổ phiếu SBT nằm trong rổ chỉ số ETF và hiện nay cả 02 mã cổ phiếu SBT, BHS đều nhận được sự đầu tư từ các quỹ uy tín như Deutch Bank, CreditSuisse, Morgan Stanley…. Tiêu chí đầu tư của các tổ chức nước ngoài là lựa chọn các cổ phiếu có kết quả hoạt động kinh doanh hiệu quả, tiềm năng đầu tư lâu dài, các chỉ số ngắn hạn như PE, EPS… chỉ đóng vai trò một phần nhỏ khi định giá doanh nghiệp.
Ví dụ việc nhìn nhận và đánh giá giá trị doanh nghiệp thông qua chỉ số PE như: Một số doanh nghiệp niêm yết cho các ngành có chỉ số P/E khá cao, như ngành bất động sản với P/E trung bình từ 66 đến P/E 87 ngành tiêu dùng với P/E trung bình 58.9, ngành xây dựng với P/E trung bình từ 56.6 đến 63.9... Nên bên cạnh P/E làm tham chiếu cho việc đầu tư cổ phiếu, thì yếu tố khác rất quan trọng là tiềm năng hoạt động và chiến lược phát triển của Công ty.
Nói về tiềm năng, thương hiệu này luôn được đánh giá là có quy mô dẫn đầu thị trường đường trong nước với hơn 30% thị phần nội địa và vùng nguyên liệu lên đến gần 50.000 ha sau sáp nhập, chiếm 16% diện tích cả nước, sản lượng mía 3,4 triệu tấn chiếm 22% sản lượng cả nước. Giới chuyên môn cũng nhận định TTC như một đơn vị tiên phong trong hoạt động M&A và mở rộng thị trường bên ngoài phạm vi nội địa, xu hướng tất yếu của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Điều này thể hiện tầm nhìn chiến lược của ngành đường TTC cho quá trình hội nhập sắp tới.
Mục tiêu này đã được SBT và BHS chuẩn bị trong thời gian dài, thông qua việc hiện thực hóa các chiến lược mở rộng quy mô, như sáp nhập CTCP Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC, hiện nay là TTCS - Gia Lai) với tỉ lệ hoán đổi 1:1,05, nâng mức tăng trưởng thị giá của TTCS lên hơn 200% chỉ sau 2 năm (từ 15.000 đồng vào năm 2015 lên trên 30.000 đồng vào đầu năm 2017).
SBT và BHS cũng đã hoàn tất thương vụ mua lại Công ty Mía đường HAGL và đổi tên công ty này thành TTC Attapeu, mang lại cho SBT lợi thế vượt trội về vùng nguyên liệu với diện tích vùng nguyên liệu tăng thêm trên 10.000 ha ngay trong niên độ 2018-2019, tổ chức canh tác trên quy mô lớn, hiện thực kế hoạch giảm giá thành sản xuất đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp Thái Lan.
Như vậy, ngành đường TTC đang sở hữu những gì, đó là Vùng nguyên liệu trong và ngoài nước, các cánh đồng lớn gắn liền với cơ giới hóa đồng ruộng, công nghệ sản xuất hiện đại, tận dụng hiệu quả các phụ phẩm như sản xuất điện với công suất nhiệt điện hiện nay lên tới 152 MW, thương hiệu sản phẩm và hệ thống phân phối tốt và các brandshop khắp các tỉnh thành, ứng dụng công nghệ và quy trình tự động trong quản lý, vận hành…
Áp dụng mạnh mẽ ưu thế của các ứng dụng Công nghệ thông tin trong quản lý nông nghiệp, khách hàng như: Phần mềm quản lý nông nghiệp FRM, Phần mềm quản lý khách hàng CRM, phần mềm quản lý hệ thống phân phối DMS… Ngành đường TTC sẽ tập trung chuyên môn hóa theo các lĩnh vực: Thương mại, nông nghiệp, sản xuất và nghiên cứu…
Đến nay, khoảng cách giá của BHS và SBT đang dần được rút ngắn, với mức giá 25.000 đồng và 38.000 đồng/cổ phiếu… dường như các nhà đầu tư đều quan tâm sao tỷ lệ hoán đổi gần như tương đồng nhưng có mức chênh lệch này. Quan sát thấy khối lượng cổ phiếu BHS giao dịch hàng ngày tương đối cao, bình quân 3 đến 5 triệu cổ phiếu/ngày, sự quan tâm càng lớn thì BHS càng được giao dịch với vệc sử dụng đòn bẩy tài chính từ các nhà các nhà đầu tư.
Nếu vẫn còn tâm lý đầu tư ngắn hạn, chốt lời cổ phiếu BHS trước ngày hủy niêm yết, thì thị giá cổ phiếu đang nằm trong tay chính các nhà đầu tư, thay vì tiềm năng tăng trưởng thực sự của doanh nghiệp.