Ai đứng sau sai phạm đất đai ở Phú Quốc?
Hàng loạt vụ sai phạm đất đai tại Phú Quốc liên quan đến các cá nhân, tổ chức từ Hà Nội, TP HCM. Cơ quan chức năng mời làm việc nhiều lần nhưng họ không đến, phải xử lý vắng mặt.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang vừa có báo cáo kết quả sau 2 tháng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động đầu tư xây dựng, đất đai, chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng ở huyện đảo Phú Quốc .
Lực lượng chức năng phát hiện 2 đối tượng phá rừng ở Phú Quốc Ảnh: TRUNG VÂN
Báo cáo kiểm tra cho thấy tại 2 xã Cửa Dương và Dương Tơ, đoàn kiểm tra đã mời 45 đối tượng làm việc vì có hành vi tách thửa sai quy định với tổng diện tích đất gần 75 ha, tách thành hơn 2.300 thửa.
31 trường hợp tự ý làm đường bê-tông trên đất nông nghiệp với tổng diện tích hơn 58.000 m2, đã bị lập biên bản vi phạm hành chính và buộc phải tháo dỡ công trình vi phạm. Trong số này, chỉ có 1 trường hợp chấp hành xử phạt hành chính và tự tháo dỡ đường bê-tông.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện có 34 căn nhà xây dựng trên đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.000 m2. "Còn 14 trường hợp đã được mời làm việc hợp lệ đến lần thứ 2 nhưng không hợp tác. Hiện đang thực hiện các thủ tục xử lý vắng mặt" - báo cáo nêu.
Đoàn kiểm tra đã phát hiện 29 vụ phá rừng và lấn, chiếm hơn 53.500 m2 đất rừng tại các khu rừng phòng hộ và đặc dụng. Tại khu vực vùng đệm của Vườn Quốc gia Phú Quốc, lực lượng liên ngành phát hiện 18 vụ hủy hoại rừng với diện tích hơn 43.000 m2 nhưng chưa xác định được đối tượng vi phạm. Khi đoàn kiểm tra vừa kết thúc đợt kiểm tra thì vào ngày 30-6, Phòng Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Phú Quốc bắt quả tang 2 đối tượng chặt phá cây rừng trái phép tại Tiểu khu 98 thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng (Vườn Quốc gia Phú Quốc) với tổng diện tích bị chặt phá hơn 3.000 m2.
Đối với việc kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao dịch, kinh doanh bất động sản, đoàn kiểm tra ghi nhận có đến 320 tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng chỉ có 1 trường hợp đủ điều kiện theo quy định. Đến nay, đoàn mới chỉ biết địa chỉ của 11 trường hợp để mời làm việc và yêu cầu cung cấp hồ sơ có liên quan. Tất cả các trường hợp còn lại sẽ được mời làm việc trong thời gian tới, kể cả những trường hợp đã mời nhưng cố tình lánh mặt.
Theo nhận định của đoàn công tác, phần lớn đối tượng vi phạm trong các lĩnh vực này chủ yếu đến từ Hà Nội, TP HCM. Thậm chí, nhiều đối tượng thường xuyên đi nước ngoài nên mời làm việc rất khó khăn.
Riêng những trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp nhưng không phải đất ở cũng khó xử lý. Một số đối tượng có liên quan luôn chống đối khi thực hiện cưỡng chế. Hơn nữa, việc tham gia xử lý của cấp huyện và xã còn thụ động, chưa thực sự quyết tâm, trách nhiệm và chủ động.
Người lao động