MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai được lợi khi cách mạng công nghiệp tràn tới?

Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, rất nhiều công ty siêu nhỏ có thể sống tốt và phát triển mạnh, nếu biết cách đi vào thị trường ngách.

Trao đổi bên lề cuộc toạ đàm của Bizlive với chủ đề "Làm ăn gì năm 2017?", ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế Quốc hội đã có cái nhìn rất khác về tác động công nghệ lên những ngành từng được xem là truyền thống tại Việt Nam và thế giới, trước áp lực của một cuộc cách mạng công nghiệp mới đang tới.

"Năm 2017 đưa chúng ta vào một cuộc cách mạng công nghiệp mới, mà ở đó, mọi thứ sẽ diễn ra rất khác. Chúng ta thường nói tới dệt may là ngành công nghiệp có máy móc truyền thống, sử dụng nhiều lao động… Nhưng với công nghệ 3D, những người muốn may đo chỉ cần thực hiện quét hình ảnh là có được số đo, và việc may đồ chỉ mất vài tiếng đồng hồ.

Điều này làm thay đổi căn bản khái niệm sản xuất, biến cá thể sản xuất để phục vụ chung thành sản xuất chung để phục vụ một cá thể. May đo trước đây ở ở các nước tư bản là chỉ dành cho giới giàu có, còn người dân thường mua quần áo bán sẵn, nhưng với công nghệ, chuyện này đã khác rồi.

Nếu quay lại bang California, nơi từng là thủ phủ của nền công nghiệp may đo của Mỹ những năm 60 nhưng đã chuyển dần công nghệ sang Mexico trong nhiều thập kỷ qua, thì giờ đây, những tiệm may tại đây áp dụng công nghệ mới.

Không cần những nhà máy hàng nghìn công nhân, ngành công nghiệp này thu hẹp chỉ còn những doanh nghiệp siêu nhỏ, với vài ba người chỉ để may ngay và luôn những sản phẩm như vậy.

Công nghệ sản xuất và hình thức sản xuất đã thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, nếu người Việt chỉ cần đưa con đi học công nghệ để áp dụng những kỹ thuật mới này vào sản xuất, mọi chuyện với Việt Nam sẽ khác hẳn nếu Chính phủ sớm có cách thức hỗ trợ, nhưng cung cấp công nghệ một cách miễn phí… Từ đây, cơ sở cho một nền công nghiệp dịch vụ mới hiện hữu rất rõ ràng.

Trong du lịch chẳng hạn, không cần lo lắng chuyện robot có thể thay thế con người, vì những thứ liên quan đến dịch vụ, cảm xúc vẫn cần tới con người, mà chưa có cách thức thay thế nào khác.

Chính những ngành đó mở ra cho chúng ta hướng đi của các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. Còn rất nhiều mảnh đất màu mỡ khác cho công ty, doanh nghiệp siêu nhỏ, người dân có thể tận dụng được thị trường ngách, để phát triển, để lớn mạnh. Cơ hội thị trường luôn có, chỉ có điều chúng ta có đủ lực, có dám thực hiện hay không mà thôi".

Theo Quang Huy

Trí Thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên