MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Ái nữ" Gỗ Minh Dương: Khi kế nghiệp gia đình, tôi đã “chột dạ” nghĩ liệu đây có phải con đường mình có thể gắn bó lâu dài không?

01-09-2018 - 16:51 PM | Doanh nghiệp

“Mỗi người có một con đường tìm kiếm riêng ngành nghề của mình. Riêng đối với ngành gỗ, nếu người trẻ không đủ đam mê rất khó để nối nghiệp gia đình”, Dương Minh Tuệ - Giám đốc tiếp thị và kinh doanh Công ty CP Gỗ Minh Dương chia sẻ.

Là con gái của ông Dương Minh Chính – Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CP Gỗ Minh Dương – là một đơn vị xuất khẩu gỗ với kinh nghiệm 16 năm trong lĩnh vực này. Đều đặn mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 2 triệu USD cho khách hàng nước ngoài. Được biết, các sản phẩm đồ gỗ nội thất gia dụng xuất khẩu làm từ nguyên liệu gỗ cao su và các loại gỗ nhập khẩu gắn với thương hiệu Minh Dương Furniture đã được nhiều nhà phân phối lớn ở các thị trường khó tính như Hòa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… biết tiếng.

Cô gái Dương Minh Tuệ, sinh năm 1982 nối nghiệp gia đình ở vị trí Giám đốc tiếp thị và kinh doanh công ty CP Gỗ Minh Dương khi 28 tuổi. Tại Hội nghị mới đây, nữ Giám đốc này đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện thế hệ trẻ nối nghiệp gia đình.

"Áp lực ghê gớm lắm"

Cô gái 8X cho hay: Những bạn trẻ kế nghiệp gia đình hầu hết đều gặp những khó khăn riêng. Được giao một trọng trách, một vị trí dù nhỏ trong công ty của bố mẹ cũng đủ áp lực lắm, đặc biệt khi mình chưa sẵn sàng…

"Khi Tuệ mới vào công ty của bố mẹ làm, không biết là nên tiếp xúc ở khía cạnh sản xuất trước hay ở lĩnh vực kinh doanh. Ban đầu bị ngợp do nhiều khâu quan trọng trong công ty còn trống những vị trí chủ chốt. Trong khi bản thân còn trẻ, lại chưa am hiểu tường tận về quy trình quy cũ của thế hệ đi trước. Áp lực vì nghĩ: Công ty bố mẹ mình đã gầy dựng trong khoảng thời gian dài, sự ảnh hưởng rất lớn rồi thì mình nên tiếp cận bằng cách nào để có thể đưa ra những thay đổi trong doanh nghiệp…", Tuệ giãi bày.

"Đôi khi chột dạ nghĩ rằng, hay mình chỉ hỗ trợ cùng bố mẹ trong thời gian ngắn rồi thôi và đắn đo suy nghĩ: Liệu đây có phải là con đường mà mình gắn bó lâu dài được hay không?", cô gái 8X nhớ lại.

Theo Minh Tuệ, ngành gỗ là ngành có đặc thù riêng, hầu như các công ty gỗ hiện nay đều đi lên từ những người trong gia đình có truyền thống thợ mộc. Nó không phải là ngành dễ làm giàu, thiên về truyền thống nhiều hơn nên hầu như các bạn trẻ hiện nay mặc dù sinh ra trong gia đình có bố mẹ theo nghề nhưng cũng không mấy mặn mà. Hầu hết các thế hệ trong lĩnh vực này đều đã ở độ tuổi tứ tuần, người trẻ nối nghiệp khá ít.

"Ngành gỗ bên cạnh đòi hỏi yếu tố thiết kế và thương mại thì yếu tố truyền thống sản xuất rất quan trọng, nên khi bạn trẻ khởi nghiệp hay nối nghiệp mà không hiểu tường tận về 3 yếu tố này thì rất khó thành công", Minh Tuệ chia sẻ.

Phải vừa có có hội, vừa có động lực rất lớn mới kế nghiệp được

"Vì thế, khi đã được bố mẹ giao trọng trách nếu không đủ đam mê, yêu nghề thì khó có thể làm được", Tuệ chia sẻ.

Theo lời kể của cô gái này thì khi đã được bố mẹ tin tưởng giao trọng trách, đặc biệt phụ trách mảng tiếp thị và kinh doanh, ảnh hưởng đến con số kinh doanh của công ty thì không chỉ là áp lực mà còn là trọng trách bắt buộc phải gánh vác. "Tôi chỉ còn cách là hoàn toàn bỏ tâm sức vào trong đó để làm thôi", Tuệ bộc bạch.

"Thời điểm đầu, 5 giờ sáng tôi đã có mặt dưới xưởng, sáng đi chiều về. Chủ nhật bạn bè rủ đi chơi thì tôi bận tiếp khách ở xưởng. Có lẽ những thử nghiệm thật sự để biết rằng mình yêu nó thì mới có động lực đi tiếp với nó. Chỉ khi có động lực thì mình mới có cơ hội cùng bố mẹ phát triển nó", Tuệ chia sẻ.

Đó là thời điểm của Tuệ về trước, còn hiện nay Tuệ cho rằng các bạn trẻ kế nghiệp gia đình trong ngành gỗ rất giỏi. Nhiều bạn nắm những vị trí chủ chốt trong công ty, đưa ra quyết định điều phối công ty, cùng gia đình quản trị công ty và hoạt động rất hiệu quả.

Theo Tuệ, khi cha mẹ đã giao cho mình một vị trí ở công ty nghĩa là họ kỳ vọng mình đủ năng lực để chèo lái con thuyền doanh nghiệp cùng họ, điều này đồng nghĩa với việc trọng trách sẽ cao hơn gấp 10 lần những người trẻ tự ra khởi nghiệp. Tuy nhiên, lợi thế của những thế hệ kế nghiệp lại tốt hơn những bạn trẻ khởi nghiệp, ít ra là về nguồn tài chính và có bố mẹ là chuyên gia hỗ trợ rất nhiều.

"Thế nhưng, dù là thế hệ kế nghiệp hay tự khởi nghiệp nếu không tự cố gắng, lao vào thử nghiệm và đủ đam mê thì sẽ rất khó thành công", Minh Tuệ chia sẻ.

Theo Phương Nga

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên