MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai sẽ trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới?

14-04-2016 - 10:39 AM | Tài chính quốc tế

Trong lúc cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vẫn còn căng thẳng, một cuộc bầu cử khác cũng không kém phần kịch tính nữa cũng đang diễn ra, đó là cuộc đua để trở thành Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Liên Hợp Quốc đã có những động thái đầu tiên khi các ứng cử viên tiếp nhận và trả lời các câu hỏi từ đại diện các nước thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như từ người dân nhiều quốc gia trên thế giới.

Dưới đây là những điều cần biết về cuộc bầu cử Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tới đây.

Ai đang tham gia tranh cử?

Hiện đang có 10 người sẽ cạnh tranh nhau để trở thành Tổng thư ký mới, và con số này sẽ còn tăng lên. Trong số này bao gồm rất nhiều quan chức Đông Âu, cụ thể là cựu Tổng thống Slovenia, phó Thủ tướng Montenegro và cựu Ngoại trưởng các nước Macedonia, Croatia, Serbia và Moldova.

Ngoài ra, hai giám đốc của các cơ quan Liên Hợp Quốc cũng sẽ tham gia tranh cử. Đó là bà Irina Bokova và bà Helen Clark, lần lượt là người đứng đầu Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNESCO) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP). Cuối cùng là cựu giám đốc Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Antonio Guterres.

Khả năng một phụ nữ sẽ trở thành Tổng thư ký tiếp theo là rất cao và hiện các quan chức ngoại giao đang bàn tán về việc liệu Thủ tướng Đức Angela Merkel có tham gia tranh cử hay không.

Nghĩa vụ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là gì?

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc là người đứng đầu của một hệ thống các cơ quan trực thuộc Liên Hợp Quốc, có nhiệm vụ chấm dứt tình trạng đói nghèo và xây dựng hòa bình trên thế giới. Tổng thư ký không có quyền điều khiển quân đội.

Bà Irina Bokova, người đứng đầu UNICEF, cũng là một ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thư ký.

Bà Irina Bokova, người đứng đầu UNICEF, cũng là một ứng cử viên sáng giá cho chức Tổng thư ký.

Tuy vậy, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc chủ yếu thực hiện những định hướng mà các nước trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra. Nếu những quốc gia trên muốn tiến hành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại một quốc gia, Tổng thư ký sẽ thực hiện bước đi này.

Nhiệm kỳ của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kéo dài trong bao lâu?

Mỗi nhiệm kỳ của Tổng thư ký kéo dài 5 năm với số nhiệm kỳ không giới hạn. Một số quan chức trong Liên Hợp Quốc đã bàn về việc cho phép thời gian của mỗi Tổng thư ký chỉ là một nhiệm kỳ 7 năm để tránh tình trạng các cường quốc trong Hội đồng Bảo an có thể gây sức ép tiêu cực lên Tổng thư ký.

Tổng thư ký đương nhiệm Ban Ki-moon được phép giữ chức trong hai nhiệm kỳ, tương tự như người tiền nhiệm Kofi Annan. Trong quá khứ, Mỹ đã từng ngăn không cho cựu Tổng thư ký Boutros Boutros-Ghali có thêm nhiệm kỳ thứ hai.

Thách thức nào đang chờ đợi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc tiếp theo?

Dựa trên những câu hỏi mà các ứng cử viên nhận được, các nước trên thế giới tin rằng người đứng đầu Liên Hợp Quốc tiếp theo phải là một người có thể khắc phục những khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra. Cụ thể, những vấn đề được nêu ra bao gồm căng thẳng an ninh ở Trung Đông và ngăn chặn các vụ khủng bố xảy ra tại châu Âu.

Tổng thư ký tiếp theo cũng sẽ phải tìm cách giải quyết vấn đề binh lính gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc bị cáo buộc xâm hại tình dục tại một số nước Châu Phi và Haiti.

Một số quan chức hi vọng rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tiếp nhận chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong tương lai.

Một số quan chức hi vọng rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tiếp nhận chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc trong tương lai.

Cuộc bầu cử diễn ra khi nào và như thế nào?

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra một danh sách ứng cử viên tới toàn bộ 193 các nước thành viên trong Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc và đại diện các nước này sẽ tổ chức bỏ phiếu lấy ý kiến. Năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an sẽ có quyền phủ quyết, cho phép họ bác bỏ bất kỳ ứng cử viên nào họ cảm thấy không phù hợp.

Hội đồng Bảo an cũng tổ chức bỏ phiếu không chính thức trong các cuộc họp kín. Dự kiến Hội đồng sẽ chọn ra Tổng thư ký tiếp theo vào tháng 9 và sẽ tuyên bố tên của người này vào tháng 10 tới. Nhiệm kỳ tiếp theo của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc mới sẽ bắt đầu vào ngày 1/1/2017.

Lần bầu cử này có gì khác với trước đây?

Mới đây, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã nói rằng họ mong muốn tham gia tích cực hơn nữa trong việc chọn lựa Tổng thư ký. Họ không muốn các nước trong Hội đồng Bảo an quyết định người đứng đầu tiếp theo và các ứng cử viên hiện đang trải qua một vòng hỏi đáp khi họ phải trả lời những câu hỏi từ quan chức và dân thường của một số nước.


Theo Anh Tuấn

Infonet

Trở lên trên