MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Syria diễn biến phức tạp: Nguy cơ rơi vào hỗn loạn và vai trò của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel

15-12-2024 - 14:14 PM | Tài chính quốc tế

Tình hình Syria đang diễn biến hết sức phức tạp, không loại trừ khả năng Syria sẽ lại rơi vào hỗn loạn như đã từng xảy ra ở một số quốc gia khác sau Mùa xuân Ả Rập.

Chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử Syria. Các phe phái chính trị, tôn giáo, sắc tộc, đại đa số dân chúng, thậm chí quân đội và nhiều quan chức trong chính phủ cũ cũng tỏ ra vui mừng.

Syria đang ở ngã ba đường. Không ai có thể dự đoán được tương lai nào đang chờ đợi họ.

Nỗ lực ổn định tình hình

Người đứng đầu Liên minh Quốc gia những người nổi dậy và phe đối lập Syria, Hadi Al-Bahra, gần đây đã đề xuất một giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 18 tháng nhằm tạo ra một môi trường an toàn và trung lập để tổ chức tổng tuyển cử. 

Ông cho biết, trong sáu tháng đầu tiên, một dự thảo hiến pháp sẽ được soạn thảo và đưa ra trưng cầu ý dân về chế độ chính trị, các nhân viên chính phủ tiếp tục làm việc trong thời kỳ chuyển tiếp. Kết thúc thời kỳ chuyển tiếp, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tiến hành để bầu ra Quốc hội và chính phủ mới.

Thủ tướng của của chế độ cũ Muhammad Al-Jalali được giao nhiệm vụ tiếp tục điều hành các công việc của chính phủ và tỏ ra sẵn sàng chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Ông Muhammad al-Bashir, người đứng đầu Chính phủ cứu quốc Syria, đã điều hành Idlib trong nhiều năm, được giao nhiệm vụ thành lập chính phủ mới để quản lý giai đoạn chuyển tiếp.

Thủ lĩnh liên minh phe đối lập đánh bại chính quyền của ông Assad, do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo, Abu Mohammed al-Julani, kêu gọi các phe phái đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, hứa sẽ thống nhất đất nước, cho phép các lực lượng chính trị tham gia chính quyền, đưa Syria đi theo con đường hòa giải dân tộc, tránh các hành động trả thù lẫn nhau và một cuộc nội chiến mới. 

Syria diễn biến phức tạp: Nguy cơ rơi vào hỗn loạn và vai trò của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel- Ảnh 1.

Thủ lĩnh liên minh phe đối lập do Hayat Tahrir al-Sham (HTS) lãnh đạo Abu Mohammed al-Julani. Ảnh: NBC News/Getty

Chính quyền chuyển tiếp cam kết thiết lập "nhà nước pháp quyền", bảo vệ các thể chế của đất nước, bảo đảm phẩm giá, công lý, đáp ứng nguyện vọng của người dân Syria, tập trung giải quyết những tàn dư của quá khứ thông qua các cơ chế minh bạch nhằm đạt được hòa bình lâu dài, đồng thời tìm kiếm một vai trò mang tính xây dựng trong khu vực và trên thế giới để đạt được an ninh và ổn định.

Đây là những dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình Syria lại cực kỳ bất ổn.

Tương lai bất định

Sự lạc quan ban đầu về triển vọng của một quá trình chuyển đổi dân chủ, hòa bình dần dần phai nhạt. Phía trước, không chỉ là cơ hội mà tương lai còn ẩn chứa nhiều thách thức to lớn về chính trị, an ninh và kinh tế.

Trụ cột quân sự của phe nổi dậy là nhóm Hồi giáo chính thống dòng Sunni Hayat Tahrir Al-Sham, viết tắt là HTS được thành lập năm 2011. 

HTS vốn là một nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda hoạt động ở Syria từ năm 2011, đến nay vẫn bị Liên Hợp Quốc và nhiều nước liệt vào danh sách khủng bố. HTS là nhóm đóng vai trò chính trong cuộc nội chiến ở Syria và cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Assad vừa qua. Mohammed al-Bashir, người đứng đầu HTS, mới được bổ nhiệm làm thủ tướng chính phủ chuyển tiếp.

Mặc dù đã thay đổi và cải thiện hình ảnh của mình, HTS khó có thể từ bỏ tư tưởng Hồi giáo cực đoan. Trong tình hình như vậy, các nhà quan sát cho rằng, chính quyền mới có thể sẽ là một nhà nước Hồi giáo.

Mặt khác, Syria là một quốc gia đa sắc tộc và tôn giáo. Người Kurd chiếm khoảng 10% dân số kiểm soát 1/3 lãnh thổ được Mỹ hỗ trợ, người Hồi giáo theo dòng Shia chiếm 13% dân số đang mất đi ảnh hưởng của mình. Phe đối lập gồm trên dưới 15 tổ chức khác nhau đã tập hợp lại trong cuộc nổi dậy lật đổ chính quyền Assad, không dễ gì duy trì sự đoàn kết sau khi đạt được mục tiêu của họ do hệ tư tưởng và lợi ích khác nhau.

Các tổ chức khủng bố, trong đó có al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn. Các đối tượng này vẫn ẩn mình chờ thời. Không có gì đảm bảo khoảng trống quyền lực sẽ không tạo ra môi trường để các nhóm này hồi sinh.

Vai trò của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Israel

Nhiều nước có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định tương lai của Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát một dải lãnh thổ phía bắc, quân đội của họ đang chiến đấu với lực lượng người Kurd ở Syria. Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ mở rộng ảnh hưởng chính trị và quân sự của mình ở Syria, tạo ra nhiều vấn đề hơn cho cộng đồng thiểu số người Kurd đang đấu tranh giành quyền tự trị.

Chế độ Assad sụp đổ, Iran bị thiệt hại nhiều nhất. “Trục kháng chiến” của Tehran gồm Hezbollah ở Lebanon, Hamas ở Gaza và Houthi ở Yemen bị suy yếu nghiêm trọng. Iran sẽ tiếp tục hành động để khôi phục lại ảnh hưởng của mình ở Syria.

Sự sụp đổ của chế độ Assad đặt ra vấn đề liên quan đến hiệp định Syria cho Nga thuê căn cứ quân sự 49 năm được ký năm 2017. Nga, vốn đã hỗ trợ chế độ Assad trong cuộc chiến chống lại quân nổi dậy từ năm 2015, cũng bị ảnh hưởng. Moscow hiện đang tìm cách duy trì căn cứ hải quân gần Tartous và căn cứ không quân Hmeimim gần Latakia trên bờ biển Địa Trung Hải.

Một nguồn tin của Bloomberg đề nghị giấu tên tiết lộ Moscow đang tiến hành đàm phán với chính quyền mới và sắp đạt được thỏa thuận để giữ lại hai căn cứ quân sự ở Tartous và Hmeimim. Một số nguồn tin cho biết, họ đã đạt được sự hiểu biết không chính thức với HTS về vấn đề này.

Lợi dụng tình trạng vô chính phủ ở Syria, Israel đã tăng cường các cuộc tấn công nhằm triệt tiêu tiềm năng quân sự của Syria. Ngay sau khi chính quyền Assad sụp đổ, Israel đã tiến hành ném bom quy mô lớn với hơn 350 vụ vào các căn cứ không quân, trung tâm nghiên cứu và cơ sở công nghiệp quốc phòng ở nhiều tỉnh khác nhau của Syria. Quân đội Israel vượt biên giới vào chiếm giữ vùng đệm ở cao nguyên Golan thuộc tỉnh Quneitra bên trong lãnh thổ Syria.

Syria diễn biến phức tạp: Nguy cơ rơi vào hỗn loạn và vai trò của Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel- Ảnh 2.

Quân đội Syria hiện diện gần đường ngừng bắn giữa Syria và cao nguyên Golan. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngay lập tức đã đến thăm cao nguyên Golan và tuyên bố: “Cao nguyên Golan sẽ mãi mãi là một phần không thể thiếu của Israel”.

Ông cho rằng, việc kiểm soát cao nguyên Golan là cần thiết để ngăn chặn các lực lượng cực đoan khai thác khoảng trống được tạo ra từ phía Syria tràn vào phía bắc Israel.

Tình hình Syria đang diễn biến hết sức phức tạp, không loại trừ khả năng Syria sẽ lại rơi vào hỗn loạn như đã từng xảy ra ở một số quốc gia khác sau Mùa xuân Ả Rập. 

Liên Hợp Quốc cho biết, hiện đã có hơn 400 nghìn người Syria đã phải di dời, 1,5 triệu người có thể buộc phải chạy trốn sau khi các lực lượng đối lập tràn vào thủ đô Damascus. Ở Syria, cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm vũ trang khác nhau có thể dẫn đến một cuộc xung đột mới, gây bất ổn hơn nữa không chỉ cho chính Syria mà còn cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên