MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai thắng ai bại trong ‘trật tự mới’ của thị trường năng lượng toàn cầu?

30-06-2022 - 22:36 PM | Thị trường

Ai thắng ai bại trong ‘trật tự mới’ của thị trường năng lượng toàn cầu?

Trong trung và dài hạn, Mỹ đang ở một vị thế rất lớn trong việc giải quyết các nút thắt cho thị trường năng lượng toàn cầu. Trong khi đó, Nga được hưởng lợi từ giá dầu và khí đốt tăng cao trong ngắn hạn nhưng triển vọng dài hạn cho ngành năng lượng nước này không mấy sáng sủa.

Trật tự toàn cầu mới đã được thiết lập sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra mà ở đó, có những người chiến thắng nhưng cũng có người thua cuộc khi dòng chảy thương mại trong lĩnh vực năng lượng đã thay đổi.

Nga vẫn nhận đều đặt gần 1 tỷ USD doanh thu từ dầu khí mỗi ngày do châu Âu tiếp tục mua khí đốt của Nga và đang hoảng sợ trước khả năng Nga cắt hoàn toàn nguồn cung cấp khí đốt.

Trong ngắn hạn, Nga có thể đã thắng khi các nền kinh tế lớn của châu Âu vẫn phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của họ.

Người thắng kẻ thua

Nhưng trong trung và dài hạn, Moscow có khả năng mất đi vị thế siêu cường năng lượng toàn cầu vì quyết định của châu Âu cắt đứt sự phụ thuộc vào năng lượng Nga là không thể thay đổi, Fideon Rachman – cây viết phụ trách mảng đối ngoại của Financial Times viết.

Châu Á có thể tiếp nhận nhiều dầu hơn từ Nga nhưng việc chuyển dịch dòng chảy khí đốt của Nga từ châu Âu sang Trung Quốc sẽ phải mất vài năm chứ không thể giải quyết trong vài tháng.

Đồng thời, giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng cao đang giúp Mỹ trở thành kẻ chiến thắng trong trung và dài hạn vì phương Tây sẽ phải tìm kiếm dầu và khí đốt không thuộc Nga trong nhiều năm tới, bất kể chiến sự tại Ukraine có sớm kết thúc hay không.

Ai thắng ai bại trong ‘trật tự mới’ của thị trường năng lượng toàn cầu? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, ngành sản xuất dầu đá phiến của Mỹ đang đối mặt với những khó khăn ngắn hạn trong việc gia tăng sản lượng. Những trở ngại này bao gồm các vấn đề về chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao và chính quyền Mỹ muốn thúc đẩy năng lượng sạch. Họ cũng không quên đổ lỗi cho ngành công nghiệp dầu mỏ gây ra những "náo loạn" gần đây vì nguồn cung thắt chặt góp phần đẩy giá xăng lên cao kỷ lục.

Nếu Mỹ thực sự tạo ra môi trường pháp lý đủ tốt để hỗ trợ đầu tư vào sản xuất dầu, họ có cơ hội chiến thắng trong trò chơi địa chính trị về năng lượng trong dài hạn. Dầu thô và các sản phẩm từ dầu của Mỹ sẽ dễ dàng tìm kiếm các thị trường tiêu thụ lớn, đặc biệt là châu Âu hay các đồng minh ở Bắc Á – những nước không muốn phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Với đặc thù gần gũi về địa lý, Mỹ Latin cũng là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu năng lượng của Mỹ.

Quyết định của châu Âu để cắt bỏ sự phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga (cuối năm 2022) và khí đốt (dự kiến năm 2027) đang làm suy yếu vị thế cường quốc năng lượng của Nga trong trung và dài hạn. "Trước khi xung đột xảy ra, Nga có thể tự tin đảm bảo nguồn thu từ dầu khí trong 30 năm. Giờ đây, họ chỉ có thể xem xét trong 3 năm tới", một quan chức cao cấp của Đức nói với FT.

Dòng chảy khí đốt của Nga sang châu Á phải mất nhiều năm để hình thành

Nga kiếm được 98 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu hoá thạch trong 100 ngày đầu khi xung đột với Ukraine nổ ra, trong đó EU vẫn chiếm đến 61% tổng doanh thu – theo dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch.

Khi EU đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga bằng cách áp đặt các lệnh cấm vận nhập khẩu dầu đường biển từ Nga, Moscow đang chuyển một lượng lớn dầu thô sang châu Á. Tuy nhiên, Nga sẽ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn là thay thế các đối tác mua khí đốt ở châu Âu bằng các công ty ở châu Á.

Đường ống và lượng khí đốt Nga chuyển tới Trung Quốc chỉ chiếm một phần nhỏ so với lượng khí đốt xuất sang châu Âu, ngay cả khi Nga đã cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu trong những tuần qua.

Ai thắng ai bại trong ‘trật tự mới’ của thị trường năng lượng toàn cầu? - Ảnh 2.

Hiện tại, Nga vận chuyển khí đốt đến Trung Quốc chủ yếu thông qua đường ống Power of Siberia, đi vào hoạt động cuối năm 2019. Nước này cũng đã lên kế hoạch khai thác một đường ống khác để cung cấp khí đốt sang Trung Quốc nhưng sẽ phải mất nhiều năm để hoàn thành.

"Nga cuối cùng có thể phát triển một dòng chảy năng lượng mới hướng tới thị trường châu Á nhưng sự thay đổi này không thể diễn ra tức thời, Nó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các đối tác nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc", Nikos Tsafos - Chủ tịch của James R.Schlesinger cho biết.

Mỹ có năng lực để "giải cứu" thị trường trong dài hạn

Mỹ, nhà sản xuất dầu thô hàng đầu thế giới, có thể bù đắp một phần nguồn cung từ Nga, gồm cả dầu và khí đốt. Xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đang tăng mạnh, đồng thời xuất khẩu nhiên liệu cũng tăng mạnh mặc dù tồn kho nhiên liệu đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp dầu đá phiến của Mỹ phải đối mặt với một số trở ngại trong việc thúc đẩy sản xuất khi chi phí leo thang cũng như sự chậm trễ trong chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, các nhà khai thác dầu của Mỹ cũng đang ưu tiên tập trung thanh toán các khoản nợ và trả cổ tức cho cổ đông, hơn là đầu tư cho khai thác mới. Họ cũng rất cảnh giác trước sức ép từ cơ quan quản lý, vốn không khuyến khích đầu tư khai thác năng lượng hoá thạch.

https://cafef.vn/ai-thang-ai-bai-trong-trat-tu-moi-cua-thi-truong-nang-luong-toan-cau-20220630165921772.chn

Đức Nam

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên