MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Airbus A380 sắp bị khai tử

15-02-2019 - 11:05 AM | Tài chính quốc tế

Airbus sẽ ngừng sản xuất A380, loại máy bay phản lực siêu tốc mang tính biểu tượng của họ, từng hứa hẹn sẽ cách mạng hóa việc đi lại bằng máy bay thương mại nhưng đã không đáp ứng được những kì vọng quá mức.

Thứ Năm tuần này, nhà sản xuất máy bay châu Âu thông báo họ sẽ ngừng cung cấp máy bay A380 vào năm 2021 sau khi khách hàng chủ chốt của họ, hãng hàng không Emirates có trụ sở tại Dubai, đã cắt giảm đơn đặt hàng dành cho loại máy bay lớn nhất thế giới này.

"Đó là một quyết định đau đớn. Chúng tôi đã đầu tư nhiều nỗ lực, tài nguyên và mồ hôi vào loại máy bay này", Tom Enders, CEO của Airbus, nói trong cuộc gọi hội nghị với các chuyên gia phân tích.

"Nhưng rõ ràng rằng chúng tôi cần phải thực tế", ông nói thêm. "Với quyết định giảm số lượng đặt hàng của Emirates, thì lượng đơn hàng còn lại không đủ để chúng tôi duy trì việc sản xuất".

Quyết định này có thể gây ảnh hưởng đến việc làm của 3.500 nhân viên hiện tại, trải dài trên bốn quốc gia lớn ở châu Âu, trong ba năm tới.

A380 được phát triển với chi phí 25 tỉ USD và lần đầu tiên được đưa lên bầu trời cách đây 14 năm. Tuy nhiên, cú "đặt cược" khổng lồ của họ - rằng các hãng hàng không sẽ cần một chiếc máy bay có thể chở tới 853 hành khách ở những sân bay lớn - đã không thành hiện thực.

Tính đến nay, Airbus chỉ giao hàng được 234 chiếc siêu phản lực, chưa đến 1/4 trong số 1.200 chiếc mà họ dự đoán sẽ bán khi lần đầu tiên giới thiệu loại máy bay hai tầng này. Kế hoạch của họ bị phá sản bởi các hãng hàng không đã chuyển sự quan tâm sang các loại máy bay chở khách nhẹ hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn, giúp giảm nhu cầu vận chuyển hành khách giữa các trung tâm lớn.

"Hành khách trên toàn thế giới rất thích bay trên chiếc máy bay tuyệt vời này. Do đó, thông báo của ngày hôm nay là rất đau đớn đối với chúng tôi và cộng đồng A380 trên toàn thế giới. Nhưng hãy nhớ rằng A380 vẫn sẽ có mặt trên bầu trời trong nhiều năm tới và Airbus tất nhiên sẽ tiếp tục hỗ trợ đầy đủ cho các hãng đang khai thác A380", Enders cho biết.

Cổ phiếu của Airbus đã tăng 5% vào hôm thứ Năm sau khi họ báo cáo thu nhập năm 2018 và đưa tin về A380. Lợi nhuận ròng tăng 30% so với năm trước, lên 3,1 tỷ euro (tương đương khoảng 3,5 tỷ USD). Doanh số tăng vọt lên 63,7 tỷ euro (khoảng 71,7 tỷ USD).

Công ty cho biết họ hi vọng sẽ cung cấp từ 880 đến 890 máy bay thương mại trong năm 2019, nhiều hơn dự báo của một số chuyên gia phân tích. Hồi tháng 1, Boeing, đối thủ đến từ Mỹ của họ, cho biết sẽ sản xuất tới 905 máy bay trong năm nay.

Boeing vẫn đang sản xuất loại máy bay phản lực khổng lồ 747. Tuy vậy, việc sản xuất đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây và chỉ có sáu chiếc được giao trong năm 2018.

Kết thúc một huyền thoại

Đầu năm ngoái, Emirates đã giúp cho chương trình A380 tiếp tục được "sống" bằng cách đặt một đơn đặt hàng lớn cho loại máy bay này. Tuy nhiên, trong tuần này, theo chân các hãng hàng không khác, như Qantas của Úc, họ đã hủy đơn đặt hàng. Emirates đang chuyển dòng tiền của mình sang 70 chiếc máy bay chở khách nhỏ hơn của Airbus - một mẫu máy bay kết hợp giữa hai mẫu mới nhất là A330 và A350 cũng của nhà sản xuất này.

"Mặc dù thất vọng khi phải từ bỏ đơn đặt hàng của mình và buồn vì chương trình này không thể được duy trì, nhưng chúng tôi chấp nhận rằng đây là thực tế của tình hình. A380 sẽ vẫn là một trụ cột của đội bay chúng tôi vào những năm 2030", chủ tịch Emirates, ông Ahmed Ahmed bin Saeed Al Maktoum, phát biểu.

Airbus cho biết họ sẽ bắt đầu thảo luận với các đại diện của nhân viên đang làm việc ở công ty trong vài tuần tới về vấn đề 3.000 đến 3.500 việc làm có khả năng bị ảnh hưởng khi ngừng sản xuất A380. Họ cho biết thêm rằng chương trình A320 mở rộng và đơn đặt hàng mới lớn từ Emirates "sẽ mang đến một lượng cơ hội chuyển đổi trong nội bộ đáng kể".

Lê Thanh Hải

CNN

Trở lên trên