MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Alan Greenspan - Công và tội

21-10-2016 - 13:09 PM | Tài chính quốc tế

Cựu Chủ tịch Fed Alan Greenspan từng được mọi người ca tụng như một vị anh hùng. Giờ đây ông lại bị gọi là kẻ tội đồ. Ông là ai hãy để lịch sử chứng minh. Tuy nhiên, có lẽ cuốn sách mới được tác giả Sebastian Mallaby xuất bản sau 5 năm nghiên cứu về nhân vật gây tranh cãi này sẽ phần nào tác động đến phán quyết của lịch sử.

Năm 2000, Alan Greenspan được cựu thượng nghị sĩ Phil Gramm ca ngợi là “thống đốc NHTW vĩ đại nhất mà nước Mỹ từng có”. Giờ đây cũng chính người đàn ông ấy bị cho là thủ phạm đã gây ra khủng hoảng 2007 – 2008.

Người đàn ông gốc Do Thái nay đã 90 tuổi là người ủng hộ đảng Cộng hòa nhưng lại có nhiều năm làm việc với cựu Tổng thống Bill Clinton (là người thuộc đảng Dân chủ) nhiều hơn là George Bush. Là tín đồ của chủ nghĩa tự do, thế mạnh của Greenspan lại là nghệ thuật xử lý dữ liệu. Dù tin vào chế độ bản vị vàng, ông lại trở thành người đi tiên phong ủng hộ chính sách tiền tệ tự do tùy ý.

Cựu Chủ tịch Fed cho rằng sự ra đời của Cục dự trữ liên bang Mỹ là một thảm họa, nhưng lại trở thành một trong những người lãnh đạo có tầm ảnh hưởng lớn nhất của cơ quan này. Ông tin vào thị trường tự do nhưng lại hào hứng tham gia vào quá trình giải cứu các ngân hàng hay những quốc gia chìm trong khủng hoảng. Ông nhận thức được những mối nguy phát sinh từ rủi ro đạo đức nhưng lại ra tay giúp đỡ để rồi trở nên nổi tiếng với chính sách “Greenspan put” (luôn sẵn sàng giảm lãi suất để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường).

Sebastian Mallaby, cựu phóng viên của tạp chí The Economist và giờ đang cộng tác với Hội đồng quan hệ quốc tế ở New York, dẫn dắt người đọc trải qua một hành trình dài đằng đẵng xuyên suốt cuộc đời Alan Greenspan. Đó là những năm tháng tuổi thơ mà Greenspan đã trải qua cùng người mẹ đơn thân gốc Do Thái tới New York lập nghiệp, là quãng thời gian đóng vai trò là nhân vật phụ trong ban nhạc jazz, những năm tháng làm một nhà dự báo dựa vào số liệu, 18 năm làm Chủ tịch Fed và cuối cùng là cảnh Greenspan phải chứng kiến toàn bộ danh tiếng sụp đổ cùng khủng hoảng tài chính. Dưới lăng kính của Mallaby, cuộc đời Greenspan còn ánh lên những chính sách mà nước Mỹ đã thực hiện trong suốt 4 thập kỷ.

Mallaby nói về quãng thời gian làm Chủ tịch Fed của Greenspan: “Bi kịch của Alan Greenspan trong suốt các nhiệm kỳ làm Chủ tịch Fed là ông không theo đuổi những nỗi sợ của mình đủ mạnh mẽ: ông quyết định đạt mục tiêu lạm phát là điều tương đối dễ dàng, đạt mục tiêu về giá tài sản mới là chuyện khó; ông không muốn đối đầu với các ý kiến cho rằng NHTW có nhiệm vụ chống lại lạm phát chứ không phải khiến tiền tiết kiệm của người dân bốc hơi để buộc giá tài sản phải giảm xuống. Bi kịch này được tạo nên từ những tính cách trái ngược đã định hình hình ảnh của Greenspan trước dư luận: một bên là sự trung thực của kẻ trí thức và một bên là nỗi e ngại không dám hành động mạnh mẽ dứt khoát”.

Nhiều người sẽ so sánh sự nhu mì của Greenspan với tính cách mạnh mẽ ngang tàng của Paul Volcker – người tiền nhiệm đã khống chế thành công lạm phát trong những năm 1980. Ông thiếu đi dũng khí của Volcker. Cũng chính vì nội các của Reagan đã chán ngấy với tính khí của Volcker mà Greenspan được chọn làm Chủ tịch Fed.

Greenspan có tới 18 năm làm Chủ tịch Fed bởi ông biết rõ mình sẽ không thể chiến thắng trên mặt trận nào. Có lẽ ông sẽ nhanh chóng mất ghế nếu không có được sự linh hoạt ấy. Năm 2008, ông thừa nhận trước Quốc hội rằng “tôi đã sai lầm khi giả định rằng mối quan tâm của các tổ chức, đặc biệt là các ngân hàng, là bảo vệ lợi ích của các cổ đông và nguồn vốn một cách tốt nhất có thể”. Greenspan biết rằng Chính phủ và Fed đặt một “tấm lưới an toàn” ở dưới để bảo vệ hệ thống tài chính. Đúng ra ông không thể mặc định rằng các ngân hàng sẽ hành động thận trọng.

Greenspan có một nỗi sợ và cả một niềm hi vọng. Ông sợ rằng các nhà quản lý luôn thất bại nhưng cũng hi vọng “khi quá trình quản lý rủi ro thất bại, Fed sẽ dọn sạch đống rác bị bỏ lại”. Thật không may, sau cuộc khủng hoảng tồi tệ 2007-08, điều này không còn đúng nữa.

Có lẽ bài học lớn nhất từ cú trượt dốc của Greenspan từ vai trò “người nhạc trưởng đại tài” đến “kẻ đồ tể” chính là những quyền năng của sự bất ổn trong hệ thống tài chính. Chúng ta không biết phải kiểm soát chúng bằng cách nào. Vì thế sẽ là hợp lý nếu rút ra kết luận: chắc chắn những lỗi lầm tương tự sẽ lặp lại và khủng hoảng sẽ một lần nữa nổ ra. Vấn đề chỉ nằm ở thời gian.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên