Alipay - Kẻ thống lĩnh thị trường thanh toán Trung Quốc: Từ hàng rong, ăn xin, bệnh nhân ung thư, đến cả tù nhân đều sử dụng ví điện tử 'quốc dân’ này
Xã hội không dùng tiền mặt có rất nhiều lợi thế, trong đó nổi bật hơn cả là chi phí giao dịch thấp hơn.
- 14-05-2019Siết hạn mức ví điện tử: Thiệt cho thanh toán không dùng tiền mặt
- 12-05-2019Áp hạn mức 100 triệu/tháng cho ví điện tử: Nhiều hay ít?
- 11-05-2019NHNN nói gì hạn mức 20 triệu đồng/ngày cho ví điện tử cá nhân?
Tại Trung Quốc, có một xu hướng đã trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây: Chỉ chấp nhận thanh toán qua smartphone và mã QR. Từ người bán hàng rong đến siêu thị đều từ chối tiền mặt và điều này đã góp phần hình thành nên một xã hội "không tiền mặt" khổng lồ ở đất nước tỷ dân.
Mua hàng qua smartphone và mã QR rất phổ biến ở Trung Quốc, trong đó hai dịch vụ được sử dụng nhiều nhất là Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent. Một nghiên cứu cho biết thị trường thanh toán khổng lồ trị giá 43,8 nghìn tỷ USD của quốc gia này hiện do hai "ông lớn" thống trị: Alipay (53,7%) và WeChat Pay (38,8%).
Alipay và WeChat Pay đang thống trị thị trường thanh toán di động Trung Quốc.
Bằng cách xây dựng một nền tảng tích hợp giữa mạng xã hội, thương mại và ngân hàng, hai gã khổng lồ công nghệ thậm chí còn có phần chiếm ưu thế hơn so với các ngân hàng truyền thống đồng thời đảm nhiệm vai trò ngày càng quan trọng trong giao dịch hàng ngày của hàng trăm triệu công dân Trung Quốc.
Alipay là ví điện tử do Ant Financial (một chi nhánh của tập đoàn Alibaba) phát triển với mục đích cung cấp công cụ thanh toán an toàn và tiện lợi cho người tiêu dùng. Năm 2011, Alipay ra mắt phương thức thanh toán offline thông qua mã vạch và được coi là ví điện tử đầu tiên trên thị trường làm được điều này.
Chuỗi siêu thị Hema của Alibaba là nơi người tiêu dùng có thể mua thực phẩm tươi sống tại chỗ hoặc đặt giao hàng online. Một điểm đáng chú ý là khách hàng của Hema chỉ có thể thanh toán bằng Alipay qua smartphone hoặc tại quầy tự thanh toán.
Nhà sáng lập Alibaba, Jack Ma trong một sự kiện của Hema.
Theo ước tính, tại đất nước tỷ dân, mỗi ngày có hàng chục triệu người tiêu dùng sử dụng smartphone để trả tiền cho bất cứ thứ gì họ mua: Một bát mỳ vỉa hè, đồ ăn, vé xe bus hay tiền phạt vi phạm giao thông. Thậm chí, người ăn xin ở Bắc Kinh cùng chỉ chấp nhận thanh toán qua Alipay.
Bên cạnh Alipay và WeChat Pay là rất nhiều ứng dụng tương tự cho thấy cuộc chiến thanh toán di động khốc liệt tại Trung Quốc. Và giờ đây, "đấu trường" đó đã được mở rộng tới một nơi không tưởng. Giữa tháng 1 vừa qua, Alipay đã chính thức "đổ bộ" vào các nhà tù Bắc Kinh.
Ngày 14/1, Alipay xác nhận đưa ra tính năng mới cho phép tù nhân nhận và sử dụng tiền. Cục Quản lý nhà tù Bắc Kinh đặt tên cho dịch vụ này là "thanh toán trong tù" và bắt đầu triển khai từ cuối năm ngoái, cho phép người nhà gửi tiền cho tù nhân để mua đồ sinh hoạt hàng ngày. Việc tung tính năng "thanh toán trong tù" của Alipay một lần nữa khẳng định vị thế hàng đầu của ứng dụng này tại thị trường thanh toán di động lớn nhất nhì thế giới.
Trong dịp Tết Âm lịch 2019, Alipay tuyên bố gửi tặng tổng cộng 500 triệu NDT (tương đương gần 74 triệu USD) tiền "lì xì kỹ thuật số" cho những người dùng tham gia vào chiến dịch của mình nhằm tăng cường sự gắn kết với ứng dụng Alipay.
Tiền lì xì sẽ được chuyển trực tiếp vào tài khoản trên ứng dụng của người nhận. Họ có thể sử dụng để mua hàng qua ứng dụng hay đổi thành quà cho gia đình và bạn bè. Theo đánh giá của chuyên gia, đây là cách tốt nhất để Alipay gắn kết chặt chẽ hơn với khách hàng hiện tại đồng thời thúc đẩy thêm người dùng mới.
Ngoài ra, công ty mẹ của Alipay còn cung cấp một số dịch vụ tài chính khác như cho vay, đầu tư và bảo hiểm. Xiang Hu Bao (tạm dịch là bảo vệ lẫn nhau) đã thu hút 50 triệu người dùng kể từ khi ra mắt vào tháng 10 năm ngoái. Sản phẩm này hoạt động như một tập thể trong đó thành viên đóng góp một số tiền bằng nhau cho các khoản thanh toán lên tới 300.000 NDT (tương đương 45.000 USD) khi một người tham gia bị bệnh nặng.
Các dịch vụ của Ant Financial ngày càng mở rộng tại Trung Quốc.
Người dùng có thể đăng ký miễn phí và cũng không có các khoản trả trước. Đổi lại cho việc quản lý quy trình, Ant Financial sẽ thu 8% phí cho mỗi lần chi trả của người dùng.
Bất cứ ai trong độ tuổi từ 30 đến 59 đều có thể tham gia miễn là họ đáp ứng các tiêu chí sức khỏe cơ bản. Càng nhiều người gia nhập, mỗi thành viên sẽ chỉ phải trả ít hơn 0,1 NDT cho người bị bệnh (không nằm ngoài danh sách 100 bệnh do Ant đưa ra).
Một lợi thế của Ant Financial khi tham gia lĩnh vực bảo hiểm là họ có thể khai thác hàng trăm triệu người dùng Alipay. Theo công ty, các khoản thanh toán được khấu trừ từ tài khoản Alipay của người dùng vào ngày 14 và 28 hàng tháng, những ai có điểm tín dụng khá trở lên đều được tham gia.
Ant Financial là công ty mẹ của Alipay.
Ngoài Trung Quốc, Ant Financial đang xây dựng cơ sở hạ tầng thanh toán mã QR ở châu Âu và một số quốc gia khác. Tham vọng của Ant Financial và Alipay trong tương lai là tạo ra một sân chơi mới cho khách hàng không phải người Trung Quốc trên toàn thế giới.
Tuy vậy, các vùng nông thôn Trung Quốc vẫn còn rất nhiều người chưa tiếp cận được với internet, chứ chưa nói đến smartphone. Bên cạnh đó, người lớn tuổi dù có smartphone nhưng lại gặp khó khăn với các ứng dụng thanh toán bởi họ không mấy am hiểu về công nghệ.
Theo nhận định của chuyên gia, để đạt được hiệu quả tối đa, hệ thống thanh toán di động tại Trung Quốc cần bao quát hơn để không cản trở giao dịch của người dân trong nước và người nước ngoài.
Trí Thức Trẻ/Tổng hợp