Ám ảnh chất tăng trọng đến bao giờ?
Sau khi chất cấm tăng trọng Salbutamol bị siết chặt, gần đây, một loại chất kích thích tăng trọng mới là Cysteamine rộ lên như một nỗi ám ảnh. Trong khi Mỹ, EU và nhiều nước không cho phép sử dụng vì sự độc hại thì ở Việt Nam hoạt chất này thuộc diện “không cấm, cũng không cho sử dụng”, nên việc quản lý gặp khó khăn.
- 16-10-2016Chất tạo nạc mới nguy hại tung hoành: Nhiều nước cấm, Việt Nam vẫn lưỡng lự họp bàn
- 29-09-2016Còn nhiều loại cá nhiễm chất cấm
- 03-08-2016Thanh tra cho thấy chất cấm trong thịt còn rất ít, chỉ 2/985 mẫu vi phạm chứa Salbutamol
Xuất hiện “bảo bối” tăng trọng mới
Thời gian gần đây, giới sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại truyền tai nhau về một hoạt chất mới trộn vào cám, giúp lợn gà tăng trọng nhanh. Hoạt chất này là Cysteamine, có tác dụng kích thích sinh trưởng, giúp lợn có tỷ lệ nạc cao.
Theo Thanh tra Bộ NN&PTNT, việc chất cấm Salbutamol bị “làm mạnh”, khiến giới chăn nuôi chuyển sang dùng Cysteamine như một “bảo bối” mới vì có tác dụng tương tự. Hầu hết chất Cysteamine tiêu thụ ở Việt Nam được nhập lậu từ Trung Quốc, Thái Lan.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NN&PTNT) cho biết, qua thông tin trinh sát, từ tháng 8/2016 lại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở chế biến cám và trang trại nuôi lợn sử dụng Cysteamine.
“Khuyến cáo người dân không dùng Cysteamine để tăng trọng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vì nền chăn nuôi sạch, vì sức khỏe người tiêu dùng. Chúng ta không thể hy sinh lợi ích số đông, lợi ích của dân tộc để phục vụ lợi ích cho một nhóm người”.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám
Đáng lo ngại, Cysteamine được phát hiện sử dụng ở nhiều tỉnh, cả miền Bắc và miền Nam. Theo ông Dũng, Trung Quốc là nước cho sử dụng hoạt chất này trong phụ gia thức ăn chăn nuôi. “Khi Việt Nam khống chế chất Salbutamol, thì nhu cầu Cysteamine tăng lên và việc thẩm lậu hoạt chất này từ Trung Quốc vào là khó tránh khỏi. Nếu không có giải pháp kịp thời, việc sử dụng Cysteamine có nguy cơ bùng lên như Salbutamol”- ông Dũng nói.
Trong tháng 9, Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cảnh sát Môi trường (C49), Cơ quan Thú y Vùng II đã thanh tra tại 2 gia trại ở xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên). Lực lượng liên ngành phát hiện tại một gia trại có mua 1 bao Maxsure (loại 25 kg) mua với giá 6,5 triệu đồng, đã dùng còn 3 kg. Sau khi lấy mẫu kiểm nghiệm, phát hiện có Cysteamine với hàm lượng 20.180 mg/kg.
Trước đó, hồi đầu tháng 8/2016, lực lượng liên ngành cũng phát hiện tại Cty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (Phường 4, Q.Tân Bình, TPHCM) bán sản phẩm chứa Cysteamine. Công ty này đã nhập hai loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan và bán cho các đại lý, cơ sở sản xuất cám, trang trại nuôi lợn.
Dù trên bao bì loại cám dinh dưỡng không ghi thành phần có Cysteamine, nhưng qua kiểm nghiệm đã phát hiện hoạt chất tăng trọng này có hàm lượng tới 29.898 mg/kg và 30.645 mg/kg. Cơ sở này đã bị xử phạt 180 triệu đồng về hành vi nhập khẩu, kinh doanh chất nằm ngoài danh mục.
Ngoài ra, cơ quan thanh tra cũng phát hiện hai cơ sở ở huyện Bình Lục (Hà Nam), trong đó, một cơ sở đã tiêu thụ 7 tấn, cơ sở còn đã bán khoảng 10 tấn Maxsure. “Giá bán loại này ở phía Bắc là 4,1 triệu đồng/bao loại 25 kg, còn ở phía Nam là 5,5 triệu, thậm chí người dân báo là mua tới 6-10 triệu đồng/bao. Đây là mức giá siêu lợi nhuận như ma túy”- ông Dũng nói.
Biết độc, tại sao chưa cấm?
Trên thế giới, chỉ vài nước cho sử dụng Cysteamine, như Trung Quốc (làm phụ gia thức ăn gia súc), Philippines, Thái Lan. Trong khi đó, hoạt chất này không có trong danh mục của Tổ chức Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex; EU cũng cấm sử dụng làm phụ gia thức ăn chăn nuôi.
Nhiều tổ chức thú y ở các nước trên thế giới cũng khuyến cáo chỉ dùng Cysteamine để xử lý chữa bệnh cho trường hợp vật nuôi riêng lẻ, cụ thể, không dùng trong chăn nuôi đại trà, thương mại.
Theo Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), không nên sử dụng Cysteamine và đưa vào danh mục cấm. Hiện đã có những cảnh báo về việc sử dụng Cysteamine trong khi mang thai (dù chưa có bằng chứng về những tác động sinh quái thai của chất này trên người). Thử nghiệm trên chuột cho thấy chất trên gây quái thai, gây ngộ độc thai.
“Vẫn có nhiều cách để tăng tỷ lệ nạc ở vật nuôi mà vẫn đảm bảo an toàn, như: về giống, cân bằng về thức ăn, một số chất tạo nạc an toàn Chromium Piconnilate, Creamino… tại sao không sử dụng?”- vị này cho biết.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, Cysteamine được sử dụng như một phụ gia thức ăn chăn nuôi để kích thích tăng trưởng, nhưng khi người ăn phải thịt chứa chất này trong một thời gian dài, dễ mắc các bệnh như ung thư vú, ung thư kết tràng và tuyến tiền liệt, suy yếu hệ thống miễn dịch…
Còn bà Nguyễn Thị Thủy, Phó Cục trưởng Thú y cũng đánh giá: “Do Cysteamine liên quan đến các yếu tố kích thích hoóc môn tăng trưởng cũng như các nguy cơ sức khỏe con người. Do vậy, Bộ nên có quyết định cấm nhập khẩu, lưu hành và sử dụng hoạt chất này làm phụ gia thức ăn chăn nuôi”.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, Cysteamine hiện chỉ cho phép ở Trung Quốc, các nước khác đều diện không cấm, cũng không cho sử dụng. Tại Việt Nam, hoạt chất này hiện không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.
Theo ông Dương, Cysteamine tác dụng tăng trọng nhanh như Salbutamol, nhưng lo ngại “bịt” Salbutamol rồi, người nuôi lại quay sang Cysteamine. Bộ đang dự kiến khoảng tháng 12 tới sẽ đưa Cysteamine vào diện chất cấm, lúc đó sẽ xử phạt rất nặng và xử lý hình sự.
“Tuy nhiên, để đưa hoạt chất này vào chất cấm, từ nay đến lúc đó, phải làm rõ những cơ sở khoa học, pháp lý về những tác hại, nguy cơ của Cysteamine với sức khỏe con người, vật nuôi. Đồng thời, phải hoàn thiện việc chỉ định một số phòng kiểm nghiệm để phân tích hoạt chất này, chứ hiện chưa có phòng kiểm nghiệm nào trong nước kiểm tra được Cysteamine, vì lâu nay chưa được quan tâm”- ông Dương nói.
Trong cuộc họp gần đây bàn về hoạt chất này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu, các đơn vị chức năng của Bộ tăng cường phát hiện và xử lý vi phạm về Cysteamine. Đồng thời, nghiên cứu lý do EU đưa Cysteamine vào nhóm hoóc môn tăng trưởng bị cấm sử dụng, và hoàn thiện hệ thống cơ sở khoa học pháp lý để cấm hoạt chất này.
Tiền phong